07/10/2017 16:01 GMT+7

ĐBSCL cũng đối diện sinh giảm

BỬU ĐẤU - NGỌC TÀI
BỬU ĐẤU - NGỌC TÀI

TTO - Ông Lê Văn Hùng, phó chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận việc sinh ít có lý do muốn cho con cái có điều kiện sống tốt hơn nhưng cũng không loại trừ vì... lười sinh.

ĐBSCL cũng đối diện sinh giảm - Ảnh 1.

Do muốn cho con cái có điều kiện sống tốt nên nhiều gia đình ở ĐBSCL đã sinh ít con hơn so với trước đây -Ảnh: Châu Anh

Vợ chồng anh Lê Thành Ngôn ở xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, An Giang mặc dù thuộc diện khá giả nhưng cũng chỉ sinh một con. 

Kết hôn năm 2003, dù được ba mẹ chia cho 3.500m2 đất lúa canh tác, đến nay anh đã có gần 40.000m2 nhưng vợ chồng anh tính toán không sinh thêm con. 

"Gia đình tôi lúc trước có 8 anh em nên tôi đã thấu hiểu cảnh anh em đông, nhiều khó khăn lắm. Vợ tôi lúc đầu sinh con Uyên, hai vợ chồng vất vả vô cùng nên giờ ngán lắm" - anh Ngôn nói. 

Dù đôi lúc con đi học và đi chơi với bạn bè, chỉ còn hai vợ chồng ở nhà cũng muốn sinh thêm, nhưng theo anh Ngôn, nghĩ sinh con cực quá nên lại... thôi.

Với chị Huỳnh Thị Yến Liên, 28 tuổi, đang làm nội trợ ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, sinh thêm con phải tùy điều kiện kinh tế. 

Chị Liên nói sinh con cực nhất là công đoạn chăm con vào 3 năm đầu nên mỗi lần có ý định sinh thêm lại "ngán". 

"Giờ không thể trông vào ruộng đất mà phải lo ăn, lo học. Nói chung hai vợ chồng tôi giờ phải suy tính rất kỹ nếu muốn có bé thứ hai" - chị Liên chia sẻ.

Còn vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Thơ, 28 tuổi, một hộ kinh doanh ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), cũng thống nhất với nhau chỉ sinh một con và việc này cả bên nội và bên ngoại đều ủng hộ. 

"Quan niệm của tôi và gia đình, con là người bạn. Cũng không vì mục đích cần con cái phụng dưỡng khi về già" - chị Thơ nói.

Ông Văn Kim An - chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh An Giang - đánh giá nếu tình trạng giới trẻ sinh con ít như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu dân số của tỉnh. Hiện An Giang có dân số cao hàng đầu ĐBSCL nhưng mức sinh rất thấp, chỉ đạt 1,83 con/cặp vợ chồng. Do vậy, An Giang đang khuyến khích các cặp vợ chồng có điều kiện nên sinh đủ hai con.

Trẻ em ở An Giang hiện có khuynh hướng giảm, tuổi thọ vẫn đạt nên An Giang đang bước vào giai đoạn cơ cấu dân số già. Do đó, theo ông An, một số gia đình có điều kiện nên khuyến khích họ sinh đủ 2 con để đảm bảo theo cơ cấu tuổi lao động thời gian tới.

Ông Lê Văn Hùng, phó chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận việc sinh ít có lý do muốn cho con cái có điều kiện sống tốt hơn nhưng cũng không loại trừ vì... lười sinh. 

Ông Hùng cho biết thêm năm 2017, chi cục đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền chuyển từ chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình thành dân số và phát triển. 

Tức là không đặt nặng các chỉ tiêu tránh thai nữa, mà đặt mục tiêu nâng cao chất lượng như tư vấn sinh sản trước hôn nhân, loại trừ dị tật bẩm sinh...

Nỗi lo tài chính đè nặng

Vợ chồng chị Hoa (quê Hà Tĩnh) đã có hai con, đang sinh sống tại TP.HCM chia sẻ phải lo đủ thứ khi có hai con, từ chuyện vất vả đón con, dọn dẹp, mưu sinh.

Cả hai bé nhà chị đều phải gửi nhà trẻ khi mới 15 tháng tuổi vì ở nhà không có người trông.

"Tháng nào bà ngoại vào ở cùng thì đỡ. Thời gian cho con ăn còn không có chứ nói gì đến đưa con đi chơi" - chị Hoa kể.

Đặc biệt, giống như nhiều gia đình thu nhập không cao khác, với chị Hoa, nỗi lo mỗi tháng khi có hai con là tiền chi tiêu gia đình, tiền học hành của con...

"Sau khi trừ các chi phí này, chúng tôi gần như chẳng tích cóp được gì" - chị Hoa nói. N.Loan

BỬU ĐẤU - NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên