Thầy giáo bắt tay một học sinh lớp 8 (Trường Brisbane Grammar, Úc) sau khi các em học sinh tham gia thuyết trình một đề tài về truyền hình thực tế - Ảnh: T.T.D.
Con gái tôi năm nay 5 tuổi, có cô bạn thân tên Jade, gần 6 tuổi, là con gái nhà hàng xóm cách nhà tôi vài căn. Đây là một gia đình người Pháp, sống đúng chuẩn văn hóa phương Tây, rất lịch sự, nhã nhặn và kín đáo.
Có lần, Jade làm tôi vô cùng ngạc nhiên về cách suy nghĩ của bé.
Khi hai cô bé chơi với nhau ở nhà, tôi có nhắc là chúng ta phải biết "kính trên nhường dưới", tức là bạn nhỏ phải biết nghe lời bạn lớn hơn, cũng như bạn lớn hơn nên nhường đồ chơi cho bạn nhỏ, vì như thế mới là những em bé ngoan.
Nghe tôi nói thế, Jade tỏ vẻ ngạc nhiên và không đồng tình. Cô bé nói rằng cha mẹ em dạy, ai nói có lý thì nên làm theo người đó, cũng như đồ chơi của ai thì người đó có quyền quyết định cho người khác mượn hay không.
Những gì cô bé người Pháp này nói làm tôi suy nghĩ nhiều về sự khác biệt trong cách giáo dục con ở phương Tây và ở phương Đông, mà cụ thể là Việt Nam.
Người Việt Nam chúng ta luôn coi rằng "kính trên nhường dưới" là một tiêu chuẩn của trẻ em ngoan. Một em bé ngoan là một em bé biết nghe lời người lớn - đơn giản là như thế.
Cũng thế, chúng ta tôn trọng thứ bậc trong xã hội, nơi người hơn tuổi thường có một vị trí cao hơn, và nhìn chung, một người có giáo dục phải là người biết kính trọng, nghe lời người hơn tuổi trong gia đình, thậm chí ngoài xã hội - tất nhiên ở một mức độ tương đối hơn.
Khi trẻ bị cho vào khuôn mẫu thứ bậc trong xã hội, tức là phải nghe lời chỉ vì cha mẹ hay người lớn ra lệnh, chứ không phải vì đúng hay vì hợp lý. Điều này sẽ không tạo ra những cá nhân có tư duy độc lập và phát triển - Lê Thị Thiên Hương (Pháp)
Trong khi đó, ở xã hội phương Tây hiện nay, họ không còn coi việc trẻ em tuân lời người lớn như là một tiêu chí của giáo dục. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn phản đối việc giáo dục trẻ em theo hướng này, vì nó sẽ hạn chế sự phát triển tâm lý cũng như năng lực tư duy của trẻ.
Ở Pháp, mọi cá nhân đều bình đẳng, tuổi đời không có ý nghĩa gì và không liên quan gì tới việc tôn trọng hay không.
Sự tôn trọng của một cá nhân với một người khác không tự động sinh ra gắn liền với tuổi đời, mà nó cần được hình thành dựa trên cách hành xử, nhân cách của người kia.
Một cô bạn trẻ đã từng tranh luận với tôi rằng tại sao cô phải tôn trọng ông già hàng xóm đáng tuổi ông cô, trong khi ông ta thường xuyên say rượu và làm phiền hàng xóm?
Tất nhiên, ở phương Tây, những hành vi hỗn láo, thô lỗ, bất lịch sự đều bị coi là thiếu giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề này nằm trong quy tắc ứng xử lịch sự, chứ không liên quan gì đến tuổi tác.
Ngoài ra, để trẻ em phát triển hài hòa và tự nhiên, các bậc cha mẹ được khuyên nên giải thích lý do khi yêu cầu trẻ làm theo lời cha mẹ, chứ tránh dùng các biện pháp như dọa nạt, ép buộc, sỉ nhục hay ra điều kiện về mặt tình cảm (như "con không nghe lời thì mẹ sẽ không thương con") với trẻ em.
Khái niệm "nghe lời một cách thông minh" được sử dụng nhiều trong phương pháp này, có nghĩa là giúp trẻ em chủ động nghe lời cha mẹ, vì bản thân các em thấy điều đó là đúng và hợp lý.
Dạy trẻ biết phân biệt đúng/sai
Khi suy nghĩ về hai cách giáo dục rất khác nhau giữa cha mẹ Việt Nam và cha mẹ Pháp, tôi nhận thấy văn hóa của người Việt chúng ta còn chưa tôn trọng cá nhân trẻ em.
Trẻ em không kính trọng, nghe lời người lớn thì bị coi là hư, nhưng người lớn thì ít ai nghĩ đến việc cũng cần tôn trọng suy nghĩ, ý kiến và bản thân con trẻ.
Đã đến lúc chúng ta cần tự hỏi, liệu có nên dạy con luôn phải "kính trên nhường dưới"?
Theo tôi, thay vì dạy trẻ như thế, có lẽ chúng ta nên dạy trẻ suy nghĩ độc lập, tự do, hướng trẻ tới cái hay, cái đẹp, cái thiện, dạy trẻ biết phân biệt đúng/sai, các quy tắc ứng xử lịch sự, biết tôn trọng sự khác biệt.
Đây chính là các giá trị của một công dân toàn cầu, hành trang mà trẻ em cần phải có trong thế kỷ 21 này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận