Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: T.ĐIỂU
Những người trẻ làm phim hoạt hình cho biết họ đang sống tốt với nghề, có thu nhập tốt, nhưng vẫn chỉ là gia công cho thế giới, muốn ra thế giới quảng bá về mình đều phải tự đi trong cô độc, khó khăn trong hợp tác quốc tế vì không có chính sách ưu đãi về thuế như các nước cạnh tranh.
Nỗi niềm của những người làm phim từ trẻ tới già, từ tư nhân đến hãng phim cổ phần được gửi gắm trong tọa đàm có chủ đề Phim hoạt hình Việt Nam - Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế, được Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam tổ chức ngày 18-10 tại Hà Nội và trực tuyến với đại diện tại TP.HCM.
Người già bi quan, người trẻ cô độc
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - cho biết kể từ bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam Đáng đời thằng cáo năm 1960, đến nay gia tài phim hoạt hình Việt Nam có khoảng 500 phim. Gần 100 phim được ghi nhận tại liên hoan phim quốc gia. Một số phim được giải quốc tế.
Hãng Phim hoạt hình Việt Nam hiện nay mỗi năm sản xuất khoảng 20 bộ phim từ đặt hàng của Nhà nước nhưng chưa đến được với đông đảo khán giả. Trong khi đó ở lĩnh vực này đang ghi nhận sự lớn mạnh của các công ty tư nhân, nhưng hiện mới chỉ dừng ở việc gia công cho hãng phim nước ngoài. "Để gọi tên nhà làm phim hoạt hình Việt Nam hiện nay rất khó", bà Ngô Phương Lan nói.
Nhà giáo Phan Quân Dũng cho biết hoạt hình Việt Nam đang rất thiếu sự chuyên nghiệp, ngay từ khâu viết kịch bản.
Đạo diễn, họa sĩ, NSND Hà Bắc cũng bi quan khi dẫn ra hiện thực hoạt hình những năm qua "sống lay lắt nhờ cái phao của Nhà nước". Từ lâu phim hoạt hình Việt Nam không được tham dự liên hoan phim hoạt hình lớn nào trên thế giới.
Nhà làm phim hoạt hình trẻ Lê Quỳnh Như cho biết năng lực của họa sĩ hoạt hình Việt Nam rất tốt, cần Nhà nước hỗ trợ để phát triển hơn - Ảnh: T.ĐIỂU
Trái ngược với sự bi quan của những nhà làm phim gạo cội, các nhà làm phim hoạt hình trẻ đến từ các công ty tư nhân năng động tại TP.HCM lại rất tự tin về năng lực của mình cũng như tin tưởng vào những cơ hội hợp tác quốc tế, nếu như họ có được sự hỗ trợ tốt hơn về mặt chính sách từ Nhà nước.
Lê Quỳnh Như - người sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio - khẳng định trình độ, kỹ năng của họa sĩ hoạt hình Việt Nam ngang hàng với thế giới. Công ty của chị lâu nay vẫn là đồng sản xuất với các đơn vị lớn như Disney, Warner Bross, tham gia sản xuất các phim hoạt hình lớn như Doraemon và khách hàng rất hài lòng.
Nhưng hiện các công ty làm phim hoạt hình Việt Nam muốn đưa sản phẩm ra thế giới thì "hơi cô độc".
Cảnh trong phim Cậu bé Manơcanh của nhà sản xuất Lương Minh Phương
"Nhà nước còn chần chừ gì mà chưa hỗ trợ"
"Các nhà làm phim nước ngoài bảo chứng cho chất lượng họa sĩ Việt Nam, chúng ta đủ giỏi nghề, kiếm ra tiền. Nhà nước còn chần chừ gì nữa chưa hỗ trợ cho chúng tôi?", Quỳnh Như đặt câu hỏi.
Cô mong muốn Nhà nước thấy được tiềm năng giá trị ngành hoạt hình Việt Nam mà hỗ trợ cho doanh nghiệp như hỗ trợ các doanh nghiệp tới các hội chợ phim, liên hoan phim để quảng bá bằng vị thế quốc gia chứ không phải với tư cách một công ty đơn lẻ. Và đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà sản xuất để thu hút các nhà làm phim quốc tế chọn đối tác Việt Nam cùng làm phim…
Từ phía nhà quản lý, bà Lý Phương Dung - cục phó Cục Điện ảnh - thừa nhận chúng ta có tiềm năng, tiềm lực để phát triển phim hoạt hình nhưng đang thiếu hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước.
Ông Phan Quân Dũng thẳng thắn đưa ý kiến: Các lãnh đạo sau mỗi hội nghị, hội thảo cần phải về soạn thảo chiến lược phát triển ngành, đưa ra những chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngành chứ không phải chỉ đến hội thảo phát biểu động viên, chia sẻ mang tính ngoại giao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận