23/09/2016 11:06 GMT+7

Đề án ngoại ngữ 2020: rà soát khắc phục từng bất cập

V.HÀ - N.HÀ thực hiện
V.HÀ - N.HÀ thực hiện

TTO - Trước những băn khoăn của xã hội về đề án ngoại ngữ 2020 (2008-2020), Tuổi Trẻ trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga xung quanh vấn đề nói trên.

Ông Bùi Văn Ga - Ảnh: NGỌC HÀ

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết:

- Việc thực hiện đề án trong những năm qua đã đạt được những thành quả nhất định trong việc rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, thực trạng dạy học ngoại ngữ trong cơ sở giáo dục các cấp.

Đề án cũng đã có những tác động tích cực trong việc dạy và học ngoại ngữ ở tất cả các cấp bậc học. Ngay trong giai đoạn đầu thực hiện đề án, Bộ GD-ĐT đã kịp thời phát hiện những bất cập để đưa ra các giải pháp hữu hiệu, đảm bảo mục tiêu của đề án.

Hiện tại, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ công việc đã làm, Bộ GD-ĐT đang triển khai việc điều chỉnh, bổ sung các hoạt động cho phù hợp với yêu cầu và tình hình mới.

* Bộ GD-ĐT đã có những giải pháp cụ thể nào để vừa thực hiện mục tiêu đặt ra đến năm 2020, vừa khắc phục bất cập, tồn tại đã có của đề án, thưa ông?

- Thứ nhất, trong triển khai đề án ngoại ngữ 2020 giai đoạn 2016-2020, định hướng tới năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ đặc biệt coi trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, nhất là giáo viên các trường sư phạm ngoại ngữ.

Bộ GD-ĐT sẽ thúc đẩy sớm để đưa vào hoạt động hệ thống trung tâm khảo thí quốc gia. Bên cạnh đó bộ sẽ rà soát, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ theo hướng thực tế và trực tuyến, để người học có thể học ngoại ngữ mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài ra, tăng cường đưa công nghệ vào hỗ trợ việc dạy học ngoại ngữ để giúp người dạy, người học tiếp cận nhanh nhất và hiệu quả nhất; tạo môi trường học ngoại ngữ như hình thành các câu lạc bộ ngoại ngữ để học sinh, sinh viên và người đi làm có nhu cầu học tiếng Anh có thể tham gia...

Ở các trường ĐH, CĐ, bộ khuyến khích các trường tăng cường dạy ngoại ngữ giao tiếp cho sinh viên với giáo viên bản ngữ, tăng cường dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ, sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên môn đã tốt nghiệp ở nước ngoài tham gia giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành cho sinh viên.

Song song đó, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về việc dạy học ngoại ngữ, làm cho xã hội thấy được học ngoại ngữ là cần thiết trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế.

Một tiết học tiếng Anh tăng cường của học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: N.HÙNG
Một tiết học tiếng Anh tăng cường của học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: N.HÙNG

* Việc bồi dưỡng giáo viên, khảo sát, công nhận trình độ của giáo viên các cấp trong giai đoạn trước có rất nhiều bất cập. Điều này sẽ được cải thiện như thế nào ở giai đoạn mới? Cơ sở nào thì được thành lập trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá, công nhận trình độ của giáo viên ngoại ngữ?

- Để khắc phục những bất cập trong việc khảo sát, bồi dưỡng, công nhận trình độ của giáo viên các cấp, trong giai đoạn mới, Bộ GD-ĐT đang rà soát, điều chỉnh khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Từ kết quả rà soát, bộ sẽ đề xuất và triển khai hướng xây dựng, bổ sung, hoàn thiện khung năng lực phù hợp. Ngoài ra, bộ sẽ xây dựng, hoàn thiện và phổ biến các công cụ đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ các đối tượng khác nhau và hoàn thiện các văn bản pháp quy về kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ.

* Trong hội nghị triển khai đề án ngoại ngữ 2020 của giai đoạn sắp tới, bộ trưởng khuyến khích các cơ sở GD-ĐT nhập khẩu chương trình ngoại ngữ quốc tế. Việc kiểm định chất lượng các chương trình này và chất lượng dạy học như thế nào?

- Trên thế giới, nhiều chương trình, sách giáo khoa ngoại ngữ đã được xây dựng, thử nghiệm và thực tế sử dụng thành công. Việc nhập khẩu chương trình, giáo trình ngoại ngữ quốc tế sẽ giúp Việt Nam tiệm cận nhanh, hiệu quả với thực tế dạy và học ngoại ngữ của thế giới.

Bên cạnh giáo trình ngoại ngữ đã chuẩn hóa và sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển, các học liệu hỗ trợ nghe nhìn kèm theo cũng cần thiết để nâng cao hiệu quả dạy và học ngoại ngữ.

Ngoài ra, bộ sẽ có những biện pháp và công cụ kiểm định, đánh giá chất lượng các chương trình, sách giáo khoa này như bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh giáo dục phổ thông, ban hành theo thông tư 31/2015/TT-BGDĐT. Bộ cũng sẽ hướng dẫn các trường lựa chọn giáo trình theo hướng không tạo gánh nặng học phí cho các bậc phụ huynh.

* Để tạo động lực cho người học ngoại ngữ, tiếp cận với mục tiêu phát triển 4 kỹ năng, có nhiều ý kiến cho rằng nên quy định bắt buộc đối với các trường ĐH, phải tuyển đầu vào môn ngoại ngữ như yêu cầu đầu vào đối với các chương trình đào tạo sau ĐH. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Bộ đang hướng tới việc học sinh tốt nghiệp THPT có đủ năng lực ngoại ngữ để tự tin sử dụng ngoại ngữ ở các cấp học tiếp theo. Với các trường ĐH, bộ khuyến khích đưa ngoại ngữ vào các tổ hợp xét tuyển của các trường.

Hiện tại các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao đều có yêu cầu trình độ ngoại ngữ đầu vào nhất định, để đảm bảo sinh viên có thể theo học được các môn học dạy trực tiếp bằng tiếng nước ngoài.

Đối với đào tạo các bậc học thạc sĩ và tiến sĩ, bộ đang sửa đổi quy chế, theo đó trình độ ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc ở đầu vào chứ không phải ở đầu ra. Như vậy, ngoại ngữ là công cụ mà học viên cần phải có để có thể học tập, nghiên cứu ở trình độ sau ĐH...

Tất cả quy định đó một mặt đảm bảo cho người học các bậc học nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu, mặt khác nâng cao năng lực ngoại ngữ của lực lượng cán bộ trẻ.

* Lộ trình đổi mới nội dung thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ như thế nào để phù hợp với việc đổi mới dạy học ngoại ngữ ở bậc phổ thông?

- Trong suốt quá trình học tập, học sinh đã được rèn luyện tất cả kỹ năng cần thiết của ngoại ngữ. Việc tổ chức thi, đánh giá trình độ ngoại ngữ với đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở một kỳ thi tốt nghiệp THPT quy mô lớn, với cả triệu thí sinh tham gia là bất khả thi.

Tuy nhiên, hình thức thi trắc nghiệm vẫn có thể kiểm tra toàn diện kỹ năng của người học ngoại ngữ một cách gián tiếp.

Do vậy, hình thức thi trắc nghiệm đối với môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 vẫn sẽ đánh giá được các kỹ năng và kiến thức ngôn ngữ, so với dạng thức bài thi này năm 2016.

Các dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ tăng mức độ đa dạng theo lộ trình để phù hợp với việc đổi mới dạy và học ngoại ngữ ở bậc phổ thông.

V.HÀ - N.HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên