![ĐBQH: Thu nhập 2 vợ chồng ở TP.HCM mỗi tháng khoảng 20 - 21 triệu mới đủ chi tiêu cho 4 người - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/nguyen-thien-nhan-17395415328071156588035.jpg)
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh: GIA HÂN
Chiều 14-2, phát biểu tại tổ về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) cho rằng đây là quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Ông bày tỏ đồng tình với chủ trương tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ, nâng cao kỹ năng lao động. Đây là giải pháp hiệu quả để khai thác tiềm lực nội sinh.
Thời cơ tăng lương đủ sống để sinh con
Ngoài mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ông Nhân chỉ rõ cũng cần quan tâm phát triển bền vững về con người.
Từ bài học Hàn Quốc, Nhật Bản hơn 33 năm tăng trưởng hai con số rồi 29 năm sau đi ngang, ông Nhân đề nghị thực hiện hai lộ trình gồm thúc đẩy kinh tế và giữ vững được tỉ suất sinh thay thế.
Theo ông Nhân, muốn một người phụ nữ sinh được hai con thì lương của một người phải nuôi được mình và đứa con. Nói cách khác lương hai người nuôi được bốn người.
"Thế giới gọi là lương đủ sống, chứ không phải lương tối thiểu.
Lương tối thiểu thực chất là nuôi được bản thân. Nguyên nhân sâu sắc nhất giảm tỉ suất sinh thay thế là không nuôi đủ hai con", ông Nhân phân tích.
Vì vậy theo ông Nhân, từ năm 2025 - 2035 chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu.
Ông Nhân thông tin ở TP.HCM hỏi người dân trả lời thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng phải khoảng 20 - 21 triệu mới đủ chi tiêu cho bốn người trong gia đình.
"Vậy lương đủ sống bình quân một người là 10,5 triệu/tháng. Nhưng hiện nay thu nhập bình quân mỗi tháng chỉ 4,96 triệu (TP.HCM). Nếu không đủ thì người ta không đẻ", ông Nhân dẫn số liệu.
Đồng thời cho rằng phải có lộ trình tăng lương lên mới đảm bảo được người dân sinh con.
Nêu trường hợp có ý kiến nếu tăng lương lên, Việt Nam còn hấp dẫn đầu tư không, ông Nhân nhấn mạnh "chúng ta không lo điều đó".
Ông cho hay hiện tại lương bình quân đầu người nếu 10,5 triệu/tháng thì tương đương 1 giờ làm việc 1,9 USD, trong khi hiện nay mới 0,95 USD/giờ.
Ông dẫn chứng các nước hiện đang trả lương 6,9 USD/giờ, gấp 7,26 lần so với Việt Nam hiện nay. Tức là lương đủ sống của Việt Nam chỉ bằng 27% lương tối thiểu của Hàn Quốc.
So với Nhật Bản có mức lương 7,23 USD/giờ thì Việt Nam chỉ bằng 26% lương tối thiểu của Nhật Bản. Còn với Mỹ, lương tối thiểu 7,25 USD/giờ nhưng 15 năm lương tối thiểu Mỹ không tăng, lạm phát tăng liên tục.
"So sánh như vậy để thấy lương đủ sống của Việt Nam vẫn đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài.
Nếu không giải quyết được trước năm 2040 thì Việt Nam sẽ hình thành thanh niên 'ba không'.
Đó là không lấy vợ - không sinh con - không bức xúc trước việc mình không đẻ, ảnh hưởng tới tồn vong của đất nước", ông Nhân phân tích và nhấn mạnh đây là thời cơ tăng lương đủ sống để sinh con.
![Thu nhập 2 vợ chồng ở TP.HCM mỗi tháng khoảng 20 - 21 triệu mới đủ chi tiêu cho 4 người - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/tran-luu-quang-1739541730547102661467.jpeg)
Ông Trần Lưu Quang - Ảnh: H.N.
Mục tiêu tăng trưởng hai con số không có gì là xa vời
Cũng nêu ý kiến tại tổ, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang cho biết việc đặt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 giống như một bước tập dượt để bước vào ngưỡng hai con số liên tục trong nhiều năm.
Về mục tiêu tăng trưởng hai con số, ông Quang nhấn mạnh "không có gì là xa vời cả", điều này vẫn nằm ở ba mũi đột phá, gồm thể chế, nguồn lực và hạ tầng.
Lý do đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số, theo ông Quang để chúng ta đạt được mục tiêu năm 2030 - 2045 là một nước phát triển có thu nhập cao.
Từ chỉ tiêu đó, tính ngược lại thì phải tăng trưởng hai con số mới đạt được. Đây là vấn đề nằm trong nghị quyết, cho nên phải phấn đấu.
Lý do thứ hai, ông Quang nói chúng ta phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 5-7 nước vượt được như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Theo ông, nếu không có sự thay đổi như việc áp dụng khoa học công nghệ để vượt qua giới hạn thì không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.
"Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay gần 5.000 USD. Phải vượt qua được ngưỡng này", ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Theo ông, để đạt được mục tiêu trên, phải có đường lối mạch lạc, tinh gọn bộ máy, thực hiện nghị quyết 57 và tháo gỡ thể chế…
Đề cập đến nghị quyết 57, ông Trần Lưu Quang nhìn nhận đây là con đường ngắn nhất để đưa đất nước tới một tương lai tươi sáng.
"Kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới cho thấy họ làm và rất thành công, điển hình đó là Trung Quốc", ông nhấn mạnh thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận