Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương - Ảnh: Báo Đồng Tháp |
Vụ việc ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, sau khi nhận đơn tố cáo của người dân đã công khai họ tên, địa chỉ... của người tố cáo đặt ra câu chuyện pháp lý về các biện pháp bảo vệ người tố cáo, trong đó quy định về bảo mật thông tin của người tố cáo, trách nhiệm bảo vệ người tố cáo...
Cấm tiết lộ danh tính
Theo luật gia Phạm Văn Chung, Luật tố cáo quy định rất chặt chẽ, chi tiết vấn đề thông tin người tố cáo như nghiêm cấm tiết lộ thông tin người tố cáo, trách nhiệm bảo mật thông tin về người tố cáo.
Tại điểm a khoản 1 điều 20 của Luật tố cáo: khi nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, người có thẩm quyền phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo, đồng thời thông báo cho người tố cáo biết lý do việc không thụ lý.
Trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn kiểm tra, xác minh có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày.
Về việc bảo mật thông tin người tố cáo, tại khoản 3 điều 8 của Luật tố cáo quy định nghiêm cấm hành vi tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính người tố cáo.
Điều 36 của luật này cũng quy định trách nhiệm bảo mật thông tin: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp có trách nhiệm giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo;
Đồng thời phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp giữ bí mật thông tin và bảo vệ cho người tố cáo”.
“Chiếu theo các quy định trên, có thể khẳng định việc tiết lộ danh tính người tố cáo đã vi phạm những điều cấm và quy định của pháp luật về bảo mật thông tin người tố cáo” - luật gia Chung nói.
Không nắm quy định pháp luật?
Thực tế đã có nhiều trường hợp người tố cáo bị mua chuộc, đe dọa, khủng bố, trù dập, thậm chí thực hiện các hành vi xâm hại danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của họ và gia đình.
Do đó, Luật tố cáo đã đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo, trong đó quy định về bảo mật thông tin của người tố cáo, trách nhiệm bảo vệ người tố cáo...
“Trong vụ việc chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tiết lộ thông tin người tố cáo ngay tại quyết định thụ lý giải quyết đơn tố cáo của công dân và gửi đến rất nhiều nơi trong tỉnh, đăng cả trên cổng thông tin điện tử tỉnh là vi phạm nghiêm trọng Luật tố cáo” - một luật sư của Đoàn luật sư TP.HCM nêu quan điểm.
Phân tích về nguồn gốc quyết định này, luật gia Chung cho rằng có khả năng những người có trách nhiệm trong việc xử lý, giải quyết đơn thư tố cáo không nắm được quy định pháp luật về tố cáo nên đã dẫn đến sự cố vi phạm quy định pháp luật như trên.
Gửi luôn tên tuổi người tố cáo cho người bị tố cáo Ngày 12-2-2017, ông V.V.Đ. gửi đơn đến UBND tỉnh Đồng Tháp tố cáo một số lãnh đạo TP Cao Lãnh có dấu hiệu tiêu cực liên quan đến dự án nâng cấp đô thị TP Cao Lãnh. Hơn một tháng sau, ông Đ. nhận được thông báo của UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định thụ lý giải quyết nội dung tố cáo của ông Đ.. Trong quyết định này, chủ tịch UBND tỉnh đã công khai họ tên, địa chỉ của ông Đ. và gửi đến một số cơ quan chức năng, đối tượng bị tố cáo... Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Dương - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - thừa nhận có sơ sót trong việc ký quyết định thụ lý đơn tố cáo, đồng thời khẳng định việc để lộ thông tin người tố cáo là trái quy định pháp luật. Ông Phạm Tấn Xiếu, chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh đang thực hiện quy trình hủy quyết định trên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận