Văn Cao và Trịnh Công Sơn, cuộc gặp năm 1993 tại nhà của Trịnh ở TP.HCM - Ảnh: DƯƠNG MINH LONG
Sau ngày thống nhất, Trịnh Công Sơn đã ra Hà Nội gặp Văn Cao, gặp mùa thu và "thầm hỏi tôi đang nhớ ai". Xin đăng bài viết của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, để khép lại thiên ký sự về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Thầm hỏi tôi đang nhớ ai
Trong nhiều người bạn vong niên của Văn Cao, Trịnh Công Sơn luôn có một vị trí rất đặc biệt. Văn Cao từng viết: "Tôi gọi Sơn là người hát thơ". Ông gọi bằng cả tình thân, có khi còn hơn ruột thịt. Có một mối liên hệ ngẫu nhiên giữa hai người rất thú vị mà không dễ ai nhận ra.
Năm 1939, khi Văn Cao viết bài hát đầu tiên vào tuổi 16 mang tên Buồn tàn thu, cũng là năm Trịnh Công Sơn ra đời. Năm 1958, khi Văn Cao dừng viết bài hát bởi chìm vào những năm tháng đau khổ và hi vọng, lại là năm đầu tiên Trịnh Công Sơn ấn hành bài hát đầu tiên - bài Ướt mi ở Nhà xuất bản An Phú - Sài Gòn và Thanh Thúy hát.
Suốt 30 năm, khi âm nhạc của Văn Cao im lặng ở miền Bắc thì ở miền Nam, "men nhạc Trịnh Công Sơn" chảy tràn đêm khuya qua giọng hát liêu trai của "nữ hoàng chân đất" Khánh Ly.
Ngay cả đến sau ngày thống nhất, khi những bài hát thời chiến của miền Bắc loang rộng ở miền Nam, thì nhạc Trịnh cứ lặng lẽ, tự nhiên thẩm thấu vào từng căn nhà miền Bắc mà chủ yếu là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng...
Mùa thu 1983, năm Văn Cao kỷ niệm 60 năm ngày sinh (15-11-1923 - 15-11-1983) thì không những Văn Cao trở lại vị trí ủy viên ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ 3 (1983 - 1989) mà trong lễ sinh nhật lần đầu tiên trong hơn 1/4 thế kỷ, những Thiên thai, Trương Chi, Suối mơ, Bến xuân... mới được hát lại tại phòng hòa nhạc của khu nhà các hội văn học nghệ thuật và Ủy ban Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam số 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Cũng rất ngẫu nhiên, năm ấy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được mời ra dự đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam và chứng kiến khoảnh khắc phục sinh này. Đấy là một mùa thu lịch sử dành cho tình bạn vong niên bình dị giữa hai tài năng âm nhạc.
Những ngày ấy, nhìn Văn Cao và Trịnh Công Sơn luôn quấn quýt bên nhau, có lúc thấy rưng rưng cảm động vì cái tình của họ với nhau sao chân thành và gắn bó vậy. Có lẽ nhờ thế mà Trịnh Công Sơn đã viết lại kỷ niệm ấy theo một giọng điệu rất Trịnh Công Sơn.
"Mùa thu. Gõ cửa. Vào. Anh Văn Cao ngồi trước chiếc bàn có tẩu thuốc lào và ly rượu, 8 giờ sáng. Không bao giờ ra Hà Nội mà tôi không ghé thăm anh Văn. Anh Văn ngồi. Ngồi ở sập gỗ cũ kỹ như đã ngồi hàng trăm năm. Ngồi tóc bạc phơ, râu cũng bạc phơ.
Chỗ ngồi đã mòn. Lưng dựa đã mòn. Ngồi như thế ích gì anh Văn. Anh nói: 'Lấy cái ly sạch cho Sơn đi bà'. Buổi sáng mùa thu, uống rượu với anh Văn và nghĩ ngợi.
Có những con đường anh Văn đã đi. Có những con đường tôi cũng đã qua. Những con đường ấy có lúc gặp nhau, có lúc chia lìa. Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi.
Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong thân phận riêng tư...".
Năm ấy vừa qua "cuộc vận động sáng tác quốc ca mới". Nhưng ai thay được quốc ca? Năm ấy, tuổi trẻ bắt đầu hát nhiều ca khúc Nối vòng tay lớn - bài hát mà chính Trịnh Công Sơn đã hát trên Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30-4-1975. Năm ấy, hai người đã chia sẻ cùng nhau đầy một mùa thu.
Mùa thu năm sau 1984, tôi vào Sài Còn cùng Nguyễn Trọng Tạo, lang thang cùng Trịnh Công Sơn trong nỗi nhớ Văn Cao. Một chai Vodka Nga là cái tình ủ lửa mà Trịnh Công Sơn gửi tôi mang ra Hà Nội biếu Văn Cao. Giữa họ, tôi như chú bé giao liên cần mẫn chuyên chở những khối tình từ người này tới người kia.
Mùa thu 1986, sau khi biên tập xong những bài thơ Văn Cao làm trong những năm im lặng, chữ viết lí nhí trong những cuốn sổ tay, tôi muốn vào Sài Gòn thăm Trịnh Công Sơn. Văn Cao nói: "Bây giờ đã có thể đọc cho Sơn nghe những năm tháng âm thầm của mình rồi. Kha giúp nhé".
Tôi vào uống rượu với Trịnh Công Sơn và đọc thơ Văn Cao cho anh nghe. Nghe đến bài "Năm buổi sáng không có trong sự thật", Trịnh Công Sơn không kìm được nước mắt. Anh gạt ngang tay, nhìn vào xa xăm như thể nhìn thấu vào tận nơi Văn Cao ngồi uống rượu một mình trên căn gác 108 Yết Kiêu, Hà Nội.
Trịnh Công Sơn (cầm đàn) với Văn Cao (thứ ba từ phải) và bạn bè nghệ sĩ Hà Nội, 1983 - Ảnh: HÀ TƯỜNG
Nụ cười tri kỷ tươi như hoa
Đầu năm 1990, một sáng cuối xuân, tôi vừa dựng xe đạp vào cây sấu vỉa hè, nhìn lên căn gác nhà Văn Cao cuối phố Yết Kiêu, chợt thấy một chiếc commancar đỗ xịch bên đường, Trịnh Công Sơn bước xuống đường cười tươi như hoa.
Hóa ra Hãng BBC đang làm một phim tài liệu về Văn Cao và Trịnh Công Sơn. Trong đời, họ là bạn vong niên của nhau. Trong âm nhạc, giai điệu của họ hòa vào nhau tạo nên một phức điệu đẹp.
Cuối năm 1990, phim đã được trình chiếu. Những thước phim về Văn Cao được thể hiện bằng tốc độ chậm rãi, mang đầy suy tư của dân tộc Việt Nam thời chống Pháp đầy lửa máu. Giai điệu Văn Cao từ thuần khiết, trữ tình, đau đáu niềm riêng đến rắn rỏi chất sử thi anh hùng ca.
Những thước phim về Trịnh Công Sơn lại gấp gáp một hơi thở pop. Những nghẹn ngào từng kỳ trốn lính. Những tan tác, tung tóe người Việt ra khắp hành tinh. Giai điệu Trịnh Công Sơn bập bùng guitar gỗ, len lỏi giữa đời thường cần lao, lam lũ.
Một phức điệu đẹp như tình vong niên bình dị của hai người. Phức điệu như chính hai người cùng nói lên khát vọng của người Việt luôn luôn muốn sống hạnh phúc trên Tổ quốc mình. Để được như thế thì Hãy yêu nhau đi như một bài hát của Trịnh Công Sơn hay "từ đây người biết yêu người" trong Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao.
Khi Sài Gòn đón vợ chồng Văn Cao vào để dự những Đêm nhạc Văn Cao đầu thập niên 1990, dường như là giữa ông và Trịnh Công Sơn đã thỏa nỗi nhớ mong trong tình thân yêu lai láng. Nhìn gương mặt rạng rỡ của Văn Cao với Trịnh Công Sơn, có cảm giác như cuộc đời đích thực đã trả lại cho họ những gì đã mất trong quá vãng.
Không ai ngờ ngày 10-7-1995, Văn Cao bay vào cõi Thiên thai, cũng là ngày kỷ niệm 85 năm ngày sinh Nguyễn Tuân. Nói đến tình vong niên của Văn Cao và Trịnh Công Sơn, hẳn không thể nào không nói đến tình vong niên của Nguyễn Tuân với Văn Cao và Trịnh Công Sơn. Giữa những người "đồng khí tương cầu", tuổi tác hơn kém nhau đâu có gì quan trọng.
Ngày tang lễ Văn Cao, Trịnh Công Sơn ra Hà Nội, đứng sững trước linh cữu. Một đám tang mà hoa và hoa tạo thành núi hoa.
Sáu năm sau, ngày 1-4-2001, Trịnh Công Sơn cũng theo Văn Cao về cõi Thiên thai. Đám tang anh cũng tràn ngập hoa. Những hiền tài đất nước hiếm hoi. Họ lại bên nhau như ngày nào...
Thời đổi mới mở cửa đã đến. Ngay đầu năm 1988, Đêm nhạc Văn Cao bắt đầu được tổ chức và kéo dài trong nhiều tháng. Cùng lúc, tập thơ Lá ấn hành ở Hà Nội và tập thơ - nhạc - họa Thiên thai ấn hành ở Sài Gòn. Bài viết trên của Trịnh Công Sơn đã được in trang trọng trong ấn phẩm Thiên thai.
Tôi nhớ hôm ấy khi nhận được ấn phẩm qua bưu điện, Văn Cao vừa nhắp rượu vừa chầm chậm đọc bài viết của Trịnh Công Sơn. Ông thở dài: "Nhớ Sơn quá. Chẳng biết khi nào mới lại cùng uống rượu".
Cũng như Trịnh Công Sơn ngày nào, ông cũng ngồi nhìn vào xa xăm, dường như xuyên thấu tới tận sân vườn nhà 47C Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn, nơi Trịnh Công Sơn có thể cũng đang nhấm nháp Vodka một mình trong thầm nhớ Văn Cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận