09/06/2013 09:04 GMT+7

Đề nghị bỏ quản lý cư trú bằng hộ khẩu

V.V.THÀNH - L.KIÊN - M.HƯƠNG
V.V.THÀNH - L.KIÊN - M.HƯƠNG

TT - Sáng 8-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật cư trú. Vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất vẫn là hiệu quả và tính khả thi của việc siết đăng ký thường trú vào các TP trực thuộc trung ương.

Sẽ không còn giấy khai sinh, sổ hộ khẩu

U9ZaaSsC.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Việt Dũng

Nhiều đại biểu đề xuất phương thức quản lý mới thay cho việc quản lý cư trú bằng hộ khẩu hiện hành.

Hộ khẩu: nhiêu khê, kém hiệu quả

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu quan điểm: “Tôi cho rằng cần sớm nghiên cứu sửa đổi căn bản luật theo hướng bỏ việc quản lý đi lại và cư trú của người dân bằng sổ hộ khẩu, thay vào đó là những phương thức quản lý đổi mới mạnh mẽ hơn để phù hợp với thực tiễn cuộc sống, khắc phục được sự nhiêu khê và kém hiệu quả của chế độ hộ khẩu hiện hành, vừa thể hiện tinh thần dân chủ và văn minh trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân”.

Có cùng băn khoăn về cách quản lý cư trú bằng hộ khẩu, đại biểu Nguyễn Minh Kha (TP Cần Thơ) đề nghị nên xây dựng phần mềm quản lý thường trú, tạm trú trên cơ sở chứng minh nhân dân của công dân, bỏ cách quản lý bằng sổ tạm trú, thường trú như hiện nay. Còn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) thì cho rằng: “Chính phủ điện tử đang triển khai ở nhiều nơi. Nên nghiên cứu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký thường trú, tạm trú”.

Đại biểu Lò Hải Ươi (Lai Châu) cho rằng quy định về thời hạn tạm trú để được đăng ký thường trú vào các TP lớn là quá khắt khe với những người đã có chỗ ở hợp pháp, có công ăn việc làm và mong muốn đăng ký thường trú. “Quy định phải tạm trú 1-2 năm thì làm khó người dân vì như thế họ phải tạm trú trên chính ngôi nhà của mình. Quy định như thế chỉ làm hạn chế nhập khẩu chứ không hạn chế được nhập cư. Vì họ không đăng ký thường trú được thì sẽ quay sang đăng ký tạm trú”- đại biểu Ươi nói. Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) quan niệm nếu quy định điều kiện được thường trú thuận lợi thì đó cũng là biện pháp để kích cầu thị trường bất động sản đang im ắng hiện nay.

Nên giảm thủ tục đăng ký, khai báo

Nhiều đại biểu cho rằng nên bỏ quy định yêu cầu xác nhận của UBND phường về diện tích bình quân chỗ ở vì như thế là đổ gánh nặng cho cơ sở, làm phình to bộ máy và thêm thủ tục hành chính. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy lập luận: “Ai sẽ xác minh để UBND phường xác nhận? Phải chăng là tổ trưởng tổ dân phố hoặc phải tăng thêm người để làm việc này? Nếu xác minh sai thì ai chịu trách nhiệm và xử lý ra sao? Quy định như vậy là làm khó cho người dân. Tôi đề nghị nên để người dân được tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này”.

Về vấn đề thay đổi đăng ký tạm trú, thường trú, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) đề nghị: “Cơ quan đăng ký nên có sự liên thông với nhau để nắm bắt thông tin. Không nên bắt người dân phải đăng ký đi, đăng ký lại nhiều lần, không cần phải bắt người dân đến chỗ này xin tạm vắng, rồi lại đến chỗ kia xin tạm trú, rồi lại xin đổi sổ. Điều này tôi cho rằng phải quy định rõ trong luật”.

Năm trước được phong anh hùng, năm sau bị bắt...

“Khen thưởng thời gian qua tràn lan, không có nhiều ý nghĩa. Tôi có thể kể ra hàng chục trường hợp năm trước được phong anh hùng lao động thời kỳ đổi mới thì năm sau bị bắt hoặc bị kỷ luật” - đại biểu Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng chiều 8-6.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP Hà Nội Đào Văn Bình cho rằng quy định tuần tự phải có danh hiệu này rồi sau một số năm mới đủ điều kiện xem xét danh hiệu cao hơn là chưa hợp lý. Không nên quy định cứng nhắc như vậy. “Tôi ngồi tính ra thì với một người bước vào lao động năm 20 tuổi, sau năm năm được bằng khen của cấp TP, và cứ tuần tự như vậy thì phải đến năm 95 tuổi người đó mới được Huân chương Hồ Chí Minh và 105 tuổi mới được nhận Huân chương Sao vàng là danh hiệu cao quý nhất. Tôi đề nghị có quy định xét duyệt trong những trường hợp đặc biệt, ví dụ người hai lần được phong anh hùng thì phải được xem xét đặc cách tặng danh hiệu cao quý. Nếu Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng chỉ để truy tặng cho người đã mất thì ý nghĩa không cao lắm” - ông Bình phân tích.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng cho rằng “nên bỏ khen thưởng theo niên hạn, bớt tình trạng truy tặng trong khen thưởng. Khen thưởng phải kịp thời mới đảm bảo động viên người lao động”.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Trần Văn Túy cũng cho rằng không nên khen tràn lan trong bối cảnh đất nước còn khó khăn. Theo đại biểu Trần Ngọc Tăng (Hà Tĩnh), xu hướng mấy năm nay khen cán bộ hơi nhiều, sửa luật lần này cần chú trọng người lao động trực tiếp. Đại biểu Lê Trọng Sang (TP.HCM) nói ngoài nạn chạy chức, chạy quyền còn có chạy khen thưởng. Cho nên khi tổ chức biểu dương khen thưởng thì tính tiêu biểu, điển hình không có, công bố rồi thì người dân không đồng tình.

V.V.THÀNH - L.KIÊN - M.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên