01/11/2014 14:57 GMT+7

ĐBQH Đỗ Văn Đương khẳng định "nói tiếng nói của người dân"

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương nói như trên khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 1-11 về kiến nghị của Liên đoàn Luật sư liên quan đến phát ngôn của ông.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, ngày 31-10, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có công văn gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đề nghị làm rõ nội dung phát ngôn trên báo chí của đại biểu Đỗ Văn Đương.

Phát ngôn của ông Đương bị cho là quy chụp, thiếu căn cứ khi nói rằng thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền.

Trao đổi nhanh với báo chí về vấn đề nêu trên, ông Đỗ Văn Đương cho biết đã đọc hết công văn của Liên đoàn Luật sư và thấy rằng đây là một việc bình thường.

Việc ra công văn là của Liên đoàn Luật sư, còn về phần mình thì đại biểu Đương nói với các phóng viên rằng Hiến pháp đã quy định quyền của đại biểu Quốc hội.

“Tôi là dân biểu, nói tiếng nói của dân, không thể truy cứu trách nhiệm được. Ở đây tôi chưa nói đúng hay sai” - ông Đương nói.

Cũng theo ông Đương, ông là người “trước sau như một” khi nói tiếng nói của người dân. “Không lẽ nói đụng đến ai cũng kiến nghị xử lý hay sao” - ông Đương đặt câu hỏi.

Đề nghị ông Đương rút lại lời xúc phạm giới luật sư

Một trong những nhiệm vụ của Luật sư theo Luật luật sư là thực hiện việc hỗ trợ pháp lý miễn phí.

Hàng năm giới luật sư cả nước thực hiện mấy chục ngàn vụ hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, đối tượng chính sách. Giới Luật sư làm điều đó vì luật định và quan trọng nhất vì cái tâm. 

Đó là một thực tế, sao có thể nói như ông Đỗ Văn Đương "thực chất luật sư ở VN bào chữa cho người có tiền".

Không thế nào tin được một vị dân biểu có trình độ học vấn tiến sĩ, là Ủy viên thường vụ mà phát biểu sai về quan điểm, cố ý làm tổn thương đến toàn thế giới luật sư cả nước.

Ở các nước việc điều tra và đưa bị can ra xét tại Tòa đều có chế định về việc tham gia của luật sư ngay từ đầu đến khi kết thúc vụ việc.

Ở VN cũng đã có những quy định này. Đây là thành tựu pháp lý của xã hội loài người, nó thể hiện tính tập trung dân chủ cao nhất của xã hội ta, cũng là tinh thần của nội dung Nghị quyết Trung Ương 4, của cải cách Tư pháp.

Tất nhiên ngoài chức năng nghề nghiệp là bào chữa và nhận thù lao, luật sư trong rất nhều trường hợp đã đấu tranh minh oan cho những người vô tội, người "thấp cổ bé họng", bao nhiêu số phận vướng vào vòng lao lý trong khi họ không hề có tội như trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn.

Ông Dương khi phát biểu như vậy ngoài việc xúc phạm giới luật sư còn gián tiếp làm xấu đi tình trạng của các bị can bị cáo, thể hiện sự không hiểu biết về nghề luật sư và hoạt động tố tụng.

Trong khi thực tế rất nhiều luật sư tâm huyết với nghề đều nhận thức thiên chức của mình là bảo vệ người yếu thế, bảo vệ lẽ phải.

Tại Trung tâm trợ giúp pháp lý TP.HCM có hơn 400 luật sư đăng ký bào chữa miễn phí. Tại Đoàn luật sư TP.HCM cũng có hàng ngàn lượt luật sư đăng ký tham gia bào chữa chỉ định miễn phí. Họ làm điều đó đâu phải vì tiền? Sao có thể nói luật sư bào chữa chỉ vì tiền!

Tôi nghĩ ông đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Dương nên rút lại lời phát biểu trên vì nếu không sẽ tiếp tục bị "ném đá".

Liên đoàn luật sư Việt Nam, Cục trợ giúp pháp lý nên có ý kiến về nội dung phát biểu sai lệch vừa mang tính xúc phạm uy tín danh dự giới luật sư Việt Nam này.

Luật sư Hà Hải - Đoàn Luật sư TP.HCM

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên