26/12/2019 11:30 GMT+7

Đẩy nhanh kế hoạch giảm thiểu tác hại thuốc lá

D.K.
D.K.

Giảm thiểu tác hại thuốc lá đang là chính sách được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng.

Theo báo cáo của tổ chức Truth Initiative năm 2018, tỷ lệ bỏ hẳn thuốc lá thành công chỉ đạt 7,2%. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 1,3 tỉ người hút thuốc lá trên toàn cầu.

Như vậy, con số gần 83% tương đương với hơn 1 tỉ người vẫn tiếp tục hút thuốc lá là điều rất đáng để các chuyên gia y tế quan tâm, tìm giải pháp giúp đỡ họ.

95% tái nghiện sau nỗ lực bỏ thuốc một hay nhiều lần

Giải thích nguyên nhân gây cản trở việc bỏ hẳn thuốc lá, ThS.BS Lê Đình Phương - trưởng khoa Nội tổng quát Bệnh viện FV - cho biết có nhiều nguyên nhân tác động, không chỉ đến từ nhu cầu nicotine mà còn từ hành vi, các yếu tố ngoại cảnh.

Hiện nay, rất ít người hiểu rõ nghiện thuốc lá không chỉ là lệ thuộc nicotine, mà còn nghiện hành vi hút thuốc trong một số hoàn cảnh nhất định. Đó là một chuỗi các phản xạ có điều kiện như nghiện động tác và hành vi hút thuốc sau khi ăn, đọc sách, căng thẳng, nghe nhạc, uống cafe…

Đẩy nhanh kế hoạch giảm thiểu tác hại thuốc lá - Ảnh 1.

Bác sĩ sẽ chia sẻ, đánh giá về các tài liệu khoa học từ nhiều bên thứ 3

"Nếu không cắt được sự liên kết hoàn cảnh với việc hút thuốc, người nghiện sẽ tái nghiện trở lại rất nhanh. Thêm vào đó, chúng ta đang thiếu hẳn một hệ thống tư vấn tâm lý khắp cả nước hỗ trợ và theo dõi khả năng bỏ thuốc lá của người nghiện để có định hướng kịp thời. Mặt khác, thuốc lá điếu tại Việt Nam quá dễ mua", ThS.BS Đình Phương nhấn mạnh.

Về mặt tâm lý, để cai nghiện được thuốc lá, theo ThS.BS Lê Đình Phương, bản thân người nghiện sẽ có những biểu hiện thiếu nicotine như cáu kỉnh, mất tập trung, mất ngủ, biếng ăn, lên cân. Chính vì thế, để cai thuốc lá thành công, cần có sự tham gia động viên của những người thân trong gia đình để người nghiện có ý chí từ bỏ.

"Điều quan trọng là người nghiện cần nhận thức được hành vi dẫn tới việc hút thuốc, và không bao giờ cầm đến điếu thuốc một khi đã bỏ được. Chính vì ý nghĩ "mình bỏ được rồi, làm chơi một điếu" là bước đầu tiên khiến một số người nghiện nhanh tái nghiện trở lại", ThS.BS Đình Phương cho biết.

Cần nhiều hơn một giải pháp

Theo các chuyên gia, số người hút thuốc tại Việt Nam được dự đoán vào khoảng 17-18 triệu người trước năm 2025. Trong khi đó, Quyết định 1092/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong chương trình Sức khỏe Việt Nam có nêu rõ việc đặt mục tiêu giảm thiểu 37% tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành, đồng thời, giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động của người dân tại nhà là 50% và tại nơi làm việc 35% vào năm 2025.

Có thể thấy, để đạt đến con số mà Chính phủ đặt ra, bên cạnh việc cần có sự nỗ lực phối hợp của các cơ quan ban ngành tuyên truyền bỏ thuốc, cũng cần cân nhắc đến nguyện vọng của người hút thuốc.

Đây là điều mà trước giờ chưa bao giờ được nhắc tới. Dĩ nhiên, bỏ thuốc lá và nicotine hoàn toàn là điều tốt nhất. Song, đối với những người có thâm niên hút thuốc, họ sẽ tiếp tục tàn phá cơ thể qua khói thuốc bất chấp tác hại và lời khuyên của gia đình. Điều này không chỉ là gánh nặng của xã hội mà còn là của ngành y tế nói chung.

Do đó, nhiều chuyên gia cũng đặt ra giả thiết nên chăng đây chính là thời điểm nghĩ đến việc "giảm thiểu tác hại" cho những người đang hút thuốc lá bên cạnh công tác tuyên truyền bỏ thuốc.

Đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai áp dụng các giải pháp thay thế nicotine giúp giảm thiểu tác hại, bởi lẽ khoa học đã chứng minh đây là những sản phẩm ít rủi ro hơn so với việc tiếp tục hút thuốc lá điếu truyền thống.

Thay vì chọn đối đầu và tuyên chiến với thuốc lá điếu, kêu gọi người dân bỏ thuốc lá một cách vô vọng, các nước tiến bộ như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc… cho phép những người có ý định tiếp tục lựa chọn hành vi hút thuốc như là một trong các quyền cá nhân, thêm nhiều hơn một lựa chọn.

Khoa học đã chứng minh, các phương pháp giảm thiểu tác hại có thể làm giảm các bệnh liên quan đến hút thuốc lá và tử vong. Theo đó, các sản phẩm giảm thiểu tác hại được cải thiện theo thời gian cùng với tiến bộ khoa học đang được ứng dụng tại các nước phát triển, như: miếng dán nicotine, kẹo ngậm nicotine, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử…

"Hiện tại các cơ quan quản lý y tế ở cả Anh và Mỹ đều đồng ý rằng các sản phẩm này giảm thiểu tác hại trung bình khoảng 95% so với thuốc lá truyền thống. Vì vậy, quan điểm giảm thiểu tác hại hoàn toàn có thể được ứng dụng trong ngành hàng thuốc lá", ThS.BS Đình Phương phân tích.

Mặc dù vậy, điều đó vẫn không có nghĩa là các sản phẩm này vô hại và được khuyến khích sử dụng sai mục đích vì bản chất chúng vẫn chứa nicotine gây nghiện cùng các hợp chất gây hại khác giống như thuốc lá điếu, chỉ có điều chúng có tỷ lệ thấp hơn so với thuốc lá điếu đốt cháy (theo đánh giá của FDA).

"Điều tốt nhất mà những người hút thuốc lá nên nghĩ tới đầu tiên vẫn là bỏ thuốc và các sản phẩm có chứa nicotine, thực hiện mô hình cai thuốc theo khuyến nghị của ngành y với sự hướng dẫn của các chuyên gia y tế và sự động viên của gia đình", ThS.BS Lê Đình Phương khuyến nghị.

D.K.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên