17/06/2023 09:34 GMT+7

Dấu ấn mới của thanh toán không tiền mặt

Hội thảo 'Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội' khẳng định nhiều dấu ấn của hạ tầng dữ liệu, pháp lý cũng như con số thanh toán không tiền mặt trên toàn quốc.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng (thứ hai từ phải sang) cùng lãnh đạo thành phố và các đại biểu trải nghiệm thanh toán không tiền mặt tại lễ hội - Ảnh: Q.ĐỊNH

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng (thứ hai từ phải sang) cùng lãnh đạo thành phố và các đại biểu trải nghiệm thanh toán không tiền mặt tại lễ hội - Ảnh: Q.ĐỊNH

Hội thảo do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), báo Tuổi Trẻ và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.

Tại hội thảo này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng hé lộ mục tiêu đưa TP.HCM dẫn đầu cả nước về thanh toán không tiền mặt.

Kết nối dữ liệu là nền tảng

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.

Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng và doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

"Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán đã và đang tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là thanh toán và tín dụng, nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong nền kinh tế", ông Phạm Tiến Dũng cho biết.

Ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho biết hiện hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân khoảng 40 tỉ USD/ngày.

"Ngoài việc giúp hiểu khách hàng hơn thì việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn góp phần ngăn chặn hành vi gian lận, lừa đảo, tăng cường công tác quản trị rủi ro của ngân hàng", ông Tuấn nói.

Ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nhận định thanh toán không dùng tiền mặt đã quá phổ biến và đang dần trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng. Song để hướng đến mục tiêu quốc gia không tiền mặt thì vẫn còn nhiều thử thách, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục vượt qua. Nên việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp ngân hàng xác thực được chính xác khách hàng, rút ngắn thời gian giao dịch, qua đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Kelvin Tanu Utomo, trưởng bộ phận sản phẩm và giải pháp Visa Việt Nam và Lào, cho hay hiện nay cứ 10 giao dịch thì có 5 giao dịch thanh toán không tiếp xúc. Sắp tới sẽ có nhiều ví điện tử tham gia phương thức thanh toán này. Để hoạt động thanh toán không tiền mặt phát triển hơn nữa, ông cho rằng các doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng chia sẻ và thu thập dữ liệu tức thời.

Các bạn trẻ quét mã thanh toán không tiền mặt tại lễ hội - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Các bạn trẻ quét mã thanh toán không tiền mặt tại lễ hội - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Dùng số căn cước công dân làm mã số thuế

Đây là thông tin rất mới được ông Phạm Quang Toàn, cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Tổng cục Thuế, tiết lộ tại hội thảo.

Theo ông Toàn, hiện nay người dân vừa có mã số thuế vừa có số căn cước công dân, tới đây số căn cước công dân sẽ được sử dụng để làm mã số thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Để làm được điều này phải đồng bộ dữ liệu về thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và làm sạch dữ liệu. Tính đến nay ngành thuế đã cấp 75 triệu mã số thuế cá nhân, chủ hộ, cá nhân kinh doanh, người phụ thuộc. 

"Quá trình làm sạch dữ liệu đang được đẩy nhanh và đến nay đã có 52/75 triệu mã số thuế được rà soát, đối chiếu. Tới đây, việc đồng bộ dữ liệu được hoàn tất sẽ tạo điều kiện rất lớn cho cơ quan thuế lẫn người nộp thuế", ông Toàn chia sẻ.

Trong khuôn khổ hội thảo, cuộc đối thoại "Làm gì để chuẩn hóa, kết nối, khai thác dữ liệu để hướng đến quốc gia không tiền mặt?" đã gợi mở nhiều vấn đề nóng bỏng.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, tháng 4 vừa qua Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã ký kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đến nay đã có nhiều tổ chức tín dụng chủ động làm việc với cơ quan công an để ký kết các hợp tác nhằm làm sạch cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, vẫn gặp một số khó khăn trong việc chia sẻ hai chiều giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của các tổ chức.

"Chúng tôi hy vọng và mong muốn Bộ Công an cử ra một đầu mối để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cho phép khai thác các dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật vào cơ sở dữ liệu của các tổ chức tín dụng, từ đó phục vụ cho dịch vụ xác thực, định danh điện tử.

Một khi được kết nối thì dựa vào số chứng minh nhân dân 9 số, các ngân hàng sẽ xác định được số căn cước công dân 12 số nhằm định danh lại được các khách hàng đã mở tài khoản. Tuy nhiên, do vướng hành lang pháp lý nên chưa thực hiện được", ông Tuấn nói.

Đại tá - tiến sĩ Vũ Văn Tấn, phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), cho biết Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay đã tạo được kho thông tin với 18 trường dữ liệu cơ bản; 104 triệu người dân Việt Nam hiện đã có mã định danh duy nhất; đã cấp 81 triệu căn cước công dân.

Từ dữ liệu gốc này đã giúp làm "sạch" được 85% dữ liệu cho ngành bảo hiểm; 80% dữ liệu thông tin thuê bao di động cho các nhà mạng; 21/25 triệu dữ liệu cho ngành ngân hàng... Việc làm sạch dữ liệu sẽ góp phần tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia các giao dịch trực tuyến mà đặc biệt là giao dịch không tiền mặt.

Tuy nhiên ông Tấn cũng cho rằng vấn đề khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay trong việc liên thông dữ liệu giữa các bộ ngành với bộ dữ liệu gốc của quốc gia là yêu cầu các đơn vị phải đồng bộ, có hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo tiêu chuẩn an ninh bảo mật. Khi đó mới có thể kết nối vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

TP.HCM đặt mục tiêu dẫn đầu thanh toán không tiền mặt

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM rất quan tâm đến xu hướng mới như kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, các cơ quan nhà nước như y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông đã tiến hành thanh toán không tiền mặt.

"TP.HCM muốn lắng nghe ý kiến các ngân hàng, các chuyên gia, nhà cung ứng... gợi ý cho TP.HCM là nên làm gì để đẩy nhanh hơn nữa thanh toán không tiền mặt", ông Mãi nói, đồng thời đề xuất trong giai đoạn ban đầu hiện nay nên có các quy định bắt buộc để đẩy nhanh thanh toán không tiền mặt. Đơn cử, giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên buộc phải thanh toán qua ngân hàng. "Như vậy sẽ đẩy nhanh được thanh toán không tiền mặt", ông Mãi gợi ý.

Phải hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Đánh giá cao sáng kiến "Ngày không tiền mặt", Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng đây là sự kiện quan trọng góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ đã được xác định tại các đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025...

Thanh toán không dùng tiền mặt đang càng trở nên phổ biến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, từ nhân viên văn phòng, tiểu thương đến những người lao động tự do; từ các hoạt động thương mại đến dịch vụ công; từ thành phố đến nông thôn... Tỉ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đã đạt trên 75%, thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 7,59 tỉ giao dịch với giá trị đạt gần 219,5 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, kênh Internet, mã QR tăng trưởng hằng năm đạt trên 100%.

Trong thời gian tới, Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước cùng với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của các đơn vị truyền thông, báo chí, đặc biệt là báo Tuổi Trẻ với sáng kiến Ngày Không tiền mặt được tổ chức liên tục trong bốn năm qua đã truyền tải thông điệp tích cực, góp phần lan tỏa, xây dựng thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội, đã giúp người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó tích cực hưởng ứng, thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong sinh hoạt hằng ngày.

Hoa hậu Mai Phương: "Thanh toán không tiền mặt tiện lợi cho mọi lứa tuổi"Hoa hậu Mai Phương: 'Thanh toán không tiền mặt tiện lợi cho mọi lứa tuổi'

Tối 16-6, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 Mai Phương và Hoa hậu Liên lục địa 2022 Bảo Ngọc chia sẻ về "Những tiện ích khi thanh toán không tiền mặt".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên