Hơn 20 năm trước, khi chưa có nhiều thương hiệu vàng miếng, người dân giao dịch với nhau bằng vàng nhẫn và đã phát sinh nhiều hệ lụy. Vàng nhẫn mạnh ai nấy làm, không đăng ký chất lượng, nhãn hiệu... nên không đảm bảo về chất lượng, trọng lượng. Đã có nhiều vụ tranh chấp do vàng non tuổi, thiếu trọng lượng. Tình trạng này đã chấm dứt khi các thương hiệu vàng miếng ra đời, đảm bảo về chất lượng, trọng lượng. Nay vì những thông tin không rõ ràng, người dân quay lại với vàng nhẫn.
Một bộ phận người dân chuyển sang mua vàng nhẫn núp bóng vàng miếng cho thấy việc quản lý thị trường vàng nếu không cân nhắc mọi góc cạnh sẽ không khả thi.
Nghị quyết 11 của Chính phủ nêu: “Trong quý 2-2011 trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý và kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới”. Đây là quyết định đúng hướng và cần có lộ trình thực hiện để đạt được mục tiêu.
Chính phủ kiên quyết nhưng quản thế nào vẫn còn đang bàn và có làm thì cũng cần lộ trình vì vàng không chỉ là tài sản của người dân mà còn là nguồn lực của quốc gia, phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Sự thận trọng đó đã được nêu rõ trong nghị quyết 11.
Dù dự thảo nghị định chưa được công bố nhưng những gì đã diễn ra thời gian qua cho thấy thị trường vàng chủ yếu hoạt động ngoài vòng pháp luật. Vàng phần lớn là nhập lậu, hàng trăm triệu đôla được giao dịch bất hợp pháp đã tác động xấu đến tỉ giá, ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô. Vì vậy, xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do là cần thiết nhưng không thể làm một sớm một chiều mà là “tiến tới”.
Trong quá trình “tiến tới”, Nhà nước sẽ hình thành thị trường vàng có tổ chức, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, có đầu mối nhập khẩu. Khi kiểm soát được nhập khẩu, mua/bán tập trung qua các đơn vị do Nhà nước chỉ định thì Nhà nước cũng sẽ có nguồn lực để can thiệp thị trường.
Có thể một quỹ bình ổn vàng để đảm bảo giá vàng trong nước ngang với giá vàng thế giới, không như hiện nay là cao hơn giá thế giới. Một sàn giao dịch vàng quốc gia để điều tiết các hoạt động kinh doanh vàng cũng đang được đề xuất thành lập. Chính phủ phát hành trái phiếu bằng vàng cũng được tính tới.
Như vậy, quản lý thị trường vàng, không thể cấm mà có rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới để khai thông dòng chảy của vàng. Bởi chỉ có cấm thì không huy động vốn vàng. Các thương hiệu vàng miếng nổi tiếng như SJC, PNJ, SBJ... đi đâu hay bị xóa sổ. Cũng khó tránh khỏi tình trạng biến tướng từ vàng miếng sang vàng nhẫn núp bóng vàng miếng.
Tuy các cơ quan quản lý cũng đã thận trọng nhưng việc một bộ phận người dân mua nữ trang núp bóng vàng miếng cũng là lời nhắc phải cẩn thận hơn nữa khi hình thành cơ chế mới quản lý thị trường vàng. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước sớm có giải thích cụ thể, tránh tình trạng một số tiệm vàng lợi dụng để trục lợi, gây thiệt thòi cho người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận