Chui vào túi nilông để... qua suối Kinh ngạc video clip chui vào túi nilông để... qua suối Rơi nước mắt với clip chui vào túi nilông để... qua suối
Quá nhiều cảm xúc đã được chia sẻ sau khi xem clip “Chui vào túi nilông để... qua suối” trên Tuổi Trẻ Online hôm qua. Những hình ảnh động ấy đã bóp nghẹt trái tim bao người. Chúng được quay bởi một cô giáo cắm bản.
Nhớ lúc “khoe” clip với chúng tôi, cô Tòng Thị Minh, giáo viên mẫu giáo điểm Trường Sam Lang 2 (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên), kể: “Hồi tháng 9-2013 em bắt đầu chuyển về điểm trường này. Lần đầu gặp lũ không biết làm thế nào để đi qua thì gặp anh thanh niên bản bày cho cách vượt lũ này nên cũng liều mình làm theo”. “Nhưng nhỡ túi thủng hoặc bị tuột tay thì sao?”. “Thì làm mồi cho cá và giờ em cũng đâu có đứng được ở đây với các anh” - cô Minh cười, và tiếp: “Lúc đầu bọn em còn sợ chứ nay thì bình thường như... cân đường hộp sữa thôi mà”. Minh lại cười. Còn chúng tôi chết lặng.
Phải có cây cầu treo cho thầy trò và bà con! Đó không chỉ là mong muốn của chúng tôi, mà là mong muốn chung của bạn đọc và là ước mơ của lãnh đạo cũng như người dân địa phương. Dẫu thâm tâm ai nấy vẫn biết rằng sự liên tưởng và nỗi ám ảnh mang tên “cầu treo” còn đang hiển hiện. Hậu quả vụ tai nạn thương tâm làm tám người dân vô tội thiệt mạng ở cầu treo Chu Va 6 (Lai Châu) còn đó. Những hình ảnh rùng mình về cầu treo trên hai trang báo Tuổi Trẻ ngày chủ nhật 16-3 còn đó. Như chính Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trong chương trình “Dân hỏi, bộ trưởng trả lời” trên VTV1 tối 16-3 đã nói: cây cầu Chu Va 6 có giá trị không lớn (chỉ trên 1 tỉ đồng) nhưng mức độ thiệt hại hết sức nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Điều quan trọng hơn, ông Thăng nhấn mạnh, là nó làm “ảnh hưởng tới niềm tin và gây mất lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan quản lý nhà nước”.
Rõ ràng niềm tin đối với “cầu treo” và những người làm ra nó đang bị lung lay dữ dội. Nhưng cầm lòng được không, khi mùa mưa năm nay ngày một gần và rồi thầy trò Sam Lang cứ phải tiếp tục đánh cược cả mạng sống của mình để đổi lấy con chữ? Một cây cầu treo được thiết kế và thi công đúng chuẩn sẽ là câu trả lời thiết thực nhất.
Ngay sáng qua, người viết bài này đã đem câu chuyện ở Sam Lang trao đổi với Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ông đang tháp tùng Chủ tịch nước thăm Nhật Bản và hứa trả lời sớm. Đầu giờ chiều, ông thông báo: “Bộ sẽ cho triển khai xây dựng một chiếc cầu treo dân sinh ở đây để phục vụ các thầy cô, học sinh và bà con nhân dân”. Đón nhận tin vui ấy, người đầu tiên tôi muốn gọi để nói lời cảm ơn và chúc mừng hẳn nhiên là cô giáo Tòng Thị Minh. Nhưng không sao liên lạc được. Chợt giật mình nhớ ra: nơi cô Minh cắm bản vẫn chưa có sóng điện thoại. Cả tuần chỉ có ngày nghỉ Minh mới nói chuyện được với dưới xuôi khi cô về trung tâm xã.
Vui cho Sam Lang, nhưng cả nước còn biết bao nhiêu Sam Lang khác? Bộ GTVT đã thống kê có tới 186 cây cầu dân sinh thuộc diện cấp bách phải làm. Chưa kể muôn vàn cây cầu xuống cấp đang ngày đêm kêu cứu. Nhưng dù cấp bách thế nào, cây cầu lương tâm và trách nhiệm - cây cầu của mọi cây cầu phải được xây dựng vững chắc ở mọi nơi, để người dân bớt khổ, để ranh giới sự sống - cái chết không còn mong manh, để chuyện như ở Sam Lang chỉ còn là kỷ niệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận