Việc ban hành luật nhằm buộc các công ty công nghệ có trách nhiệm hơn trước thông tin giả - Ảnh: N.Trần
Thông tin giả mạo trên các trang mạng đã ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị và vấn đề xã hội tại nhiều quốc gia, buộc chính phủ các nước phải có các hành động đối phó. Tuy nhiên, không phải lúc nào những nỗ lực này cũng thành công.
"Đau đầu" với thông tin giả mạo
Nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức... đang đối mặt cuộc chiến chống lại nạn tin tức giả mạo lan tràn trên các mạng xã hội. Tại Anh, Facebook, Google và Twitter đều được yêu cầu phải có động thái đối phó với thông tin giả mạo.
Nước Đức thành lập một trung tâm chống tin tức giả và sẽ xem xét đưa ra một cơ chế phạt tiền đối với các nền tảng truyền thông xã hội không kịp thời xóa các thông tin giả mạo. Một trung tâm chống tuyên truyền và thông tin sai lệch từ nước ngoài cũng đã được thành lập tại Mỹ...
Nhiều quốc gia tại châu Âu cũng áp dụng chính sách cứng rắn với quyền riêng tư của người dùng trên mạng xã hội Facebook.
Tháng 10-2016, 28 cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia của châu Âu cùng nhau kêu gọi Facebook ngừng dịch vụ chia sẻ thông tin dữ liệu người dùng từ ứng dụng chat WhatsApp để chia sẻ thông tin dữ liệu với công ty mẹ.
Động thái này không ngoài mục tiêu cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu và sự riêng tư của mình.
Tuy nhiên, nhiều nước đã không thể dựng lên "tường lửa" để chặn Facebook và Google hay các công ty công nghệ toàn cầu khác giống như tại Trung Quốc.
Các chính phủ luôn phải đấu tranh với những nền tảng mạng xã hội từ các vấn đề an ninh, xã hội, chính trị... bằng các quy chế nhằm kiểm soát nội dung và dữ liệu được đăng tải trên mạng xã hội.
Về cơ bản, các nước đều gặp khó khăn khi đưa ra một cơ chế quản lý can thiệp hay quản lý hệ thống kỹ thuật của các công ty.
Không dễ quản lý chỉ bằng máy chủ
Ngoài hệ thống máy chủ chính, các nền tảng dịch vụ xuyên biên giới lớn như Facebook, Google, Twitter... còn có hệ thống máy chủ khác tại nhiều khu vực và quốc gia khác nhau, thậm chí được đặt tại nhiều địa phương.
Các máy chủ này có nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng phần lớn lưu trữ dữ liệu tạm thời (cache), giúp cho việc tải các dữ liệu nhanh hơn, giúp người dùng tiếp cận tốt hơn.
Việc bắt buộc các công ty này đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng tại một quốc gia cũng chưa hẳn đã giúp chính quyền quốc gia đó kiểm soát được hoạt động của công ty.
Ngay cả việc chính phủ quản lý các công ty ISP (cung cấp dịch vụ mạng) - nơi có thể đặt các máy chủ của các công ty công nghệ - cũng không có nghĩa chính phủ đó có quyền truy cập thông tin từ hệ thống các máy chủ đã được mã hóa cao.
Do vậy việc hi vọng quản lý hệ thống máy chủ (dù chỉ là máy chủ quản lý dữ liệu người dùng) của các công ty công nghệ là không mấy khả thi trong việc quản lý các vấn nạn trên mạng xã hội nói riêng, an ninh mạng quốc gia nói chung.
Vấn đề nằm ở chỗ là các luật định chỉ có thể quản lý một phần về nội dung, dữ liệu người dùng phù hợp theo các quy định về an ninh, chính trị... của mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, các chính phủ vẫn không thể dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp quản lý hệ thống kỹ thuật.
Thay vào đó, cần một hành lang pháp lý công bằng hơn đối với các nền tảng, dịch vụ số được xây dựng trong nước để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho các công ty này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận