13/07/2017 13:41 GMT+7

Đất quốc phòng làm cao ốc, khu đô thị: Thủ tướng duyệt mới làm

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TTO - Đây là trình bày của đại diện Bộ Quốc phòng tại buổi họp báo thông tin về tình hình quân sự, quốc phòng 6 tháng đầu năm 2017 và một số vấn đề liên quan đến kinh tế quốc phòng sáng 13-7 tại TP.HCM.

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng trả lời các câu hỏi về vấn đề quân đội làm kinh tế - Ảnh: THUẬN THẮNG

Cuộc họp báo do trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Quân ủy Trung ương, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - chủ trì.

Ngoài ra còn có thiếu tướng Võ Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Kinh tế quốc phòng, thiếu tướng Trần Hoài Trung - cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị và thiếu tướng Nguyễn Gia Hòa - chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7.     

Thiếu tướng Võ Hồng Thắng cho hay Bộ Quốc phòng đang tập trung rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị doanh nghiệp quân đội. Năm 2000 quân đội có 307 doanh nghiệp, sau khi được sắp xếp, đến hết năm 2016 còn lại 88 doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông, thời gian gần đây các doanh nghiệp quân đội có bước phát triển vượt bậc, đảm bảo việc làm cho người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

* Tuổi Trẻ: Xin cho biết hiện nay các doanh nghiệp quốc phòng đóng góp bao nhiêu phần trăm trong cơ cấu kinh tế của cả nước?

-  Thiếu tướng Võ Hồng Thắng: Chúng tôi chưa có thống kê số liệu này. Tuy nhiên có thể nói, xét về GDP thì doanh nghiệp quốc phòng đóng góp không nhiều, nhưng tính chung cho nền kinh tế quốc gia thì rất lớn. Không có công trình quan trọng quốc gia nào mà không có dấu ấn của người lính, nhất là ở các khu vực biên giới, biển đảo.

* Tuổi Trẻ: Có tình trạng các cơ quan quản lý nể nang đối với những doanh nghiệp quân đội. Chẳng hạn cảnh sát giao thông rất ngại kiểm tra xe biển đỏ. Hay như một số đơn vị cho thuê đất quốc phòng, bên thuê xây dựng không phép, sử dụng không đúng mục đích nhưng ít bị kiểm tra. Bộ Quốc phòng xử lý như thế nào về những trường hợp lợi dụng danh nghĩa quốc phòng để vi phạm pháp luật, trục lợi?

- Do đặc thù, trước đây có một số ưu tiên (cho doanh nghiệp quốc phòng) nhưng không vì thế mà cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp bên ngoài. Hiện các xe biển đỏ cấp cho doanh nghiệp phải thu hồi. Chỉ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mới được bố trí 2 xe để phục vụ lãnh đạo, còn lại xe biển trắng hết.

Các doanh nghiệp quân đội cho bên ngoài thuê đất, sử dụng sai mục đích đều phải kiểm tra, xử lý thu hồi. Bộ Quốc phòng đã có kết luận, có kế hoạch rà soát… đơn vị nào làm không đúng sẽ thu hồi, cán bộ nào sai thì xử lý trách nhiệm, thậm chí xử lý hình sự.

* Tuổi Trẻ + Zing: Vừa qua có nhiều nhà xưởng, kho tàng của quân đội được lấy thấy cao ốc, khu đô thị . Quy trình chuyển đổi này thực hiện như thế nào, có đấu thầu công khai hay không? Ví dụ như các khu Ba Son, Tân Cảng, nhà máy Z751?…

- Việc chuyển đổi các kho tàng, nhà xưởng lâu nay ít thông tin ra ngoài, tuy nhiên vẫn phải theo quy trình báo cáo Thủ tướng phê duyệt chứ không tự tiện làm được. 

Ở TP.HCM, việc chuyển đổi đất quốc phòng là thực hiện theo yêu cầu của TP. Chẳng hạn: nhà máy Ba Son, Z751, 756,  tổng kho K168… không đảm bảo môi trường và không phù hợp với quy hoạch của TP nên TP đề nghị di dời. Muốn di dời thì phải có vốn. Bộ Quốc phòng đề nghị chính phủ cho đầu tư theo hình thức BT, do đó các nhà đầu tư được sử dụng đất để khai thác bù lại chi phí đầu tư.

* Việc chuyển đổi đất và làm kinh tế của các doanh nghiệp quốc phòng có lợi ích nhóm hay không?

- Xin khẳng định là kinh tế quốc phòng không có lợi ích nhóm.

* Pháp luật TP.HCM: Hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp quốc phòng được giám sát ra sao?

- Hoạt động kinh tế của doanh nghiệp quốc phòng được giám sát trên cơ sở các quy định của pháp luật, không có vùng cấm.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên