Mô hình lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ của Trường tiểu học Bình Trị 1 (Q.Bình Tân, TP.HCM) tại hội thi "Tự hào sử Việt” 2013 |
Là một biên tập viên gắn với các chương trình tìm về những dấu ấn lịch sử, những câu chuyện của quá khứ, những con người một thời hy sinh vì tổ Quốc như Như chưa hề có cuộc chia ly, Trở về từ ký ức…., biên tập viên, nhà báo Thu Uyên có những chia sẻ về dự thảo tích hợp môn Lịch sử, Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn “Công dân với Tổ Quốc”.
Không thể chấp nhận được
Cái gọi là “tích hợp” môn lịch sử với môn giáo dục công dân và an ninh quốc phòng thành môn công dân với tổ quốc mà Bộ Giáo dục có ý định thay đổi trong chương trình giáo dục phổ thông là điều không thể chấp nhận được.
Dù được giải thích như thế nào thì thực chất đây cũng là ý đồ khai tử môn lịch sử - một môn học từ khi nước ta có chương trình giáo dục phổ thông dạy bằng tiếng Việt đến nay chưa có nhà cải cách giáo dục nào dám loại bỏ, dù chỉ trong ý nghĩ.
Lịch sử dân tộc Việt Nam không chỉ là lịch sử dựng nước và giữ nước, càng không chỉ là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, mặc dù việc khai phá đất đai và giữ gìn bờ cõi là vô cùng quan trọng của lịch sử dân tộc.
Lịch sử dân tộc sâu rộng hơn rất nhiều, nó là lịch sử của cả một nền văn minh (bao gồm dựng nước, giữ nước, các hoạt động sáng tạo, việc ăn ở ứng xử với thiên nhiên và ứng xử với nhau…), là những gì tạo nên truyền thống, bản sắc văn hóa và tâm hồn người Việt trong mối tương quan hài hòa với môi trường thiên nhiên mà người Việt chúng ta sinh sống.
Lịch sử đó được tiếp truyền theo ba “kênh” : từ gia đình, từ cộng đồng và từ giáo dục trong nhà trường.
Cả ba “kênh” đó không thể thiếu một kênh nào, trong đó vai trò của trường học phải được duy trì vĩnh viễn, chừng nào nòi giống chúng ta còn tồn tại và trường học còn tồn tại.
Ý thức công dân không bao quát được lịch sử, ý thức bảo vệ an ninh quốc phòng không bao quát được lịch sử.
Tôi thật sự thấy kinh ngạc khi biết Bộ Giáo dục có ý định đưa ra một ý định tích hợp như vậy.
Lãng quên lịch sử sẽ khiến cho tâm hồn chúng ta bị thui chột
Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng từ bỏ lịch sử là có tội với tổ tông, với những người đã ngã xuống vì bảo vệ đất nước này. Và cũng xin lần nữa nhắc lại, theo quan điểm của tôi, đó là một phần của lịch sử.
Từ bỏ lịch sử hay quên lãng lịch sử không chỉ có tội với tổ tông, với những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, không chỉ là thứ vong ân bội nghĩa mà còn khó có thể làm người. Bởi vì mỗi một con người sinh ra và lớn lên trên trái đất này đều có một nguồn cội.
Tổ tiên chúng ta ăn thứ gì, ở ra làm sao, thích nghi với thiên nhiên như thế nào để duy trì và phát triển nòi giống, những cái đó quy định màu da, màu mắt, đặc tính sinh học của cơ thể và định hình tính cách, tâm hồn của chúng ta. Vì sao ai trong chúng ta cũng thấy ngon miệng khi ăn những món đồng quê ?
Bởi vì đó là nhưng món ăn mà tổ tiên chúng ta từng ăn, ông bà cha mẹ chúng ta từng ăn, cơ thể của người Việt được cấu trúc để thích hợp với những món ăn đó. Lịch sử còn được hiểu một cách sâu xa như vậy nữa.
Lãng quên lịch sử sẽ khiến cho tâm hồn chúng ta bị thui chột.
Tôi cho rằng chính cách dạy lịch sử một cách không trọn vẹn đã gây nên tình trạng “vong thân” ngay trên chính Tổ quốc của mình. Lẽ ra, phải bổ khuyết, phải dành thời gian nhiều hơn cho Lịch sử (một cách trọn vẹn hơn), thì họ lại nghĩ ra việc tiêu diệt luôn môn Lịch sử.
Bỏ giáo điều thì dạy Sử mới sinh động
Môn lịch sử vốn không hề “khô cứng”. Nó khô cứng là do sách giáo khoa viết đơn điệu và người dạy không có cảm xúc.
Một thời, chúng ta chỉ chú ý đến lịch sử cách mạng, rồi chú trọng đến lịch sử chống ngoại xâm, trong khi lịch sử dân tộc sâu rộng hơn nhiều.
Ví dụ, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Hội An đã là một vùng tự do thương mại, điều đó chứng tỏ tư tưởng và thiết chết tự do thương mại ở Việt Nam có từ rất sớm, thậm chí sớm hơn cả phương Tây.
Hay như, khi Hồ Nguyên Trừng chế tạo súng đại bác thì ở phương Tây thậm chí vẫn chưa có ý tưởng về súng đại bác, còn Trung Quốc thì phải mời Hồ Nguyên Trừng sang làm thượng thư chuyên chế tạo vũ khí.
Hoặc, mỗi lần nước ta mang phẩm vật sang cống thiên triều Trung Quốc, thường Trung Quốc yêu cầu cống cả thầy thuốc, điều đó chứng tỏ thầy thuốc nước ta giỏi hơn thầy thuốc Trung Quốc.
Rất nhiều câu chuyện hấp dẫn trong lịch sử, nếu biết cách kể (trong sách và trong giảng dạy) thì sẽ biến môn sử thành môn học có sức thu hút.
Nếu bỏ giáo điều trong giảng dạy lịch sử thì lịch sử mới sinh động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận