02/08/2017 13:12 GMT+7

'Dạy chay' thì chỉ có 'người chay'

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Trong lớp của thầy Túc, học sinh không phải ghi chép nhiều mà được xem thầy làm thí nghiệm hoặc tự tay làm thí nghiệm. Để có tiền đầu tư cho các em không phải "học chay", thầy bán ôtô, bán bộ sưu tập của mình...

Thầy Mai Văn Túc hướng dẫn học sinh thực hành trên bộ thí nghiệm đệm không khí - Ảnh: P.CHINH
Thầy Mai Văn Túc hướng dẫn học sinh thực hành trên bộ thí nghiệm đệm không khí - Ảnh: P.CHINH

Không học để trở thành thầy giáo, nhưng ông đã làm thầy giáo chỉ vì muốn dạy con và những đứa trẻ cho đúng cách. Và từ một thầy giáo trường làng ở vùng quê nghèo, ông bước chân vào trường chuyên tại Hà Nội và là “thần tượng” của nhiều thế hệ học sinh chuyên lý.

Đó là thầy Mai Văn Túc - giáo viên Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, người sáng lập Trung tâm thí nghiệm vật lý Edison (Hà Nội).

Để tiếp tục có nguồn tài chính đầu tư cho trung tâm thí nghiệm thực hành vật lý với ước mơ giúp nhiều học sinh thoát khỏi tình trạng “dạy chay - học chay”, thầy Túc rao bán bộ sưu tập đồ xưa của mình với hàng ngàn hiện vật.

Câu chuyện này đã đưa Tuổi Trẻ đến gặp ông trong một đối thoại bắt đầu bằng nỗi trăn trở rất thực tế của nghề dạy học.

Học thì phải hành

* Ở Trung tâm thí nghiệm vật lý Edison, học trò say mê với việc tự làm thí nghiệm mà hầu hết đều là lần đầu được tiếp cận. Chắc là thầy thấy điều này?

- Trẻ em bây giờ được học thêm nhiều, sự học vất vả lại ít hiệu quả làm tôi nhớ nhiều đến tuổi thơ của tôi. Tôi luôn có thói quen học cái gì thì tìm cách thực hành luôn cái đó. Thế nên khi còn như các cô cậu bé đó, tôi đã tự làm nhiều thứ, cũng làm hỏng nhiều thứ khác.

* Một kỷ niệm đáng nhớ về “sáng chế” thời thơ ấu của thầy?

- Có lần tôi thấy chiếc xe đạp khi để ngửa lên quay vòng thì đèn phát sáng. Tôi nghĩ đến việc nối nó với radio và nghĩ có thể sử dụng điện từ xe đạp để nghe đài.

Nhưng nối xong không dùng được điện, tìm hiểu mới biết điện sử dụng cho radio là điện không đổi, còn điện làm sáng đèn là điện xoay chiều. Thế là lại phải đọc sách để tìm cách xử lý.

Dùng chỉnh lưu có thể đổi được điện xoay chiều thành một chiều. Nhưng do quay vòng xe đạp không đều, lúc nhanh thì điện mạnh, lúc chậm thì yếu, tiếng thì bị sôi, vì thế lại phải nghĩ cách đấu thêm với một ăcquy (đã hết điện từ lâu, không có điện lưới để nạp)... Cuối cùng cũng được nghe đài và cả làng cùng đến nghe chương trình sân khấu trên chiếc radio đó.

Tôi kể chuyện lặt vặt này để muốn nói: với kiến thức phổ thông, nếu học tốt, hiểu một cách bản chất và biết vận dụng, thực hành thì có thể giải quyết được vô số điều trong cuộc sống.

* Câu chuyện học đi đôi với hành còn tiếp tục theo thầy như thế nào?

- Tốt nghiệp khoa vật lý Trường ĐH Tổng hợp chuyên ngành vô tuyến điện, tôi không đi làm ở cơ quan nào mà tự làm ở ngoài. Hồi đó việc làm không hết, nhiều người mang đồ từ tỉnh khác lên nhờ tôi sửa.

Tôi cũng có ý thức sưu tầm đồ cũ từ đó. Bây giờ bộ sưu tầm có hơn 1.000 hiện vật, trở thành các cuốn giáo trình sống cho học sinh học về lịch sử các phát minh và khám phá của con người.

Một số bộ đài cũ được thầy Túc kỳ công sưu tầm bao năm qua để làm thiết bị giảng dạy - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Một số bộ đài cũ được thầy Túc kỳ công sưu tầm bao năm qua để làm thiết bị giảng dạy - Ảnh: PHƯƠNG CHINH


Hiểu, thay vì thuộc lòng định luật

* Có thể sống tốt bằng chuyên môn được học lại giúp đỡ được nhiều người, vì sao thầy gác lại tất cả để đứng trên bục giảng?

- Đó là năm con tôi bắt đầu học vật lý ở trường. Khi cháu về kể với tôi việc đã được dạy những gì, tôi giật mình, những hiểu biết của con về vật lý rất ngô nghê, không đúng bản chất. Tôi nghĩ đến chuyện đi dạy học, lý do ban đầu chỉ đơn giản là vì tôi muốn dạy con tôi đúng hướng.

Sau đó tôi được phụ trách dạy đội tuyển vật lý của trường và giúp 3 em được bồi dưỡng đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Trường tôi dạy là trường miền núi, ở huyện Nho Quan, Ninh Bình. Trước đó thì hiếm khi trường có một học sinh đoạt giải. Ba năm sau đó, trường liên tục đứng đầu cả tỉnh về giải học sinh giỏi vật lý.

* Thầy có thể nói vài điều về cách dạy của thầy không?

- Tôi không bắt học sinh học thuộc lòng một định luật nào đó để “cày” bài tập, mà yêu cầu học sinh hiểu bản chất định luật nói gì và ứng dụng giải quyết các bài tập, ứng dụng nó vào đâu trong cuộc sống. Trong lớp của tôi, học sinh không bắt buộc phải ghi chép quá nhiều.

Còn một điều quan trọng mà người thầy nên làm là dạy học sinh trên lớp cần có thí nghiệm biểu diễn. Thí nghiệm phải ra hồn thí nghiệm, chứ không chỉ tốn thời gian mà không khéo lại tác dụng ngược.

Nói cách khác: song song với việc giảng lý thuyết, người thầy nên trình diễn các thí nghiệm để học sinh quan sát trực quan, sau đó tự kết luận và tuyệt vời hơn nữa là có thí nghiệm thực hành để tự tay các em thực hiện sau khi đã hiểu lý thuyết. Cách dạy học như thế mới giúp học sinh hiểu được bản chất vật lý.

* Từ một thầy giáo trường miền núi, thầy lại được mời về dạy trường chuyên ở Hà Nội. Đây có phải cơ hội thứ hai trong nghề dạy học?

- Tôi đến trường chuyên thoạt đầu chỉ với tư cách là một phụ huynh đưa con lên nhập học. Khi làm thủ tục cho con, tôi tình cờ trò chuyện với thầy trưởng khối chuyên lý. Thầy chia sẻ về việc trường đang thiếu giáo viên biết về thực hành, thí nghiệm.

Tôi đề nghị được làm thử ngay tại phòng thí nghiệm của trường và đã thành công. Tôi được mời về dạy chuyên từ đó và duy trì cách dạy học của tôi tới bây giờ.

Ước mơ không còn “dạy chay”

* Thầy đã bán ôtô, rồi đang rao bán bộ sưu tập kỳ công mới có được từ mấy chục năm qua. Xây phòng thí nghiệm phải là giấc mơ lớn của thầy?

- Từ kinh nghiệm dạy học và thực trạng còn nhiều bất cập hiện nay, tôi suy nghĩ nhiều đến việc làm điều gì đó để có tác động thay đổi việc “dạy chay” trong các trường. Bởi suy cho cùng, “dạy chay” rồi sẽ tạo ra những “người chay” mà thôi.

Xây dựng một phòng thí nghiệm (từ lớp 6 đến lớp 12), chưa tính chi phí cho vận hành, sửa chữa đã phải đầu tư 1-2 tỉ đồng, tùy chất lượng thiết bị. Mới đầu không có ai tài trợ, mà chỉ có tôi và một thầy cùng bộ môn đầu tư. Sau đó được rất nhiều thầy cô, cả phụ huynh ủng hộ về tinh thần và công sức.

* Thành quả của sự đầu tư đó như thế nào, thưa thầy?

- Trung tâm thí nghiệm vật lý của chúng tôi hiện đã mở được 5 phòng thí nghiệm và hoạt động được 1 năm. Ở đây có thể thực hiện được tất cả các bài thí nghiệm cơ bản ở bậc phổ thông, các bài thí nghiệm nâng cao cho học sinh năng khiếu, đội tuyển học sinh giỏi các cấp và các thí nghiệm nghiên cứu khoa học.

Tuy mới hoạt động 1 năm nhưng trung tâm cũng góp phần tập huấn về thực hành, thí nghiệm cho học sinh tham dự các kỳ thi vật lý quốc tế, khu vực, quốc gia, hỗ trợ nhiều cuộc thi sáng tạo khoa học đoạt giải cao trong - ngoài nước... Cái quý nhất là khi trung tâm mở ra, tôi có cơ hội mời được nhiều thầy giỏi và tâm huyết cùng chung tay.

* Nếu bộ sưu tầm của thầy bán được, thầy sẽ tiếp tục đầu tư như thế nào?

- Tôi muốn mở rộng hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm này ở các nơi khác chứ không chỉ Hà Nội, vì tôi muốn có nhiều học sinh được học theo phương pháp mà tôi theo đuổi lâu nay.

Ngại phòng thí nghiệm “trang sức”

* Thầy thấy phần lớn phòng thí nghiệm ở trường học hiện nay như thế nào?

- Tôi đi nhiều nơi, tham quan các phòng thí nghiệm của nhiều trường. Có một thực trạng rất đau xót là ở nhiều trường, phòng thí nghiệm chỉ để đối phó với đoàn kiểm tra, làm thứ “trang sức”.

Phần lớn giáo viên rất tâm huyết nhưng không được học về thực hành thí nghiệm ngay ở trường sư phạm nên không thành thạo, sợ làm sai, ngại dạy thực hành và cũng không bị bắt buộc phải dạy thực hành.

Và điều quan trọng nữa là các bộ thí nghiệm được cấp hầu hết chất lượng rất tồi, chưa sử dụng đã hỏng và kết quả sai lệch quá nhiều.

Ông TRƯƠNG ANH TUẤN (nguyên chuyên viên về thiết bị giáo dục của Bộ GD-ĐT): Đầu tư thiết bị lãng phí

"Tôi từng biết Nhà nước phải đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng vào việc mua sắm thiết bị thực hành, thí nghiệm. Với hiểu biết của mình, chỉ nhìn vào chính các sản phẩm đó thì tôi có thể thấy lãng phí đến 50% số tiền đầu tư bởi các trường hoặc không dùng, hoặc dùng không hiệu quả cho việc dạy học.

Vì thế, tôi quý tâm huyết của những người như thầy Mai Văn Túc và nhận hỗ trợ Trung tâm thí nghiệm vật lý Edison trong việc xây dựng các bài thí nghiệm ít tốn kém nhất, dễ thực hiện cho cả giáo viên và học sinh".

ĐỖ ĐOÀN PHÚC (tốt nghiệp cử nhân tài năng ngành vật lý, ĐH Khoa học tự nhiên ĐHQG Hà Nội): Thực sự có ý nghĩa

"Tốt nghiệp cử nhân tài năng ngành vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên ĐHQG Hà Nội, tôi quyết định làm việc tại trung tâm thí nghiệm vật lý của thầy Mai Văn Túc vì thầy là người có tâm huyết và tầm nhìn xa.

Thời đi học phổ thông, tôi ít được học thực hành, thí nghiệm nên có nhiều bài tôi tưởng là hiểu, nhưng chỉ khi được làm thí nghiệm mới biết tôi từng hiểu sai hoặc hiểu chưa đúng bản chất.

Cách dạy học từ thực hành để học sinh được quan sát thí nghiệm, tự làm thí nghiệm thì học sinh sẽ hiểu bài nhanh, ghi nhớ lâu hơn. Từ trải nghiệm của chính mình mà tôi thấy hướng đi của thầy Mai Văn Túc thực sự có ý nghĩa".

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên