31/12/2014 09:38 GMT+7

Để chồng rung đùi rồi mình quần quật: lỗi cũng tại vợ

ĐỖ THỊ LƯƠNG
ĐỖ THỊ LƯƠNG

TTO - Để chồng không chịu nấu ăn chắc chắn người vợ ít nhiều có lỗi. Có thể là buổi đầu về làm dâu hoặc lúc mới ở riêng phụ nữ không khuyến khích chồng chung tay nấu những món đơn giản đến ngon.

Tranh minh họa

Thực ra thì xưa nay mọi người thường quan niệm việc nấu ăn là của phụ nữ. 

Thêm nữa nhà chồng tôi có tới 2 chị gái và mẹ chồng còn trẻ nên chồng tôi đến cái tuổi yêu tôi gần như chỉ rành việc pha mì tôm và luộc trứng mà thôi, chứ có phải xào dĩa rau những khi mẹ và chị vắng nhà cũng lóng ca, lóng cóng không biết phải làm cái gì trước, cái gì sau.

Thế nhưng ngay từ khi yêu nhau tôi đã tập cho anh biết nấu nướng từ món đơn giản đến những món ngon, bằng cách cứ mỗi lần đến chơi tôi rủ anh ấy cùng vào bếp, cùng làm tất cả mọi việc như nhặt rau, bóc hành, thái thịt đến chế biến các món ăn.

Chỉ một lần hướng dẫn món nọ, lần sau tôi động viên anh tự đứng bếp nấu nướng, còn tôi chỉ hướng dẫn và phụ giúp (cũng nói thẳng rằng, lúc yêu nhau con trai thích nghe và làm theo lời người yêu lắm). Xong rồi thì anh nấu ngon, nấu dở thế nào tôi và mẹ chồng ăn thế ấy. 

Song trong bữa ăn tôi đưa ra những lời nhận xét nho nhỏ, ví dụ: Giá như anh xào to lửa hơn thì rau sẽ không bị dai mà rất giòn/ Giá như cá kho này bớt muối đi chút xíu thì mẹ vừa ăn hơn… “Giá như…”, “giá như…”, “giá như…” như vậy tin rằng không quá tam ba bận anh chồng nào cũng nấu thành công những món không chỉ riêng mình mà cả nhà yêu thích.

Đàn ông nói chung không thích chê bai, mà chỉ thích góp ý một cách tế nhị, hài hòa; vì vậy mà khi phụ nữ thiếu nhẹ nhàng lại có ý dề bỉu thì chắc chắn chàng tự ái đến tết cũng chẳng chịu làm bếp.

Còn nếu tập cho chàng làm được những món chàng thích thì tin rằng lần sau chàng sẽ tự tay làm mà chẳng nhờ đến vợ hoặc mẹ.

Hàng chục cái tết kể từ ngày tôi về làm dâu, có lẽ chi cái tết đầu tôi thấy vất vả bởi phải hướng dẫn anh gói bánh, làm mứt, thái thịt, bó giò… Có khách đến nhà anh cứ tiếp, khách về tôi nhỏ nhẹ bảo anh xuống tiếp giúp một tay, bởi đã quen với công việc thường ngày rồi anh sẵn sàng vừa làm và vừa học những gì mình chưa biết.

Đôi khi khách đến anh còn rủ khách cùng làm xong công việc mới ngồi chơi hay muốn nhậu cùng xắn tay lên làm, nhờ vậy mà không ít bạn bè bỗng dưng biết chế biến những món ăn theo cách của chồng tôi, ăn rồi lần sau về nhà nấu tiếp vợ làm vợ khen đáo, khen để.

Nói đến việc để đàn ông vào bếp, nhiều chị bạn tỏ vẻ bức súc bảo “Ôi các ông ấy vào bếp rồi công lau chùi của mình cũng quá tội, thôi thì mình làm quách cho xong”. Chỉ vì vậy mà đàn ông tự ái không thích làm tiếp vợ công việc bếp núc nữa chứ không phải đức lang quân làm biếng.

Nhiều lần cả buổi trưa lẫn buổi tối, bạn bè ăn nhậu xong, chồng tôi còn đề xướng ”Bà xã tôi mắc con nhỏ, mỗi ông phụ giúp một tay bê hết “bãi chiến trường” này ra thau giùm, để tùm lum thế này khó coi quá”.

Thế là họ lại cổ vũ: “Rửa và dọn dẹp cho bà ấy luôn, chứ muộn rồi còn bắt bà ấy dậy làm gì nữa”.

Cánh đàn ông chung tay rửa chén, rửa tô kèm theo những lời đùa giỡn. 

Lâu dần thành quen, các ông ấy từ làm món ăn, món nhậu, xong rồi thì chén đũa đâu cũng vào đấy khá sạch sẽ.

Đàn ông họ rất đam mê tất cả mọi công việc, kể cả việc nội trợ họ còn khéo tay hơn cả phụ nữ; điển hình là có rất nhiều đầu bếp giỏi là đàn ông.

Còn việc “Tết đến, tôi quần quật còn chồng rung đùi chém gió” thì có thể người thân, người vợ chưa biết nhẹ nhàng, tế nhị tập cho họ mà thôi.

 

ĐỖ THỊ LƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên