Ông Cầm Dung và vợ - Ảnh tư liệu gia đình |
Ông đã từng được xuống Hà Nội học nên rất thông thạo tiếng Pháp và đặc biệt có uy tín với cộng đồng dân cư người Thái ở Mai Sơn.
Vụ đầu độc chấn động
Dù học Pháp và kế tập chức vụ bố chánh do người Pháp phong nhưng ông lại mang tư tưởng chống Pháp. Ông cũng không ưa công sứ Sơn La Saint - Poulot. Bởi vậy, Cầm Dung được cho là đã đầu độc người công sứ này và bị bắt.
Sự kiện này được ông Vì Văn Vần (92 tuổi, bản Ban, xã Chiềng Mai) kể rằng: “Ông Cầm Dung vốn là một người văn võ toàn tài. Ông không chỉ giỏi tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Thái mà còn giỏi võ và rất đẹp trai, thường xuyên làm thơ nên rất nhiều người ngưỡng mộ như thần tượng. Chuyện ông với bà vợ viên công sứ có tình ý gì với nhau hay không thì tôi không biết, nhưng khi xảy ra vụ đầu độc thì người Pháp cho bắt ông Cầm Dung và nói rằng do ông ấy muốn sống với vợ ông công sứ”.
Nhưng theo ông Vần, điều này là vô lý bởi vợ ông công sứ rất xấu, da đen và thấp, bà ấy lại không phải người dân tộc Thái nên rất khó có chuyện ông Dung mê bà ấy mà xui bà ấy đầu độc chồng. “Có thể đó là cái cớ người Pháp bám vào để lý giải cho việc ông Dung đầu độc Saint - Poulot” - ông Vần nói.
Còn theo tờ Hà Thành Ngọ Báo số ra ngày 23 và 25-6-1935, ngày mở phiên tòa đại hình xét xử ba bị cáo về tội đầu độc thì có bà vợ của viên công sứ.
Theo đó, cáo trạng cáo buộc Cầm Văn Dung có tình ý với vợ công sứ. Người vợ này bỏ thuốc độc hạ thủ chồng thông qua một thầy phù thủy để được chung sống với Cầm Văn Dung. Bài báo mô tả ngoài ông Dung và bà vợ viên công sứ tên Lù Thị Cam, còn một người nữa là thầy cúng đã thông đồng với nhau giết người.
Tuy nhiên, tại tòa thì bà Lù Thị Cam, Cầm Văn Dung và người thầy pháp tên Liêu Thế Hữu cho rằng người thầy pháp này chỉ giúp bà Cam làm bùa yêu vì chồng bà ít yêu bà. Thậm chí nồi xúp do Lù Thị Cam nấu cho chồng ăn có người khác ăn cùng nhưng không ai chết. Bởi vậy cả bà Cam, Cầm Văn Dung và Liêu Thế Hữu đều kêu oan.
Tại tòa, luật sư biện hộ cho ông Dung cho rằng ông Dung không giết người vì tình, và cũng không có bằng chứng nào chứng tỏ ông Dung và bà Lù Thị Cam có quan hệ ái tình.
Luật sư cũng cho rằng không đủ cơ sở để buộc tội ông Dung bởi quá trình điều tra không tìm thấy chứng cứ nào chứng tỏ ông Dung có quan hệ với người phụ nữ kia.
Hà Thành Ngọ Báo mô tả rằng khi ra hầu tòa ông Dung vẫn đi giày Tây và tóc chải mượt. Trong số những người đến dự tòa có nhiều người là bạn bè mà ông đã học cùng, cũng có nhiều người đã và đang giữ những chức quan tại nhiều địa phương khác nhau.
Cuối cùng, sau hai ngày xét xử, Tòa đại hình của Pháp tại Hà Nội đã tuyên Cầm Văn Dung mức án tử hình và liên đới bồi thường cho con gái viên công sứ. Ông Dung không chấp nhận mức án này và kháng án, cuối cùng Tòa Đông Dương xử ông mức án chung thân và giam tại Hỏa Lò (Hà Nội).
Đây lại là bước ngoặt mới trong sự nghiệp chính trị của ông Dung. Chính nhà tù này đã đẩy ông Dung sang phía những người tù chính trị, và ông được giác ngộ cách mạng trong nhà giam.
Ông Vì Văn Vần, người kể chuyện dòng họ Cầm ở Mai Sơn - Ảnh: Hoàng Điệp |
Trở thành người của cách mạng
Về việc Cầm Văn Dung trở thành người của cách mạng, một tài liệu có trong Viện Viễn Đông Bác cổ ghi rằng: “Các sử gia VN đánh giá rằng chính bằng việc bắt giữ Cầm Văn Dung mà người Pháp đã tặng cho đối thủ cộng sản của họ một đồng minh đáng giá. Khi bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, nhà quý tộc người Thái đã có quan hệ thân hữu với những nhà cách mạng VN. Danh tiếng của ông tại địa phương là một thế mạnh không thể phủ nhận đảm bảo cho sự xâm nhập của những quan điểm mới vào một miền quê vốn rất bảo thủ”.
Còn theo ông Cầm Trọng - một nhà nghiên cứu về người Thái ở Tây Bắc, trong những năm 1950 đã lan truyền câu ngạn ngữ nói rằng “giữa người Việt và người Pháp, ai có được Cầm Văn Dung thì tất sẽ có một thắng lợi được bảo đảm”.
Nhận định trên không sai và trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò, ông Cầm Văn Dung đã được giác ngộ cách mạng bởi chính những người tù chính trị. Và ông chính là người tù thường phạm tạo ra cuộc vượt ngục “thăng thiên độn thổ” ở Hỏa Lò năm 1945.
Là một người có uy tín trong cộng đồng người Thái, ông Dung trở về Sơn La khi Nhật đã đảo chính Pháp ở Hà Nội và ông đã gây dựng cơ sở cách mạng tại đây, rất được nhân dân ủng hộ.
Điều này được PGS.TS Hoàng Lương (người Thái, nguyên giảng viên Trường đại học KHXH&NV Hà Nội) xác nhận: “Người Thái ở Tây Bắc VN có rất nhiều dòng họ quý tộc, là những dòng họ được vua chúa sắc phong các chức quan cai quản một vùng Thái, được người dân trong vùng kính nể, được thế tập từ đời này sang đời khác. Dòng họ Cầm ở Mường Mụa là một dòng họ quý tộc. Ông Cầm Dung là một người rất có uy tín trong cộng đồng người Thái lúc bấy giờ”.
Do có uy tín và sức ảnh hưởng lớn như vậy, ông Cầm Dung đã được cách mạng cảm hóa, trở thành một quý tộc cách mạng, có nhiều đóng góp trong việc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn La.
Sau khi phá ngục cùng với những người tù chính trị, ông Dung trở về nhà ở bản Ban. Tuy nhiên, khi ông bị bắt vì tội đầu độc viên công sứ Sơn La thì người nhà ông cũng bị liên lụy rất nhiều. Dù giàu có tiền bạc đầy nhà nhưng hơn 10 năm ông Dung ở tù năm nào vợ ông và các chị em gái cũng xuống thăm, và lần thăm nào cũng phải đút lót tiền cho những viên cai ngục.
Chính bởi vậy số bạc trong nhà cạn kiệt. Từ vườn thú hàng trăm loài được nuôi, từ nguồn lợi thu được từ ruộng đất mênh mông cũng như của cải tích cóp bao đời bởi vậy mà bị giảm sút. Tuy nhiên, đối với cộng đồng người Thái ở Mai Sơn thì ông Dung lại càng tăng thêm uy tín vì họ vốn không thích người Pháp hiện diện trên mảnh đất của họ.
Ông Vì Văn Vần kể rằng khi ông Dung được trở về, rất nhiều người dân đã vui mừng khôn xiết. Thậm chí có nhiều người nghe tin ông Dung vượt ngục đã đi đón ông từ rất xa.
“Bố tôi là người đã khuyên người dân ở đây đi theo và giúp đỡ cách mạng, và gần như 100% người dân đều đã đi theo ông. Sau này, trong những chuyến tản cư đi các vùng, họ cũng nghe lời ông mà bỏ ruộng vườn ở nhà để lui xuống nơi khác tránh hòn tên mũi đạn trong cuộc kháng chiến chống Pháp” - ông Cầm Văn Sơ, con trai ông Dung, kể tiếp.
Và chức vụ đầu tiên mà cách mạng giao cho ông Dung là chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Sơn La.
______
Kỳ tới: Người tù thường phạm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận