22/05/2012 07:03 GMT+7

ĐBSCL: Nhiều bệnh nhân suy thận mãn đỡ cực

T. LŨY
T. LŨY

TT - Đến khoa thận - thận nhân tạo mới thành lập của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ đầu tháng 5, chúng tôi thấy nhiều người nhà bệnh nhân đến đây hỏi thủ tục đăng ký chạy thận định kỳ.

OEigAMqe.jpgPhóng to
Bệnh nhân được chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - Ảnh: t.lũy

Bác sĩ Nguyễn Quang Khả - phó khoa thận - thận nhân tạo, hồ hởi nói bệnh viện mới có thêm 20 máy lọc thận nhân tạo, nâng tổng số máy của khoa lên 25 máy và vừa lọc thận cấp cứu vừa lọc thận định kỳ cho bệnh nhân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đi gần hơn, ít tốn kém hơn

Tính đến cuối năm 2009, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ có năm máy lọc thận nhân tạo (trong đó một máy dành cho lọc cấp cứu), không thấm vào đâu so với nhu cầu rất lớn của bệnh nhân suy thận mãn đến từ các tỉnh ĐBSCL. Điều dưỡng Lý Thị Út, phụ trách phòng thận nhân tạo, cho biết trung bình thời gian mỗi ca lọc thận định kỳ là bốn giờ, bệnh nhân được xếp lịch định kỳ chạy thứ hai, thứ tư, thứ sáu hoặc thứ ba, thứ năm, thứ bảy. Phòng bắt đầu mở cửa chuẩn bị máy móc lúc 5g30, đến gần 6g tiếp nhận bệnh nhân vào chạy ca đầu, cho đến bệnh nhân cuối cùng trong ngày kết thúc là khoảng 23g. Tuy làm việc hết công suất nhưng do ít máy nên chỉ tiếp nhận lọc thận định kỳ cho 35 bệnh nhân.

Sau khi tiếp nhận 20 máy lọc thận mới, bệnh viện gấp rút đưa vào vận hành ngay. Ông Lê Văn Chín (quê Vĩnh Long) trong ngày đầu tiên được chạy thận định kỳ tại bệnh viện kể ông rất vui. Ông bị viêm gan siêu vi C, ăn uống không được, suy nhược nên vào bệnh viện khám, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Sau hơn hai tháng điều trị và chạy thận ở đó, gia đình quá vất vả và tốn kém. “Vợ tôi nghe nói Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ có thêm máy mới nên tôi quay về đây điều trị. Vậy là mỗi đợt chạy thận (tuần ba lần), người nhà chở tôi từ Vĩnh Long qua Cần Thơ (khoảng 30km) để lọc thận, xong khỏe lại chở về nhà nghỉ ngơi” - ông Chín nói.

Bệnh nhân Lê Thị Thiệp (59 tuổi, ở huyện Ngã Năm, Sóc Trăng) cũng vậy, là người vừa được tiếp nhận lọc thận định kỳ trong đợt này. Bà nói trước đây phải thường xuyên nhập viện, từ các bệnh viện ở Sóc Trăng đến Cần Thơ để chạy thận cấp cứu. Đăng ký nhiều nơi nhưng không ở đâu còn chỗ tiếp nhận vào lọc định kỳ, bây giờ vào đây chạy thận ổn định và thanh toán nhờ thẻ bảo hiểm y tế nên gia đình giảm nhiều gánh nặng.

Bác sĩ Nguyễn Quang Khả tính toán nếu vận hành hoạt động bình thường hết 25 máy lọc thận, khoa sẽ đáp ứng lọc định kỳ cho khoảng 150 bệnh nhân suy thận mãn có nhu cầu đăng ký, quan trọng hơn với số lượng máy như hiện nay, khoa có thể dành riêng máy để tiếp nhận lọc thận định kỳ cho bệnh nhân bị viêm gan B, viêm gan C bị suy thận cần phải lọc định kỳ. Tuy nhiên để tiếp nhận số lượng bệnh nhân này, khoa cần được bổ sung thêm bác sĩ và điều dưỡng mới.

Thêm các kỹ thuật mới được triển khai

TS Đặng Quang Tâm, giám đốc bệnh viện, cho biết cùng với máy lọc thận nhân tạo cho khoa thận - thận nhân tạo lần này, dự án Hỗ trợ y tế vùng ĐBSCL của Ngân hàng Thế giới và Bộ Y tế cũng đầu tư nhiều trang thiết bị, thành lập khoa mới đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân ĐBSCL. Khoa hồi sức tích cực và chống độc tiếp nhận máy lọc máu, lọc thận liên tục để lọc máu cho nhiều trường hợp bệnh lý gây suy thận cấp; máy móc trang thiết bị chuẩn bị cho việc mổ tim và can thiệp mạch vành cũng được chuẩn bị đưa vào vận hành. Đặc biệt với việc tách khoa thận - thận nhân tạo ra khỏi khoa hồi sức tích cực và chống độc, sắp tới bệnh viện cũng tiến hành tiếp nhận điều trị can thiệp thêm nhiều bệnh lý về thận khác, có thể tiến hành sinh thiết thận hoặc cầu thận để định hình các thể cần điều trị, tiến tới ghép thận.

Trước mắt, tại khoa thận - thận nhân tạo triển khai thực hiện phương pháp lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) cho những bệnh nhân suy thận mãn. Với phương pháp này, bệnh nhân được mổ đặt túi vào màng bụng, sau thời gian theo dõi một tháng tại bệnh viện, bệnh nhân về nhà và tiến hành tự thay dịch lọc tại nhà hoặc tại nơi làm việc (phải đảm bảo vệ sinh vô trùng), định kỳ hằng tháng quay lại bệnh viện để kiểm tra.

Lưu ý biến chứng

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - trưởng khoa thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết trong vòng một tháng trở lại đây, có khoảng năm bệnh nhân suy thận mãn của khoa ngụ khu vực ĐBSCL xin chuyển về cơ sở y tế địa phương để tiếp tục được chạy thận định kỳ. Những bệnh nhân này có thể đã về Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ hoặc có thể về nơi khác.

Bác sĩ Tuấn tỏ ra rất vui khi hay tin Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ được trang bị thêm 20 máy lọc thận phục vụ người bệnh. “Đối với bệnh nhân suy thận mãn, phải lọc thận nhân tạo định kỳ, cần lưu ý họ thường có nhiều bệnh lý phối hợp dễ gây tai biến. Các biến chứng như suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... khá phổ biến ở các bệnh nhân này. Do đó, các bệnh nhân nặng có nhiều bệnh lý kết hợp nên chạy thận nhân tạo ở những trung tâm lớn, có nhiều chuyên khoa” - bác sĩ Tuấn nói.

T. LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên