09/01/2015 08:21 GMT+7

ĐBQH Châu Thị Thu Nga bán nhà trên giấy lấy cả trăm tỉ

MINH QUANG - XUÂN LONG - LÊ KIÊN
MINH QUANG - XUÂN LONG - LÊ KIÊN

TT - Bà Châu Thị Thu Nga bị tình nghi đã ký 752 hợp đồng góp vốn với các nhà đầu tư, thu hơn 377 tỉ đồng và đến nay không có khả năng chi trả...

Mặc dù đã thu tiền của hàng trăm khách hàng, nhưng dự án B5 Cầu Diễn vẫn “bất động” trong nhiều năm qua - Ảnh: Lê Hồng Thái
Mặc dù đã thu tiền của hàng trăm khách hàng, nhưng dự án B5 Cầu Diễn vẫn “bất động” trong nhiều năm qua - Ảnh: Lê Hồng Thái

Ngày 8-1, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thông báo về việc khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Châu Thị Thu Nga (50 tuổi) - đại biểu Quốc hội khóa XIII, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) - về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bán nhà không có trong quy hoạch

Bị khiếu nại, tố cáo nhiều lần

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết trong hơn ba năm qua đã nhiều lần phải tiếp các công dân, khách hàng liên quan đến các dự án xây dựng nhà ở của doanh nghiệp bà Nga đến đưa đơn khiếu nại, tố cáo. Thậm chí, một số nhóm khách hàng đã thành lập cả ban đại diện để đi thưa kiện bà Nga. Đầu tháng 1-2014, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đã mời đại biểu Châu Thị Thu Nga lên làm việc về các nội dung khiếu nại, tố cáo bà. Tại cuộc làm việc này, bà Nga hứa sẽ sớm xây dựng và hoàn thành dự án B5 Cầu Diễn để “trả nhà” cho khách hàng. 

“Bà Nga còn hứa sẽ trả nhà cho khách hàng sớm hơn thời hạn trong các hợp đồng mà khách hàng ký với doanh nghiệp của bà ấy. Thời điểm bà Nga được mời lên làm việc thời hạn trong hợp đồng vẫn còn, lãnh đạo Ban Công tác đại biểu yêu cầu bà Nga thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với dân và không nên né tránh gặp gỡ người dân. Lúc này Ban Công tác đại biểu cho rằng đây là quan hệ kinh tế nên không kiến nghị xử lý bà Nga mà chỉ nhắc nhở bà Nga là đại biểu Quốc hội thì cần phải gương mẫu” - vị này cho biết.

Theo cơ quan điều tra, sai phạm của bà Nga được xác định từ năm 2008 đến nay tại dự án xây dựng khu nhà B5 (thuộc lô đất CT5) và HH2 tại Cầu Diễn, Hà Nội.

Dự án của Housing Group chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp phép xây dựng nhưng bà Nga và đồng phạm tại công ty đã tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ để huy động vốn.

Khu B5 thuộc thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) nằm trong dự án công trình khu tái định cư thuộc lô CT5 của dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội.

Dự án này do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư. HH2 là lô đất xây dựng nhà ở tái định cư, dịch vụ thương mại và công nghiệp sạch của dự án khu đô thị thành phố Giao Lưu do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng quốc tế Vigeba làm chủ đầu tư.

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội và kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của Sở Xây dựng Hà Nội thì lô đất CT5 được xây dựng bốn tòa nhà gồm CT5A, CT5B cao chín tầng và CT5C, CT5D cao 13 tầng. Dự án này sau đó được Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (HAIC) thực hiện.

Năm 2008, bà Châu Thị Thu Nga là tổng giám đốc Housing Group đã cùng ông Nguyễn Văn Tuẫn, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc HAIC, ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khu chung cư và biệt thự nhà vườn tại khu đất B5 Cầu Diễn. Quy mô khu B5 dự kiến xây ba chung cư 21 tầng và 36 nhà vườn.

Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào của Hà Nội đồng ý cho nâng số tầng của bốn tòa nhà tại lô đất CT5.

Tương tự, tại lô đất HH2, liên danh của bà Nga và ông Tuẫn chưa được giao là chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, bà Nga vẫn thuyết phục các nhà đầu tư góp vốn cho Housing Group đầu tư dự án.

Để có tài liệu thuyết phục các nhà đầu tư, bà Nga đã chỉ đạo nhân viên lập mô hình sáu tòa nhà chung cư gồm hai tòa nhà 33 tầng, bốn tòa nhà 29 tầng, đặt tại trụ sở của Housing Group để quảng cáo về dự án.

Theo đó, các nhân viên đã vẽ ký hiệu vị trí, diện tích từng căn hộ và mức giá để quảng cáo. Trên website của công ty cũng quảng cáo về dự án này với những lời mời chào hấp dẫn, giá cả ưu đãi cho khách hàng.

Bộ phận sàn giao dịch bất động sản cũng đưa các căn hộ này lên website để rao bán. Từ những tài liệu do Housing Group đưa ra, nhiều khách hàng đã ký kết mua nhà tại dự án.

Từ tháng 6-2008 đến tháng 4-2013, Housing Group đã huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn, thỏa thuận góp vốn, thỏa thuận vay vốn có tính lãi suất và kèm theo điều kiện bán căn hộ.

Khi khách hàng ký hợp đồng, công ty thu tiền huy động vốn nhưng chỉ viết biên lai thu tiền. Cơ quan điều tra xác định đã có 752 hợp đồng được ký kết với số tiền hơn 377 tỉ đồng.

Trong các hợp đồng bán nhà này có nhiều căn hộ thuộc lô đất HH2 và căn hộ từ tầng 10 trở lên đối với các tòa nhà CT5A, CT5B và tầng 14 trở lên đối với tòa nhà CT5C, CT5D. Đây là những căn hộ “ảo” không có trong quy hoạch xây dựng của lô CT5 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Hàng trăm tỉ đồng của khách hàng có nguy cơ mất trắng

Số tiền thu được từ các nhà đầu tư, bà Nga chỉ đạo sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau chứ không đầu tư vào dự án B5 Cầu Diễn. Do đó, đến nay dự án này vẫn dang dở, các nhà đầu tư rơi vào cảnh tiền đã trao nhưng không có nhà ở và cứ phải chạy theo bà Nga để đòi tiền.

Nhiều khách hàng đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng. Đến khi bị bắt, bà Nga vẫn chưa chi trả một đồng nào cho các nhà đầu tư dù đã bị đòi nhiều năm.

Bản thân bà Nga cũng đã trực tiếp ký nhiều bản cam kết trả tiền cho khách hàng nhưng đến ngày trả tiền bà Nga lại tắt điện thoại nên những khách hàng này đều không liên lạc được, đến trụ sở công ty thì không có ai làm việc.

Không chỉ tại dự án B5 Cầu Diễn mà tại hai dự án khác của Housing Group, hàng trăm nạn nhân khác cũng rơi vào tình trạng “bơ vơ” không biết đi đâu đòi tiền khi bà Nga đã bị bắt, tiền đã nộp mà nhà thì không thấy đâu.

Đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội

Chiều 8-1, Trung tâm báo chí Văn phòng Quốc hội ra thông cáo nêu rõ việc bắt giữ đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga là căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành vào chiều tối cùng ngày.

Tại nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định “tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga”, đồng ý với đề nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao “về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, vì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ luật hình sự”.

Việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga là “để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam - trưởng Ban pháp chế HĐND TP Hà Nội - cho biết HĐND TP đã quyết định đình chỉ nhiệm vụ và quyền hạn đại biểu HĐND TP đối với bà Châu Thị Thu Nga.

Theo Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, trước đây trong quá trình tiến hành hiệp thương lựa chọn các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hà Nội có 71 hồ sơ, với 40 người được giới thiệu và 31 người tự ứng cử.

Qua hội nghị hiệp thương lần 3, ban thường trực Ủy ban MTTQ Hà Nội đã lựa chọn, chốt danh sách chính thức 40 người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Bà Nga là một trong bốn ứng cử viên tự ứng cử. Trả lời về việc quá trình hiệp thương được thực hiện ra sao khi sau hiệp thương Hà Nội vẫn lựa chọn có bà Nga, một lãnh đạo Ủy ban MTTQ TP Hà Nội từ chối trả lời và chỉ nói ngắn gọn: “Đây là việc không ai mong muốn”.

Quốc hội mới có quyền bãi nhiệm tư cách đại biểu

Trả lời về việc HĐND TP có xem xét bãi miễn tư cách đại biểu HĐND TP đối với bà Nga, ông Nguyễn Xuân Diên, phó chánh văn phòng HĐND TP - văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cho biết: “Nhìn chung, những vi phạm này cũng đã rõ rồi.

Tuy nhiên, để bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND TP đối với bà Nga phải thực hiện theo các quy định của luật. Luật pháp quy định một người chỉ có tội khi bị tòa kết án.

Vì vậy, khi kết thúc điều tra, khi nào Quốc hội xem xét, biểu quyết bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội với bà Nga sau đó HĐND TP mới xem xét, biểu quyết bãi miễn tư cách đại biểu HĐND TP với bà Nga. Còn hiện tại chưa xem xét vấn đề bãi miễn”.

Theo quy định của pháp luật thì việc này thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc cử tri. Điều 58 Luật tổ chức Quốc hội quy định: “Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội.

Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của viện trưởng Viện KSND tối cao; trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó”.

Điều luật này cũng quy định thêm: “Đại biểu Quốc hội bị tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật”.

Liên quan đến thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, điều 56 Luật tổ chức Quốc hội quy định: “Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban trung ương MTTQ VN, Ủy ban MTTQ tỉnh, TP trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra đại biểu Quốc hội đó”.

Quốc hội đương nhiệm (khóa XIII) cũng đã bãi nhiệm tư cách đại biểu của một nữ doanh nhân khác: bà Đặng Thị Hoàng Yến. Bà Yến bị Quốc hội biểu quyết và ra nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban trung ương MTTQ VN và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

MINH QUANG - XUÂN LONG - LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên