13/10/2020 09:15 GMT+7

Để Hội Nhà văn tồn tại ý nghĩa

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Viết văn là quá trình độc lập sáng tạo tự thân của tác giả, vậy Hội Nhà văn giữ vai trò gì? Nhân nội dung công tác Hội Nhà văn được nhắc đến ở kỳ đại hội các nơi đang diễn ra, chúng tôi ghi nhận ý kiến của một số nhà văn về vấn đề này.

Để Hội Nhà văn tồn tại ý nghĩa - Ảnh 1.

Chương trình giao lưu văn chương Việt - Hàn - một trong những sinh hoạt văn chương có chất lượng tại TP.HCM - Ảnh: L.ĐIỀN

Điểm chung của nhiều nhà văn là ghi nhận sự cần thiết của hội đoàn, như khi sinh hoạt trong Hội Nhà văn, mọi người nhận thấy đây là một môi trường có thể giúp mỗi thành viên hoàn thiện mình và có thêm cảm hứng để sáng tác.

“Giải thưởng Hội Nhà văn mấy năm nay nếu không dính thị phi thì cũng im vắng buồn tẻ. Báo Văn Nghệ - diễn đàn của các nhà văn VN - cả chục năm nay vẫn tiếp tục trong tình trạng “rơi thẳng đứng”. Dĩ nhiên làm văn chương thời nay không dễ dàng gì. Có nhiều lý do để văn chương chết dần chết mòn. Nhưng chúng ta cũng nên tự vấn mình: Chúng ta đã làm hết sức mình cho một nền văn chương chung chưa?

Nhà văn Trần Nhã Thụy

Văn chương cần hội đoàn không?

Nhà văn Võ Diệu Thanh từ An Giang cho rằng: "Nghề nghiệp nào cũng cần có hội, là nơi những người cùng chuyên ngành có thể tìm đến nhau trao đổi về nghề nghiệp, nơi kết nối sức mạnh của tập thể để tạo sức mạnh chung cho nghề, cho những người trong nghề có chỗ dựa tinh thần để yên tâm làm việc. Nhà văn càng phải cần có hội vì họ là những người cô độc trong hành trình nghề nghiệp quá đặc thù".

Dù vậy, nhìn từ mô hình tổ chức Hội Nhà văn hiện nay, nhà văn Trần Nhã Thụy (người từng tham gia công tác ở Hội Nhà văn TP.HCM trải qua nhiều nhiệm kỳ và là thành viên ban chấp hành hội 5 năm qua) cho rằng cách định danh Hội Nhà văn "là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp" cho thấy yếu tố nghề nghiệp được xếp ở sau cùng, mặc dù nếu không có cái gọi là "lao động nhà văn" thì không thể gọi là nhà văn.

Do vậy, ông Trần Nhã Thụy chia sẻ rằng nhà văn chắc chắn không thể quên rằng bản chất của Hội Nhà văn vẫn là một hội nghề nghiệp. 

"Thước đo của nhà văn cuối cùng vẫn là tác phẩm, chứ không là gì khác. Khi chúng ta minh định và kiên trì bám vào mục tiêu này thì hoạt động hội mới thực sự đi vào cốt lõi và hiệu quả. Còn nếu chúng ta xem nhẹ việc này mà xem nặng những việc khác thì theo tôi hội càng ngày càng không phải là nơi của những người làm nghề thực sự" - nhà văn Trần Nhã Thụy khẳng định.

Ở một phía khác, nhà văn Phan Hoàng nhìn thấy Hội Nhà văn không chỉ là nơi để những người cùng nghề gặp gỡ giao lưu, tạo động lực sáng tác, mà quan trọng hơn cả là chuyện liên tài, tức nhận ra tài năng/khả năng của nhau để từ đó giúp mỗi người có niềm tin hơn vào chính mình và lĩnh vực văn chương mà mình đã chọn.

Hội cần chuyên nghiệp hơn

Vấn đề lớn của sinh hoạt hội đoàn trong giới nhà văn chúng ta hiện nay, theo nhà văn Phan Hoàng, là chưa chuyên nghiệp. Tệ hơn, sinh hoạt hội còn đang thiếu cơ sở pháp lý. "Muốn chuyên nghiệp, chúng ta phải có luật về hội. Và vì chưa có luật nên Hội Nhà văn sinh hoạt thiếu chuyên nghiệp và phần lớn sa vào hoạt động phong trào" - ông Phan Hoàng chia sẻ vấn đề trăn trở bấy lâu nay.

Không chỉ thế, một khi có luật và hoạt động hội trở nên chuyên nghiệp, các giải thưởng của Hội Nhà văn dành cho sách và sáng tác mới cũng có cơ sở để tổ chức đạt chất lượng hơn. 

Chứ hiện nay, với cái nhìn của người trong cuộc như nhà văn Võ Diệu Thanh, dù các nhà văn vẫn sáng tác kiên trì "nhưng sản phẩm làm ra hay, dở, tốt, xấu gần như không có một tổ chức nào phân định. 

Ngoài một hai cuốn sách được xét giải, những cuốn còn lại dường như là một cái gì đó vô hình. Mỗi năm bao nhiêu đầu sách in ra mặc kệ thị trường định đoạt số phận. Nhà văn hoàn toàn không biết được hội nghề nghiệp của mình đánh giá cuốn sách yêu quý của mình ở mức độ nào để bản thân kịp thời nhìn lại mình và đi tiếp. Nhà văn giờ chỉ còn nhìn độc giả mà đi thôi".

Trong tình hình đó, nhà văn Bích Ngân cho rằng Hội Nhà văn là nơi có điều kiện để định danh, định tính kích cỡ, tầm vóc của tác phẩm văn học, từ đó tổ chức những buổi trao đổi mang tính chuyên sâu nghề nghiệp để những người cầm bút có thể "định vị" lại sáng tác và tác phẩm của mình.

Theo nhà văn Trần Nhã Thụy, Hội Nhà văn chắc chắn phải thay đổi nếu muốn sự tồn tại của hội có ý nghĩa: "Trước hết, đó là sự chủ động xã hội hóa, gây dựng các quỹ sáng tác từ nguồn xã hội hóa này, mọi thứ đều phải tiến dần tới sự chuyên nghiệp và hiện đại. Làm nhà văn, có lẽ không có gì xấu hổ cho bằng là phải nghe câu: Xài tiền thuế của nhân dân".

Nhà văn Bích Ngân (liên chi hội trưởng Liên chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020):

Hội nên giới thiệu tác phẩm đáng đọc đến người đọc

bich_ngan

Nhà văn Bích Ngân

Tôi từng có gần 15 năm phụ trách biên tập ở nhà xuất bản chuyên xuất bản sách văn học. Với người viết trẻ, Hội Nhà văn còn có vai trò khá tương đồng với nhà xuất bản là tìm kiếm để phát hiện tác phẩm và tác giả, không chỉ là qua giải thưởng thường niên của hội, mà ở cả những cuộc tìm kiếm tài năng văn chương do nhiều nơi tổ chức và qua những tác phẩm mới từ nhiều nhà xuất bản và nhiều công ty sách. Chọn, trao giải thưởng, nhìn thấy nội lực sáng tạo, khích lệ và tiếp sức.

Khích lệ và tiếp sức còn là Hội Nhà văn tạo điều kiện tổ chức những cuộc tọa đàm, giới thiệu những tác phẩm đáng được giới thiệu đến người đọc. Hiện nay, khá phổ biến là nhiều quyển văn học có giá trị rất ít được Hội Nhà văn trung ương và địa phương, những kênh truyền thông có uy tín giới thiệu.

Nhiều bài điểm sách, giới thiệu sách trên nhiều trang báo chưa hẳn chọn đúng những quyển sách hay. Chưa kể tình trạng vàng thau lẫn lộn tràn ngập trên các mạng xã hội khiến người đọc bối rối, hoang mang.

Thị hiếu "chuộng ngoại" khá phổ biến, trong khi văn chương Việt Nam không phải không có những tác phẩm có giá trị và cần được quảng bá. Riêng ở những nhà văn thành danh và có những tác phẩm hay, có lẽ khao khát thường trực nơi họ là tác phẩm của mình không chỉ được đọc bởi độc giả trong nước.

Hiện nay chỉ một số rất ít tác phẩm văn học Việt Nam được chuyển ngữ và xuất bản ở một số nước theo con đường "tiểu ngạch", trông chờ vận may và tự thân vận động tìm kiếm các mối quan hệ. Nhiều tác phẩm văn học mà giá trị được sàng lọc qua thời gian đã không thể vượt ra được biên giới quốc gia để đến với độc giả nước ngoài.

Việc chuyển ngữ từ tác phẩm viết bằng tiếng Việt của nhà văn Việt Nam ra tiếng nước ngoài, Hội Nhà văn có thể thực hiện được nếu như tham mưu cho các cấp, ngành liên quan có chiến lược đầu tư bài bản từ việc đào tạo đội ngũ dịch thuật, tạo điều kiện cần và đủ cho nhiều dịch giả uy tín làm việc; kết nối, giao lưu được những tổ chức văn hóa, tổ chức xuất bản trong và ngoài nước...

L.ĐIỀN ghi

Văn thơ Văn thơ 'mất mùa', hơn 700 người vẫn ‘xếp hàng’ xin vào Hội Nhà văn

TTO - Hai năm liên tiếp, Hội Nhà văn Việt Nam không thể tìm được tác phẩm ở cả 2 thể loại văn xuôi và thơ để trao giải thưởng. Và 702 là con số đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam mà hội này nhận được trong năm 2018.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên