12/05/2011 04:43 GMT+7

Đầu tư xanh sẽ lãi lớn

DUY PHÚC  (Theo BBC)
DUY PHÚC  (Theo BBC)

TT - Công nghệ xanh ngày càng thích ứng với một thế giới khan hiếm tài nguyên thiên nhiên. Ở châu Á, công nghệ này đang phát triển nhanh và thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư do lợi nhuận lớn mang lại.

rDzwulrN.jpgPhóng to
Một công nhân làm việc trong dây chuyền lắp ráp ôtô điện của Hãng Nissan, Nhật Bản - Ảnh: Reuters

Theo nhận định của bà Johanna Klein - nhà đầu tư thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á, có ba yếu tố thúc đẩy sự phát triển công nghệ xanh ở châu Á: an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, và quan trọng hơn hết là nhu cầu phát triển nhiều ngành công nghiệp mới để tạo công ăn việc làm, đem lại phúc lợi về môi trường cho người dân.

Lợi nhuận cao

Theo bà Klein, thị trường công nghệ xanh hiện đạt mức 500 tỉ USD, trong đó châu Á chiếm 100 tỉ USD. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Vivek Tandon - người đồng sáng lập Aloe Private Equity, một tổ chức đầu tư chuyên về năng lượng sạch ở châu Á, tỉ suất lợi nhuận từ đầu tư công nghệ xanh ở châu Á lại cao hơn: ở châu Á 22-26%, trong khi ở châu Âu chỉ 8-9%.

Do vậy, không có gì lạ khi quỹ đầu tư của ông Tandon đang “bỏ trứng vào nhiều giỏ” ở châu Á và một trong những dự án thành công nhất của ông là Công ty Polygenta ở Nashik (Ấn Độ) chuyên xử lý tái chế chai nhựa đã sử dụng thành sợi polyester. Công ty này sử dụng công nghệ sạch có tên Renew thay vì dùng nhiều thành phần hóa dầu như cách sản xuất sợi nhựa lâu nay. Polygenta hiện đóng góp 6% nguồn cung polyester trên thế giới.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 17 quỹ đầu tư có giá trị 1 tỉ USD vào công nghệ môi trường ở khu vực châu Á. “Đây là một khoảng cách lớn giữa cung và cầu” - theo nhận định của bà Klein. Nhưng khoảng cách này sẽ sớm chấm dứt.

Thật ra cuộc đua đầu tư vào phát triển công nghệ xanh ở châu Á mới chỉ bắt đầu từ năm 2009 sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa các lãnh đạo Nhật - Trung - Hàn về những cách thức huy động các nguồn lực cũng như kiến thức chuyên môn để phát triển và thương mại hóa công nghệ xanh.

Thế nhưng, Nhật hiện đã đi trước Mỹ trong công nghệ sản xuất xe lai (chạy kết hợp cả bằng xăng dầu và điện ăcquy), trong khi Trung Quốc đang nổi lên như một nhà sản xuất hàng đầu về ô tô điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Hàn Quốc cũng tạo được bước đột phá trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật thân thiện với môi trường khi chính quyền Seoul đưa ra gói kích thích kinh tế lên đến 31 tỉ USD vào cuối năm 2009 để tài trợ cho các đề án nghiên cứu 27 công nghệ xanh, trong đó có điện thoại di động chạy bằng năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học, chương trình thu giữ và xử lý khí cacbon.

“Điều đó cho thấy châu Á đã thật sự quan tâm đến môi trường và phát triển công nghệ xanh” - ông Tandon đánh giá. Tuy nhiên, ông cho biết để việc đầu tư công nghệ xanh hiệu quả và thành công, cần phải có “một bước chuyển tiếp từ xuất khẩu sản phẩm trí tuệ sang chuyển giao công nghệ” và ngoài các nguồn đầu tư của chính phủ cần phải có các quỹ đầu tư tư nhân để giúp các doanh nghiệp nhận thức được rằng đầu tư vào công nghệ xanh thật sự thu được lợi nhuận và bảo vệ môi trường.

Xu hướng đã rõ

Công nghệ xanh phù hợp với quan niệm phát triển bền vững chỉ mới được khởi xướng gần đây. Giai đoạn 2002-2005, những khoản đầu tư vào công nghệ xanh ở châu Á còn rất nhỏ lẻ, nhưng theo bà Klein, nó sẽ bùng nổ trong 2-3 năm tới khi các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng lợi nhuận tài chính mà các dự án công nghệ xanh mang lại là rất lớn.

Greenko và Longmen, thuộc Aloe Private Equity, hiện đang làm chủ và vận hành nhiều nhà máy sản xuất năng lượng từ rác thải nông nghiệp ở Ấn Độ. Nhiều dự án công nghệ xanh ở Ấn Độ được nhập khẩu từ những quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn. Tiến trình nhập khẩu - ứng dụng vào thị trường nội địa chính là chìa khóa thành công, theo nhận định của ông Tandon. Ông cũng chỉ ra rằng sự phối hợp tốt với đối tác nội địa, tôn trọng vai trò của nhau là chìa khóa thành công để phát triển công nghệ xanh ở châu Á.

Việc đầu tư cho công nghệ cũng là yếu tố then chốt cho sự thành công của các doanh nghiệp xanh tại châu Á. Theo nhận định của tiến sĩ Eric Wang - thành viên ban quản lý Grand River Capital, một tổ chức điều hành quỹ đầu tư công nghệ xanh ở Trung Quốc, những doanh nghiệp xanh châu Á đang phát triển mạnh nhờ ứng dụng những công nghệ hiện đại hoặc những công nghệ được nhập khẩu vào thị trường nội địa.

Cũng cần phải nói châu Á hiện là một trong những nơi bùng nổ về phát minh công nghệ nên cơ hội đầu tư càng cao. Chẳng hạn công nghệ cảm ứng dùng trên iPad và iPhone có xuất xứ từ Đài Loan. Công nghệ đèn LED dùng trong mọi máy laptop cũng thế.

DUY PHÚC  (Theo BBC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên