Làm gì khi người lạ cho quà? Giữ khoảng cách thế nào để tránh bị bắt cóc?... là những điều cha mẹ nên lưu ý khi dạy con mình.
Dạy trẻ cảnh giác ở nơi công cộng
Bà Trần Thị Quế Chi - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo TP.HCM - lưu ý: "Cha mẹ phải chủ động dạy trẻ những kỹ năng về phòng, tránh bị bắt cóc để việc này trở thành kỹ năng sống của trẻ".
Theo bà Chi, để dạy trẻ những kỹ năng này, cha mẹ cần hiểu được thủ đoạn và đối tượng có thể trở thành kẻ bắt cóc trẻ em.
"Thủ đoạn chính của bọn bắt cóc trẻ em là lợi dụng tính ngây thơ và thích được cho quà, tặng quà của trẻ em.
Đối tượng bắt cóc trẻ em có thể là người lạ, cũng có thể là người thân, người quen. Mục đích bắt cóc trẻ em thường là tống tiền, bán cho người khác, bán ra nước ngoài...
Bọn bắt cóc có thể tiếp cận khi trẻ đang chơi tại siêu thị, khu vui chơi, công viên, trường học...", bà Chi nói.
Bà nhấn mạnh cha mẹ cần dạy trẻ những kiến thức như vậy và thường xuyên nhắc trẻ cảnh giác về việc có thể trở thành đối tượng cho bọn bắt cóc khi không có người thân bên cạnh, nhất là nơi công cộng.
8 điều cần ghi nhớ để không bị bắt cóc
Theo bà Chi, cần dạy trẻ 8 điều sau để có thể tự bảo vệ mình khi không có người lớn ở bên cạnh. Cụ thể:
1. Không bắt chuyện với người lạ.
2. Không được nhận quà từ người lạ, người khác nếu không có sự cho phép của người lớn.
3. Cần giữ khoảng cách an toàn với người lạ sao cho trong khoảng cách đó trẻ có thể bỏ chạy, la lên nhờ sự giúp đỡ từ người khác.
4. Không tự ý đi theo người khác khi không có sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ.
5. Khi ở nhà, trẻ không tự ý cho người lạ hoặc người khác vào nhà nếu không có ý kiến của người lớn trong gia đình.
6. Không tự ý nói chuyện, kết nối với người lạ qua mạng. Trẻ cần báo ngay với cha mẹ hoặc người giám hộ về việc người lạ chủ động kết nối với trẻ qua mạng.
7. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ xung quanh và hét lên khi cảm thấy nguy hiểm. Nếu mối nguy hiểm đang đe dọa, trẻ không thể hét lên, trẻ có thể tìm kiếm giúp đỡ bằng những cách khác như dùng ký hiệu, hành động có chủ ý để những người xung quanh phát hiện ra rằng trẻ đang bị mất an toàn.
8. Ghi nhớ tên, số điện thoại của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Kỹ năng thuần thục là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi kẻ bắt cóc
Bà Trần Thị Quế Chi nhận định nhiều vụ bắt cóc trẻ em cho thấy tầm quan trọng của việc dạy trẻ kỹ năng phòng tránh rủi ro bị bắt cóc. Trẻ có kỹ năng thuần thục chính là cách tốt nhất để bảo vệ an toàn cho trẻ khi trẻ tham gia các môi trường và cộng đồng xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận