Nhân dân đã tin vào phong trào Cần Vương như từng tin theo ông đầu mục xứ Thanh có tên là Lê Lợi thuở trước. Như đã tin vào Đề Thám, Phan Bội Châu rồi Nguyễn Thái Học. Từ sau những thất bại của các vị tiên liệt cách mạng ấy, tuyệt đại đa số nhân dân đã đặt trọn niềm tin vào Đảng Cộng sản. Không có niềm tin ấy thì không có Cách mạng Tháng Tám, không có Điện Biên Phủ, ngày thống nhất “đất nước trọn niềm vui” 1975, thành quả của công cuộc đổi mới đất nước.
Niềm tin ấy quả thực đã có và rất mãnh liệt, sâu sắc.
Nhưng chúng ta lại đang nói về “sa sút niềm tin”, “mất niềm tin” hiện nay. Có phải mất niềm tin là do một số chủ trương, kể cả chủ trương lớn hay quá trình tổ chức thực hiện ở một số nơi chưa thành công? Sai lầm trong cải cách ruộng đất, thất bại trong hợp tác xã nông nghiệp... dẫn tới mất niềm tin? Không hẳn như thế. Có làm là có thành công, có thất bại. Vấn đề là biết nhận ra sai lầm và kịp thời sửa chữa thì người dân vẫn tin vào người lãnh đạo. Vì người dân biết hơn ai hết chỉ có không làm gì cả mới không có sai lầm.
Thực tế đã chứng minh điều ấy. Phan Bội Châu thừa nhận mình một đời thất bại. Nguyễn Thái Học thừa nhận không thành công và chỉ mong thành nhân. Nhưng sau hai vị anh hùng khiêm nhường ấy, nhân dân vẫn nóng hổi niềm tin vào độc lập, tự do. Sau cải cách ruộng đất, Đảng và Chính phủ chính thức và thành thật nhận sai lầm và đã kịp thời sửa sai. Hàng triệu người được minh oan, được đền bù một phần tổn hại oan ức về tinh thần và vật chất. Đành rằng bát nước đổ xuống đất không thể vớt lên nguyên vẹn nhưng trong tinh thần chia sẻ, cảm thông, người dân đã trở lại với niềm tin của mình. HTX nông nghiệp không thành công, sản xuất lương thực sút kém trầm trọng, nông dân miền Bắc lâm vào nguy cơ đói kém. Khi nhận ra sai lầm chủ yếu là do coi nhẹ quyền sở hữu và tính năng động của cá nhân, gia đình, chúng ta đã nghe lời, học hỏi nông dân, cho phép khoán hộ, rồi đổi mới cơ bản chính sách nông nghiệp, nông dân đã chấp nhận phát triển sản xuất để cứu mình và đóng góp cho kháng chiến và sự phát triển của xã hội sau khi có hòa bình. Nhân dân lấy lại được niềm tin vì lãnh đạo thực lòng nhận sai lầm, thực lòng và nhanh chóng kịp thời sửa sai.
Như vậy, niềm tin sa sút trầm trọng không phải do sai lầm.
Hứa làm mà không làm tới cùng. Dân kêu ca, khiếu kiện kéo dài nhưng xử lý chưa triệt để. Một số chính sách vốn từ giáo điều, sách vở phi thực tế, lạc hậu với thời đại vẫn không chịu thay đổi... Những điều đó dẫn đến mất niềm tin.
Thương Ưởng làm tể tướng cho nhà Tần, biết niềm tin của dân quan trọng thế nào với vương triều mới lên, đã vứt một khúc gỗ ở cửa thành phía nam rồi thông báo: “Ai vác đến cửa bắc sẽ được thưởng 10 lạng vàng”. Chỉ có một người tin và anh ta được thưởng thật. Từ đó, người dân tin là triều đình đã nói là làm.
Lấy lại niềm tin của dân không dễ dàng. Nhưng cũng không quá khó. Chỉ cần lời nói đi đôi với việc làm.
Dễ đó mà cũng khó thay!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận