30/01/2019 08:43 GMT+7

Để không còn...ngán Tết

PHA LÊ
PHA LÊ

TTO - Những cái hay của Tết xưa vẫn còn ở đó, chúng không mất đi đâu được nếu có người thực sự muốn giữ, dù chỉ là giữ được bằng cách thực hiện một, hai điều be bé đẹp đẽ ngày cũ.

Để không còn...ngán Tết - Ảnh 1.

Xuân về, đoàn tụ gia đình là niềm vui lớn nhất - Ảnh: L.N.M.

Nhưng cũng đừng ráng sức gồng gánh mọi cổ truyền giờ đã khó mà hoàn toàn phù hợp, để sau cùng có một cái Tết an lành, lịch lãm.

Nếu hỏi “Tết thích gì?”, hiện giờ câu trả lời thường là thích được nghỉ làm, thích có lương tháng 13, thích đi du lịch, người xa quê thích được về quê, người thành phố thích cảnh thành phố vắng vẻ vì người nhập cư đã về quê hết, trẻ con đa số khoái vì được nghỉ học và được lì xì... 

Còn nếu hỏi “Tết ngán gì?”, câu trả lời hiện có vẻ ngày một tăng về số lượng lẫn chất lượng. Nào là ngán bày biện, rồi lau dọn vì bày biện, ngán họ hàng tọc mạch chuyện cá nhân, ngán hàng xóm nhạc nhẽo xập xình ong hết cả tai, ngán sắm sửa, ngán phát lì xì, quà cáp, ngán người nhà nhậu và người chuyên rủ người nhà mình đi nhậu, ngán cả... ăn.

Chuyện tết xưa, tết nay

Thời nay có đủ loại tiện ích mà còn phải tiếp xúc với mặt ngán của Tết, thật không rõ Tết xưa như thế nào nếu không có chuyện kể của các cụ tóc bạc. Theo lời cụ bà, hồi đó chẳng bao người được đầy đủ, thành ra Tết là lúc ai cũng cố gắng để đủ đầy, nhưng không ai làm cái gì quá sức cá nhân. Việc nào quá, sẽ thành việc cả nhóm làm chung. 

Lúc cụ bà còn bé xíu, khoảng chục tháng trước Tết, cả làng đã cùng nhau nuôi dăm bảy chú heo, đến cận Tết cả làng cùng nhau xẻ thịt, chia đều cho từng hộ. Phần làm chả tập trung ở giữa làng để trai tráng giã theo tốp, tốp này mệt sẽ có tốp khác thay thế, còn phụ nữ gói và hấp chả. Phần bánh chưng cũng chia nhau ra làm rồi sản phẩm cứ thế phân phát khắp xóm. 

Mỡ heo chia đều để mỗi nhà tự thắng thành mỡ nấu ăn. Do các việc chế biến này mất công, cả năm có đúng một lần và phải làm trước Tết vài hôm nên thời gian trước Tết là thời gian háo hức lắm, ai cũng chực chờ pha lẫn thèm thuồng.

Hồi ấy, lì xì đa phần nhằm mục đích lấy hên, xung quanh không ai cho ai nhiều để mà so sánh với mấy đứa cùng xóm. Cuộc sống lúc đó gần như chẳng sắm sửa mấy nên đúng nghĩa Tết là dịp mua quần áo mới. 

Tất nhiên, nghe kể chuyện Tết truyền thống xưa bồi hồi thế, nhưng bảo quay lại cái giai đoạn điện nước phập phù, cả năm quần quật mới vừa đủ hoặc không đủ ăn, mùa màng thất bát là nơm nớp sợ đói, vải vóc phải tự nuôi tằm rồi tự dệt bằng khung cửi, không bếp gas, không tủ lạnh, tivi... thì chính cụ bà còn dè đặt không muốn nghĩ đến, huống gì thành phần thanh niên ngày nay. 

Bản thân cụ khi về lại làng cũng chẳng còn thấy cảnh các hộ chung nhau nuôi heo nữa, thanh niên đa số đi làm xa nên Tết có về cũng nằm ườn ra vọc smartphone, hơi sức không còn để mà giã chả.

Để không còn...ngán Tết - Ảnh 2.

Hoa là thứ không thể thiếu trong ngày Tết, nhưng cái gì thừa mứa cũng không tốt - Ảnh: GIA TIẾN

Thời nào, Tết nấy

Tết của mỗi thời có giá trị và cái hay ho của thời ấy. Một xã hội văn minh luôn cố gắng giữ lại điều hay từ tổ tiên, bởi không phải cái gì cũ cũng gắn liền với lạc hậu. 

Con cháu bây giờ tuy không thể sống cuộc sống mà các cụ ngày xưa trải qua để có thể hưởng Tết y hệt các cụ, nhưng giữ được cái tinh thần vừa độ hoặc làm được vài điều hay, giải tỏa phần nào sự “ngán” của Tết hiện đại cũng đã là tiến bộ một cách chủ động lắm rồi.

Nếu trước đây các cụ ăn Tết vừa phải, sạch sẽ, với tinh thần chung tay chung sức thì bây giờ chúng ta lưu tâm để thực hiện vài điều trong những điều này, thấy gì phù hợp với mình là áp dụng, không cần căng thẳng. 

Nhà có mảnh vườn nhỏ là có thể vun một cái cây, trồng vài bụi hoa để đến Tết nhà cửa thêm chút thiên nhiên, càng về sau thiên nhiên ấy mọc xum xuê hơn, cao hơn, chủ nhà đỡ phải liên tục đi sắm bông chưng, cuối cùng vừa phải dọn vừa vứt thành rác sau khi hết Tết. 

Các cụ ngày xưa sạch sẽ còn do họ không thải đồ nhựa, chẳng hay biết túi nilông là gì, vậy ngày nay chúng ta xách túi vải đi chợ, mua ống hút tre, lúc đặt bánh chưng dặn người bán là đã gói lá dong rồi thì không cần hút chân không nữa cho phí màng bọc nhựa. Việc dùng giấy gói hoa quả bánh trái cũng tạo nên vẻ đẹp riêng cho nhà cửa, giấy tái sử dụng vừa dễ, vừa sạch sẽ cho môi sinh.

Ai thích ăn ngon, tập làm các món truyền thống như bánh chưng, bánh tét, mứt dừa... thay vì đi mua, lấy lại chút không khí háo hức đón chờ sản phẩm mình tự làm ra. 

Ai thích ăn sạch, đi tìm nguồn heo thả, gà thả vườn, nếp, trái cây sạch hoặc rau củ do người nông dân tử tế trồng, ít nhất như vậy sẽ biết được rằng miếng thịt, cọng rau ông bà mình hết lòng nuôi trồng ở thời không cám tăng trọng và thuốc trừ sâu thì có vị khác biệt ra sao.

Nhưng nếu tất cả những nét truyền thống đó không nét nào khả thi để thực hiện, phải làm sao đây? Ngập trong những lo toan thời nay, chỗ đâu để nhét những xưa cũ vào? Cũng không ai nói cứ phải để ý tới tinh thần, giá trị từ thời ông bà mới là văn minh. Vậy ngày nay làm những gì hợp với hoàn cảnh bây giờ cũng là lành. 

Theo lời cụ ông, cảm giác thường xuyên đeo bám cụ chính là... đói, đói tới mức tối nằm ngủ còn mơ thấy thức ăn, mà lúc ấy có cơm độn khoai đã là may mắn. Vì vậy Tết về với bánh chưng gói nếp dày cui, rồi thịt kho, thịt đông, chả lụa khắp xóm... thật chẳng khác nào thời điểm thiên đường. 

Thời bây giờ nếu không bị đói triền miên và bình thường cuộc sống cũng thừa mứa, thì ngày Tết chúng ta nên... đói chăng? Hoặc nói nôm na là ăn ít lại, chứ đã đủ rồi mà Tết còn ráng đủ hơn, không chừng sẽ chẳng còn tốt gì mấy.

Muốn hưởng một bầu không khí Tết văn minh, hợp thời cuộc, có lẽ Tết nên là những ngày ăn ít. Bánh chưng bánh tét vừa đủ để mỗi người một gắp cho có “không khí”, hoặc đặt gói bánh nhỏ, mua bánh cỡ nhỏ hơn. 

Thay vì một nồi thịt kho hoặc một xửng thịt đông, cả nhà bày các đĩa rau luộc, rau xào, rau củ ngâm chua. Hoặc giả vẫn có thịt thì dùng ít đi, như vậy giải quyết được cái khâu ngán ăn ngày Tết.

Việc tụ tập hát hò nhậu nhẹt ngày càng trở thành vấn nạn quốc gia. Mấu chốt chưa chắc nằm ở chỗ các cụ ngày xưa không nhậu, vì rượu gạo, rượu nếp trắng, rượu nếp cẩm... đều là thức uống truyền thống của Tết. Cái đáng bàn chính là thời ấy gạo với các kiểu nếp không có dư thừa đặng nấu rượu nhiều hay nấu quanh năm. 

Người dân chẳng phải chứng kiến cảnh ngày thường đã uống rồi mà đến Tết cũng uống nốt. Chưa kể, thời làng cụ bà còn chung tay giã chả là thời nhà này cách nhà kia mấy sào ruộng, lúc ấy vui vẻ ồn ào sẽ có nét duyên riêng, hoặc ít ra sẽ làm nóng bầu không khí vốn hay tĩnh lặng vì đâu ai có dàn nghe nhạc hay tivi, thậm chí còn không có lấy cái quạt máy. 

Bây giờ ở thành phố nhà san sát nhau, đến làng của bà cụ bắt đầu thấy cảnh các gia đình vách sát lại, có hộ sắm luôn dàn loa, đầu máy các loại. 

Không gian vẫn vậy, người thì tăng theo cấp số nhân, nên các kiểu nhạc phát xập xình và giọng xỉn lè nhè tự dưng kém duyên hẳn, không hợp thời mà cũng chẳng còn hợp cảnh. Chí ít là chừng mực lại nếu thấy hàng xóm của mình thuộc dạng thích yên tĩnh, đôi bên không còn mấy sào ruộng để mà tránh mặt nhau khi bị mích lòng.

Tất nhiên, cụ ông cụ bà luôn nhớ nhung không khí Tết cùng các món ăn thời cụ còn bé, nhà nào có các cụ là rất khó thay đổi. Nhưng chính các cụ cũng ngán và than phiền về cái Tết ngày nay do hoàn cảnh sống chẳng giống gì thời xưa. 

Vậy nên cứ để những cái hay của Tết xưa ở đó, chúng không mất đi đâu được khi có người thực sự muốn giữ, ngay cả giữ bằng cách thực hiện được một hoặc hai điều be bé của Tết xưa thôi. Miễn sao người thực hiện các việc này tự động và thích làm trong tâm trạng vui vẻ, làm vì muốn làm.

Nếu thấy hoàn cảnh mình không hợp, tâm huyết với Tết xưa không có, thì không nên cố, cứ ăn Tết theo cách gì thoải mái, nhẹ nhàng, bớt phải bày biện dọn dẹp và phù hợp nhất với cuộc sống cả năm của mình. Cố níu kéo cái không hợp, cố cho Tết phải đủ, phải oai, phải to trong khi cả năm cũng đủ cũng oai và to lắm rồi thì cái Tết ấy chỉ còn cái mẽ ngoài thôi.

Một xã hội tiến bộ không chỉ biết quý cái hay của ông bà tổ tiên, mà còn biết bớt các việc nặng tính hình thức mà bản thân mình thấy không cần. Vậy là có Tết an lành, lịch lãm.

Phim heo Peppa lấy nước mắt khán giả Tết Kỷ Hợi Phim heo Peppa lấy nước mắt khán giả Tết Kỷ Hợi

TTO - Tết là dịp để gia đình đoàn tụ và chia sẻ yêu thương. Đó cũng chính là thông điệp được truyền tải trong một đoạn phim về chú heo Peppa đang gây sốt tại Trung Quốc những ngày qua.

PHA LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên