04/11/2013 11:05 GMT+7

Đầu tư lãng phí, nhưng chưa ai bị xử lý

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Lãng phí gây hậu quả không thua gì tham nhũng; đầu tư lãng phí, thua lỗ, hậu quả rất rõ nhưng chưa thấy ai bị xử lý trách nhiệm là những vấn đề các đại biểu đã nêu trong buổi thảo luận về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sáng 4-11.

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Dự kiến, dự luật sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự luật là quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người có thẩm quyền nhưng không xử lý hành vi vi phạm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

I24tu9Xg.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy: “Đầu tư lãng phí, thua lỗ, hậu quả rất rõ nhưng chưa thấy ai bị xử lý trách nhiệm. Ở nước ta, quyết định thì do cá nhân nhưng khi ban hành thì hình thức là tập thể, cho nên khi xảy ra không ai chịu trách nhiệm” - Ảnh: Việt Dũng

“Khắc phục tình trạng có sai phạm mà không xử lý”

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết dự luật đã “Quy định cụ thể trách nhiệm trực tiếp, liên đới trong từng trường hợp vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trách nhiệm trong công khai, xử lý thông tin phát hiện lãng phí, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo thẩm quyền”.

“Đặc biệt, đã bổ sung vào Dự thảo luật trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền không xử lý các hành vi vi phạm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để bảo đảm tính khả thi cũng như tính nghiêm minh của pháp luật, khắc phục tình trạng có sai phạm mà không bị xử lý” - ông Hiển nói.

Cụ thể, dự luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định của Luật để xảy ra lãng phí gồm: trách nhiệm của người trực tiếp gây lãng phí; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không trực tiếp vi phạm nhưng để xảy ra lãng phí trong đơn vị, để xảy ra lãng phí của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ hoặc không xử lý hành vi lãng phí theo thẩm quyền; trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp không xử lý hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền.

Dự thảo luật cũng đã quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành đối với công trình quan trọng quốc gia. Đối với các công trình của địa phương, do điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi thời kỳ khác nhau, nếu quy định cứng trong Luật sẽ khó khăn trong thực hiện, do đó giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và yêu cầu chống lãng phí.

Tuy vậy, bình luận về quy định trong dự luật, đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cho rằng “vẫn chung chung, mang tính khẩu hiệu”. Ông đề nghị: “Cần phải quy định người để xảy ra lãng phí thì phải bồi thường, bị cách chức. Người có thẩm quyền xử lý lãng phí mà không xử lý thì cũng phải chịu trách nhiệm cụ thể”.

Quyết định đầu tư sai: lãng phí ngàn tỷ

“Việc ban hành chính sách không phù hợp, quyết định không chính xác có thể gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là một quyết định ban hành chính sách, sử dụng ngân sách nhà nước sai thì đã gây hậu quả từ ngay khi mới ban hành, vậy sẽ xử lý trách nhiệm thế nào” - đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề.

Bà Thúy dẫn chứng từ hàng loạt chuyện quy hoạch, cấp phép đầu tư như mía đường, xi măng lò đứng, sân bay, cảng biển… “Đầu tư lãng phí, thua lỗ, hậu quả rất rõ nhưng chưa thấy ai bị xử lý trách nhiệm. Ở nước ta, quyết định thì do cá nhân nhưng khi ban hành thì hình thức là tập thể, cho nên khi xảy ra không ai chịu trách nhiệm” - bà Thúy nhấn mạnh.

Bà cũng cho rằng lãng phí gây hại không thua kém tham nhũng: Hãy so sánh một người tham nhũng một tỷ đồng và người ra quyết định gây lãng phí 50-70 tỷ đồng thì ai gây hại hơn? Tôi đề nghị quy định rõ trong luật trách nhiệm của người ban hành chính sách gây lãng phí và xử lý trách nhiệm với người ban hành chính sách gây lãng phí. Ví dụ, quy hoạch yếu kém dẫn đến việc phải loại bỏ hơn 400 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch thì ai chịu trách nhiệm?.

Đồng tình với bà Thúy, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị: “Quy định trách nhiệm về sự phối hợp của các bộ, ngành để chống lãng phí. Tôi lấy ví dụ như việc làm đường, rồi lại đào bới đường, vỉa hè để làm các công trình ngầm rất lãng phí nhưng không ai chịu trách nhiệm”.

Bà Minh nói thêm: “Phải quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc ra quyết định đầu tư gây lãng phí, đầu tư thiếu căn cứ khoa học, không tuân thủ quy hoạch. Vừa qua thể hiện rất rõ, đầu tư dàn trải, nhiều công trình dở dang phơi mưa phơi nắng, nhiều dự án bất động sản rất lãng phí”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên