PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nêu ý kiến tại hội thảo "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học" tổ chức ngày 25-12-2017 ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ngày 13-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.
Theo kế hoạch, dự án luật sẽ trình xin ý kiến quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và tiếp tục trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tới đây.
Trong dự thảo tờ trình Ủy ban Thường vụ quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, Chính phủ thừa nhận sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật giáo dục đại học đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Những hạn chế này đã trở thành "điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học".
Vì vậy, dự thảo luật được đề xuất sửa đổi 39/73 điều, chiếm 53% tổng số điều của Luật giáo dục đại học và bổ sung 2 điều.
Tuy nhiên, trong dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết bên bên cạnh các ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số vấn đề như tờ trình Chính phủ, một số ý kiến đã đề nghị cân nhắc sửa đổi toàn diện luật.
Lý do là vì số lượng điều khoản được lựa chọn sửa đổi, bổ sung lớn (sửa đổi 53% số lượng điều luật); nội dung sửa đổi liên quan đến hầu hết các vấn đề cơ bản, quan trọng của luật hiện hành. Hơn nữa, yêu cầu đổi mới giáo dục, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đòi hỏi luật phải được sửa đổi một cách căn cơ, toàn diện hơn.
Ủy ban cũng nhấn mạnh một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung luật phải tạo hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có sức khỏe, trí tuệ, có đạo đức, kỷ luật, tăng cường sức cạnh tranh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia…
Riêng về học phí, Chính phủ cho rằng mức học phí hiện chưa được tính theo cơ chế định giá dịch vụ phù hợp với chi phí đào tạo thực tế. Do đó, dự thảo luật đã sửa đổi để chuyển học phí của cơ sở giáo dục đại học sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, để các trường công lập được quyền chủ động xây dựng và quyết định.
Đa số ý kiến thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng tán thành chủ trương này. Tuy nhiên, đi đôi với cơ chế học phí mới, cần quy định cơ chế giám sát để kiểm soát việc thu học phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo.
Ngoài ra, phải quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục bậc cao khi tăng mức học phí cũng như bổ sung văn bản hướng dẫn chi tiết về giá và mức giá dịch vụ đào tạo.
Không liên kết đào tạo khối ngành bác sĩ
Trước đó tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học. Tại đây, bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị không nên liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức không tập trung với trường cao đẳng trở xuống. Còn bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị không liên kết đào tạo với khối ngành sức khỏe để nâng cao chất lượng đào tạo.
Đáp lại, Bộ GD-ĐT đồng ý quan điểm cần giảm thiểu liên kết đào tạo và hình thức vừa làm vừa học để nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng cho rằng điều này chưa phù hợp với Việt Nam ở thời điểm này. Bởi lẽ chính ở những địa phương chưa có trường đại học thì người học mới có nhu cầu liên kết đào tạo. Bộ GD-ĐT đã quy định các điều kiện cụ thể để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Riêng với ngành sức khỏe, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, đây là lĩnh vực rộng, bao gồm cả hóa dược, y sinh học thể thao, quản lý bệnh viện, điều dưỡng, dinh dưỡng…
Theo Bộ GD-ĐT, trong điều kiện đã quy định về điều kiện liên kết đào tạo, vấn đề chất lượng thuộc khâu tổ chức quản lý đào tạo, không phụ thuộc vào địa điểm đào tạo. Vì vậy, dự thảo đã tiếp thu một phần, chỉ giới hạn riêng với các ngành đào tạo bác sĩ, trường ĐH không được liên kết với cơ sở khác, mà chỉ được đào tạo trong trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận