David Rocco hướng dẫn làm món cơm Risotto vào chiều 11-6 tại Vinpearl Luxury Landmark 81 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đến bây giờ, tôi vẫn không coi nấu ăn là một công việc. Nấu ăn là cuộc sống và mỗi ngày tôi đều tận hưởng.
Trước khi chủ trì bữa tiệc thượng lưu "Dolce Vita giữa tầng mây", David Rocco đã dành cả buổi chiều cùng ngày để thực hiện và thết đãi báo giới món cơm đặc sản Risotto của Ý.
Với buổi tiệc "Dolce Vita giữa tầng mây", bên cạnh những món ăn rất đặc trưng của Ý, phở - món ăn được ví như "quốc hồn quốc túy" của Việt Nam - đã được David Rocco "làm mới" theo cách riêng qua sự hỗ trợ của bếp trưởng Vinpearl Luxury Landmark 81 và "nghệ nhân phở" Nguyễn Trọng Thìn.
Thân thiện, hoạt ngôn và vui tính không khác gì hình ảnh thường thấy của ông trong sô David Rocco's Dolce Vita, David đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện riêng với những "bật mí" về công việc "vạn người mê" của ông.
Giới thiệu hình ảnh một VN của thời đại mới
* Vì sao ông lại chọn Việt Nam trong hành trình của mình?
- Từ khi sô David Rocco's Dolce Vita lên sóng vào năm 2010, chúng tôi đã có được một mạng lưới giới thiệu những điểm đến thú vị với những phong cách ẩm thực đặc sắc, cần phải có mặt để khám phá và thử nghiệm.
David Rocco's Dolce Vita mùa sau sẽ có chủ đề về Đông Nam Á nên chúng tôi không thể không tìm đến đây. Việt Nam nổi danh về "ẩm thực xanh" với những cách chế biến thức ăn tinh tế, có lợi cho sức khỏe.
Tôi biết vẫn còn một bộ phận nhầm tưởng rằng Việt Nam là một nước mới đi qua chiến tranh nên thông qua chương trình, tôi muốn người xem sẽ biết tới nhiều hơn hình ảnh một Việt Nam của thời đại mới ra sao, con người Việt Nam thân thiện và hiếu khách thế nào, ẩm thực tại Việt Nam tươi ngon và tinh tế như thế nào.
* Hơn 10 ngày ở đây chỉ để quay hai tập cho Dolce Đông Nam Á, ông giới thiệu những món ăn gì?
- Phở và rất nhiều món ăn đường phố. Tôi lấy làm thích thú với nhiều món ăn đường phố của Việt Nam, món nào cũng thanh mát, nhiều rau xanh và "khỏe mạnh".
Format của David Rocco's Dolce Vita giờ đây không chỉ là một sô hướng dẫn nấu ăn theo kiểu muốn nấu món này bạn phải chuẩn bị những gì, nêm nếm ra sao... mà còn giới thiệu nét văn hóa đặc trưng, con người của từng điểm đến.
Ẩm thực kết nối con người
* Để giới thiệu món phở, ông đã ăn rất nhiều phở trong suốt khoảng thời gian lưu trú tại TP.HCM. Vậy phở của ông sẽ khác với những tô phở ông đã ăn ra sao?
- Hơn 10 ngày ở đây, tôi ăn phở mỗi ngày ngay trong khách sạn. Rồi tôi ra ngoài và có thể ngẫu hứng ăn ở bất kỳ tiệm phở nào trên đường, nên có ngày tôi ăn đến hai, ba tô phở.
Phở tôi nấu, dĩ nhiên sẽ không được như các cô, các dì hay anh chị có kinh nghiệm 60, 70 năm nấu phở tại Việt Nam. Tôi có thể dùng một ít gia vị của Việt Nam và nêm nếm theo cách của tôi. Tôi tin rằng một trong những lý do khiến con người vui vẻ, gần gũi và thân thiết với nhau hơn trong các bữa ăn thời nay là vì tính giao thoa trong ẩm thực.
Ở những quốc gia có đông người nhập cư thì điều gì khiến họ cảm thấy đỡ lạc lõng hơn? Tôi nghĩ đó là nhờ ẩm thực. Những món ăn khiến người ta đỡ nhớ hương vị quê nhà và cảm thấy tự hào về nguồn gốc của mình. Một món ăn không nhất thiết chỉ được thực hiện với một công thức. Bạn có thể thử nghiệm ở nhiều công thức khác nhau để có được những kết quả tuyệt vời.
* Thật ngạc nhiên khi biết rằng ông học ngành kinh tế nhưng lại trở thành một đầu bếp, một chuyên gia ẩm thực. Có lý do gì đặc biệt không?
- Khi tôi mới bắt đầu công việc này, mẹ tôi thi thoảng vẫn phàn nàn rằng thật tốn tiền để nuôi tôi học đại học mà giờ đây tôi lại đứng nấu ăn.
Nhưng thật ra, mẹ cũng là người truyền cho tôi cảm hứng nấu ăn. Và những người bạn tôi đã gặp trong hành trình tuổi trẻ của mình lại truyền cho tôi cảm hứng đó nhiều hơn nữa, thông qua những cuộc gặp gỡ, nấu nướng.
Đến bây giờ, tôi vẫn không coi nấu ăn là một công việc. Nấu ăn là cuộc sống và mỗi ngày tôi đều tận hưởng.
* Nói vậy là ông không cảm thấy có gì bất tiện với công việc rày đây mai đó suốt, không có chút áp lực nào?
- Một năm tôi có từ 22 đến 23 tuần "lang bạt" trên khắp thế giới. Mỗi khi quay hình, chúng tôi làm việc từ 13 đến 14 tiếng mỗi ngày. Một tập phát sóng trung bình quay trong 4 ngày.
Dựng nháp phải tốn 8 ngày cho một tập và mất gần một năm để làm hậu kỳ cho một mùa phát sóng. Nghe qua bạn sẽ thấy rất khó để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ít nhiều áp lực đúng không?
Nhưng rất may là dù đi đến đâu, tôi chỉ bị "say" múi giờ khoảng nửa ngày thôi là lại tràn đầy năng lượng làm việc. Tôi cũng thường mang cả vợ con "phiêu lưu" với mình, vì vậy tôi không có cảm giác trống trải hay cô đơn khi làm việc xa nhà.
Tôi có hai con gái sinh đôi 11 tuổi và con trai 7 tuổi. Vợ và các con là những người đồng hành với tôi trên con đường tìm hiểu văn hóa, là những người chứng kiến đầu tiên các món ăn tôi chế biến... Tôi nghĩ mình rất may mắn và tôi thật sự yêu cuộc sống của mình.
"Chủ xị" chương trình ẩm thực phát sóng tại 150 nước
David Rocco là một trong những đầu bếp người Canada gốc Ý nổi tiếng nhất thế giới. Ông được biết đến nhiều nhất trong vai trò chủ xị của chương trình ẩm thực David Rocco’s Dolce Vita, phát sóng tại hơn 150 nước, thu hút hàng triệu người xem mỗi ngày.
Ngoài ra, David Rocco còn là tác giả của các cuốn sách nấu ăn bán chạy nhất tại nhiều quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận