21/05/2018 13:27 GMT+7

Đất trường học bị lấy làm dự án, thầy trò phải đi học nhờ

KHOA NAM - DUY KHÁNH
KHOA NAM - DUY KHÁNH

TTO - Kết quả khảo sát việc quy hoạch các điểm trường THCS, tiểu học và mầm non ở huyện Phú Quốc của HĐND tỉnh Kiên Giang cho thấy từ năm 2015 đến nay có 10 điểm trường bị quy hoạch giải tỏa.

Đất trường học bị lấy làm dự án, thầy trò phải đi học nhờ - Ảnh 1.

Trường tiểu học - THCS Gành Dầu, điểm Rạch Vẹm bị vướng quy hoạch nên dù xuống cấp nặng vẫn chưa được sửa chữa - Ảnh: D.KHÁNH

Đáng chú ý, trong đó có 9 điểm trường chưa có phương án bồi hoàn và bố trí đất để xây dựng lại.

"Dính dự án"

Cụ thể, tại xã Bãi Thơm có bốn điểm trường bị quy hoạch giải tỏa, gồm: Vũng Trâu Nằm (ba phòng học dính vào dự án của Công ty Nam Bá); Rạch Tràm (bảy phòng học dính dự án City Land); điểm trường mầm non Bãi Thơm (sáu phòng học dính dự án của Công ty CP viễn thông HTI Việt Nam) và điểm Đá Chồng (chín phòng học và tám nhà công vụ dính vào dự án của Tập đoàn Xuân Thành).

Thị trấn Dương Đông có Trường tiểu học Dương Đông 3 dính quy hoạch khu du lịch The Silk Path City.

Xã Gành Dầu có hai điểm trường tiểu học - THCS ở Mũi Dương và Rạch Vẹm có năm phòng học dính quy hoạch khu dân cư, khu làng nghề và dự án của Công ty TTC.

Xã Hàm Ninh có hai điểm trường mầm non và tiểu học dính quy hoạch khu dân cư và dự án du lịch của Công ty dịch vụ - thương mại - du lịch Sài Gòn.

Ngoài ra, xã Hòn Thơm (phía nam đảo Phú Quốc) có một trường tiểu học - THCS rộng 4.460m2 với 13 phòng học, 14 nhà công vụ dính dự án cáp treo. Sau khi giải tỏa, chính quyền tái lập điểm trường này trong khu dân cư nhưng diện tích chỉ còn phân nửa so với ban đầu.

Hầu hết các trường nằm trong quy hoạch giải tỏa đều có vị trí đắc địa, gần bãi biển, gần các trục đường giao thông chính. Do vướng quy hoạch, nhiều trường xuống cấp mà chậm được sửa chữa, nâng cấp.

Trước năm 2015, Phú Quốc đã có năm điểm trường bị quy hoạch giải tỏa...

Học sinh phải học nhờ

Trường tiểu học Cửa Dương 2 (xã Cửa Dương) sau khi mất bốn phòng học cho dự án phải mượn tạm đất của một hộ dân cất phòng học tạm cách nơi cũ gần 3km.

Còn Trường tiểu học Dương Tơ 2 sau khi mất cả ba điểm trường đã phải bố trí một phần học sinh về học tại trường mới ở khu dân cư Suối Lớn, cách nơi cũ gần 10km. Phần học sinh còn lại phải bố trí sang học nhờ điểm trường khác tại ấp Đường Bào, cách nơi cũ 7-8km.

Đáng chú ý điểm trường tiểu học Rạch Vẹm do chưa có đất để tái lập trường cũ, nếu bị giải tỏa học sinh phải xuyên rừng khoảng 15km về điểm chính tiếp tục học tập.

Ngoài chuyện than phiền phải đưa đón con đi học xa nhà, phụ huynh và cả giáo viên phản ảnh dồn lớp khiến con em bị nhồi nhét trong các lớp học quá tải.

Cô T. - giáo viên Trường tiểu học Dương Đông 3 (thị trấn Dương Đông) - cho biết theo quy định mỗi lớp tiểu học không được bố trí quá 35 học sinh. Nhưng hiện tại lớp cô đang dạy phải gồng mình quản 49 học sinh.

"Chỉ riêng chuyện ổn định trật tự đã rất vất vả. Các cháu ngồi sát nhau quá hay va chạm lúc viết bài, làm bài..." - cô T. nói

Kiến nghị hạn chế giao đất có trường học

Ông Đống Thành Đạt - trưởng Phòng GD-ĐT Phú Quốc - cho hay đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang khi giao dự án cho nhà đầu tư cần xem xét, hạn chế việc giao đất có trường học để tránh xáo trộn vì hiện khó tìm đất để tái lập trường.

"Đối với các dự án đã giao, cần quy định thời gian để chủ đầu tư trước khi triển khai dự án bắt buộc phải có trách nhiệm tìm đất tương ứng để ngành giáo dục tái lập trường" - ông Đạt nói.

Trước thực trạng nêu trên, ông Mai Văn Huỳnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành Phú Quốc tập trung khắc phục tình trạng yếu kém của ngành giáo dục ở địa bàn. Trong đó, ưu tiên xây mới một điểm trường tại thị trấn Dương Đông để giảm tải.

"Phải cương quyết chủ trương tái lập trường cũ khi các dự án đầu tư được triển khai. Trường tái lập phải đạt chuẩn mới cho di dời các trường cũ.

Về lâu dài, giao UBND huyện Phú Quốc, Sở Tài nguyên và môi trường điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất gắn với đề án quy hoạch hệ thống trường lớp trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án quy hoạch trường lớp ở Phú Quốc tầm nhìn tới năm 2020, 2025 và 2030" - ông Huỳnh nói.

Bên cạnh đó, ông Huỳnh cũng nhấn mạnh: "UBND huyện Phú Quốc và các ngành có liên quan phải quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém về giáo dục hiện nay, đến năm 2019-2020 phải có chuyển biến tích cực hơn. Trong đó cần quan tâm xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia, bổ sung đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ ở các cấp học...".

Chỉ số giáo dục thấp nhất tỉnh

Thông tin từ UBND tỉnh Kiên Giang cho thấy các chỉ số giáo dục của Phú Quốc hiện thấp nhất tỉnh Kiên Giang. Chất lượng đào tạo và các phong trào thi đua của ngành giáo dục Phú Quốc thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh.

Tỉ lệ trường đạt chuẩn chỉ 3,13%. Nhiều trường có số học sinh vượt mức quy định như: tiểu học Dương Đông 1 có 46,3 học sinh/lớp, Dương Đông 4 có 39,24 học sinh/lớp, có lớp lên tới 50-51 học sinh. Toàn đảo chưa bố trí được các trường chất lượng cao, chưa có lớp bán trú. Trang thiết bị và số lượng biên chế giáo viên còn thiếu. Việc quy hoạch, triển khai dự án và tái lập trường sau dự án còn chậm, có nơi không thực hiện gây áp lực quá tải cho các điểm trường...

Sập trần và... chờ dự án! Sập trần và... chờ dự án!

TTO - Sáng 20-3, một mảng vữa trên trần phòng học Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) bất ngờ sập xuống làm ba học sinh bị thương.

KHOA NAM - DUY KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên