08/12/2020 16:09 GMT+7

Đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm tình trạng bạo lực học đường, biên soạn sách giáo khoa

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Vấn đề phòng chống bạo lực học đường, biên soạn sách giáo khoa là những nội dung mà Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đề nghị với Bộ GD-ĐT cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt trong buổi làm việc vào ngày 8-12.

Đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm tình trạng bạo lực học đường, biên soạn sách giáo khoa - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng - Ảnh: THANH DUY

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn làm việc với Bộ GD-ĐT nhằm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, tình hình thực hiện đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Những vấn đề được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục quan tâm gồm: Đội ngũ nhà giáo còn nhiều khó khăn, bất cập. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên mầm non, cán bộ quản lý giáo dục tại một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp...

Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị Bộ GD-ĐT quan tâm đến vấn đề bạo lực học đường còn xảy ra ở một số nơi. Một bộ phận học sinh, sinh viên có biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống.

Về biên soạn, quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo còn bất cập, hiện Bộ GD-ĐT đang tiếp thu để hoàn chỉnh bộ sách, Tổ công tác đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục tiếp thu các ý kiến, cầu thị để làm tốt hơn.

Tại buổi làm việc, các ý kiến cũng đặt ra việc cần vai trò quản lý Nhà nước tốt hơn nữa trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo, đặc biệt là vấn đề giá sách giáo khoa.

Liên quan công tác cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện cải cách hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí trong thủ tục hành chính của ngành.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh đến thành quả mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục các cấp, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; quan tâm phát triển giáo dục tại các địa phương, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Đặc biệt, ông Dũng cho rằng thực hiện tự chủ đại học đang làm thay đổi diện mạo các trường đại học. Những trường đại học lọt vào bảng xếp hạng trường ĐH tốt trên thế giới và Châu Á, số lượng bài báo khoa học tăng nhanh trong khoảng 5 năm qua là những điểm sáng cho thấy sự thay đổi này.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của Tổ công tác để rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ còn chưa thực hiện, những hạn chế còn tồn tại; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để mang lại lợi ích cho chính học sinh, phụ huynh học sinh.

Đối với cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, ông Nhạ cho biết đây là cơ hội của ngành. Vừa qua trong thời gian dịch COVID-19, Bộ đã đẩy mạnh học trực tuyến và bước đầu có kết quả khả quan. Bước đầu có khó khăn nhưng hiệu quả của tiện ích đã là động lực của toàn ngành.

Thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6: Để không lặp lại vết xe đổ Thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6: Để không lặp lại vết xe đổ

TTO - Sự cố sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Cánh Diều là bài học và cũng là hồi chuông cảnh tỉnh khi Bộ GD-ĐT tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên