Học sinh lớp 11 Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2, TP.HCM) diễn tiểu phẩm Vụ án vườn Lệ Chi trong dự án dạy học theo phương pháp tích hợp giữa văn và sử - Ảnh: Như Hùng |
Trao đổi với PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - phó ban soạn thảo chương trình tổng thể giáo dục (GD) phổ thông (Bộ GD-ĐT) - phóng viên Tuổi Trẻ đã chuyển đến ông những băn khoăn này.
* Một số chuyên gia GD, nhà sử học trong các góp ý gửi về Tuổi Trẻ những ngày qua đã lo ngại rằng tích hợp theo cách làm với môn công dân với Tổ quốc là một sự tích hợp tồi...
- Tôi nghĩ đang có một sự hiểu nhầm rằng môn công dân với Tổ quốc là môn học mới thay thế cho môn lịch sử. Nếu đọc kỹ dự thảo chương trình tổng thể GD phổ thông thì sẽ thấy lịch sử được dạy cho học sinh từ tiểu học đến THPT, xuất hiện trong nhiều môn học khác nhau và trong các hoạt động trải nghiệm của học sinh. Kiến thức về lịch sử không bị cắt xén so với chương trình hiện hành mà chỉ sắp xếp lại để hấp dẫn, có hiệu quả GD hơn.
Riêng môn công dân với Tổ quốc là môn học bắt buộc cho đối tượng học sinh chuẩn bị bước vào tuổi thành niên. Bởi vậy những nội dung được chọn vào môn học này trên cơ sở các môn học cũ là lịch sử, GD công dân và quốc phòng an ninh cùng hướng tới một mục tiêu chung là nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết tối thiểu, căn bản về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của công dân.
Nếu dư luận lo ngại giới trẻ quay lưng với lịch sử chống ngoại xâm, coi nhẹ việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và không nuôi dưỡng lòng yêu nước thì xin thưa, nội dung đó là một mạch chính của môn học này.
Chúng tôi không tích hợp theo hướng đặt ba phân môn cạnh nhau mà chọn những nội dung gần nhau phục vụ cho cùng mục tiêu GD, những chủ đề chuyên sâu với sự hỗ trợ lẫn nhau từ nội dung các môn học cũ.
* Như những gì ông giải thích thì “tích hợp” đang là hướng đi mới mang lại hi vọng giải quyết những bất cập của GD, trong đó có lịch sử. Vậy theo ông, “tích hợp” có những ưu điểm gì so với các môn học đứng độc lập như hiện nay và hạn chế của nó là gì?
- Có thể nêu ngắn gọn ưu điểm của việc tích hợp là tránh được chồng chéo, trùng lặp về nội dung kiến thức, đặt nội dung của các môn học trong một môn sẽ có tác dụng bổ sung, hỗ trợ và làm sáng tỏ cho nhau khi cùng hướng đến một mục tiêu chung.
Tích hợp cũng tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh có nhiều cơ hội vận dụng tổng hợp các nội dung GD theo tinh thần tích hợp nhằm nâng cao hiệu quả GD.
Ngoài ra, việc tích hợp các nội dung của ba môn (cũ) trong một môn học (mới) buộc việc lựa chọn nội dung của mỗi môn không thể ôm đồm, hàn lâm, không biến môn học thành một “khoa học thu nhỏ” của bậc đại học nhồi nhét kiến thức, gây quá tải cho học sinh. Tách riêng lịch sử ra để dạy sẽ khó bảo đảm được các ưu điểm và sức mạnh tổng hợp của dạy học tích hợp vừa nêu ở trên.
Hạn chế của việc tích hợp chủ yếu thuộc về trình độ của các nhà thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa. Nếu tích hợp không tốt sẽ chỉ là hình thức, không có tác dụng và không đạt được mục tiêu tích hợp.
Với hiện trạng của nhà trường VN, việc tích hợp cũng là một thách thức đối với trình độ giáo viên, nhất là những giáo viên có thói quen dạy môn học độc lập quá lâu.
* Hạn chế mà ông nói chính là băn khoăn của rất nhiều người vào những ngày qua. Vậy cách Bộ GD-ĐT “vượt khó” như thế nào?
- Khi đề xuất chương trình theo hướng tích hợp, ban soạn thảo không phải không nhìn thấy những khó khăn đó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đề xuất vì một số lẽ sau:
Tích hợp là một xu thế đúng cần phải cập nhật, phải hướng tới để hội nhập với quốc tế. Trước đây, chúng ta cũng đã thử xây dựng chương trình và định triển khai trong lần đổi mới GD năm 2000, nhưng không làm được vì lý do chưa chuẩn được đội ngũ giáo viên và chưa có kinh nghiệm biên soạn chương trình, sách giáo khoa tích hợp.
Nhưng 15 năm đã trôi qua, việc chuẩn bị cũng vẫn không có nhiều chuyển biến. Vì thế chúng ta không thể ngồi chờ đủ điều kiện mới làm mà phải bắt tay vào việc thì mới có động cơ để nâng dần chất lượng đội ngũ giáo viên và các điều kiện dạy học khác.
Không đợi đến lúc triển khai chương trình mới, những năm học gần đây, Bộ GD-ĐT đã chú trọng chỉ đạo các nhà trường phổ thông tiếp cận dần với hướng dạy học tích hợp liên môn, dạy học qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo, mở rộng không gian lớp học để môn học hấp dẫn, hiệu quả.
Cuộc thi thiết kế bài giảng theo chủ đề tích hợp liên môn đã nhận được sự hưởng ứng của hàng ngàn nhà giáo trên cả nước. Có nhiều sáng kiến của các thầy cô trực tiếp đứng lớp rất tốt đã mang lại niềm tin cho chúng tôi trong việc triển khai theo hướng đi này.
* Nhưng các nhà sử học cho rằng nên để môn lịch sử đứng độc lập, chỉ cần đổi mới nội dung, phương pháp dạy học là giải quyết được bất cập. Cách tích hợp như Bộ GD-ĐT đang làm là tùy tiện, làm mất tính hệ thống của môn học. Ý kiến của ông về việc này?
- Thực tế những năm qua, môn lịch sử là một môn học bắt buộc, độc lập nhưng học sinh vẫn thờ ơ, không thích học môn này và trước những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, chúng tôi cho rằng cần đổi mới dạy học lịch sử từ nhiều bình diện: chương trình, sách giáo khoa, cách dạy học và cách kiểm tra, đánh giá.
Tích hợp chỉ là một trong các yêu cầu đổi mới đó. Cấu trúc môn học thay đổi sẽ chi phối cách lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học. Khi môn lịch sử nằm trong cùng một môn học với địa lý, kinh tế, chính trị... thì việc lựa chọn nội dung dạy học lịch sử và cách dạy học các nội dung này không như khi lịch sử đứng độc lập, tách rời.
Hơn nữa, nếu chỉ có đổi mới nội dung và phương pháp thì lại thiếu đồng bộ, không phát huy được sức mạnh tổng hợp của các môn học theo hướng tích hợp như đã nêu ở trên.
* Trong những ngày qua, Tuổi Trẻ đã đăng tải nhiều ý kiến của các nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử và bạn đọc băn khoăn, lo lắng về tình trạng môn lịch sử kém hấp dẫn do chương trình, do cách dạy học, do áp lực thi cử khiến học sinh chán học. Ông có tự tin rằng tích hợp là hướng đi có thể giải quyết được những vấn đề này không?
- Đối với người biên soạn dự thảo chương trình, tất cả ý kiến ủng hộ hay phê phán đều có ích. Đó là một trong những căn cứ để chúng tôi tiếp tục suy nghĩ, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình. Tích hợp trong thiết kế chương trình chỉ là một trong những giải pháp.
Để môn học này hấp dẫn và có hiệu quả hơn cần phải đổi mới đồng bộ: chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Tất cả đều hướng tới mục tiêu và yêu cầu chung là phát triển năng lực, phẩm chất của người học.
Phương hướng tích hợp nên triển khai nhiều ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên. Theo tinh thần đó, môn lịch sử được tích hợp vào hai môn “Cuộc sống quanh ta” và “Tìm hiểu xã hội” ở cấp tiểu học là hoàn toàn đúng về phương diện khoa học và tâm lý học sinh. Nhưng đến cấp THCS và THPT mà môn lịch sử vẫn bị cắt xé, lấy một ít nội dung đem tích hợp với môn khác là không có cơ sở khoa học và trên thực tế là xóa bỏ môn lịch sử trong nền giáo dục phổ thông. [...] Dù Bộ GD-ĐT giải thích thế nào thì với chương trình mới, trên thực tế đã “khai tử”, đã “xóa bỏ” môn lịch sử. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận