Có thể hiểu chúng ta đang phải thắt lưng buộc bụng để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Do vậy, điều quan trọng nhất lúc này là phải bàn tiêu chí phân bổ ngân sách đầu tư công để làm sao đặt vốn đúng chỗ và xài tiền đúng cách.
Ngân sách eo hẹp, buộc các địa phương và bộ ngành phải co kéo, tính toán chặt chẽ. Tuy nhiên, tiền vẫn phải được rót vào những dự án cấp bách để làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong lâu dài.
Như trong gia đình, tiền bạc eo hẹp không có nghĩa là cho các con nghỉ học. Phải biết ưu tiên, cái gì làm trước, việc gì làm sau. Đặt vốn đúng chỗ chính là ở chỗ này.
Nếu cứ cắt giảm tỉ lệ khoản thu để lại cho những địa phương vốn là động lực phát triển kinh tế của cả vùng thì những cỗ máy đầu tàu ấy chắc chắn sẽ chạy chậm lại.
Do vậy nếu cắt giảm đều như nhau, ai cũng có phần nhưng chỉ một ít, manh mún, hậu quả là các địa phương cùng ì ạch, chẳng nơi nào có thể vượt lên để cùng chạy về phía trước.
Cần lưu ý rằng kế hoạch phân bổ ngân sách này rất quan trọng trong 5 năm tới, không cẩn trọng từng li, sẽ trượt đi nhiều dặm, có thể làm suy yếu những đầu tàu kinh tế mà sau này cần nhiều thời gian, kể cả tiền bạc cũng chưa chắc giúp những nơi này lấy lại “phong độ”.
Không chỉ thế, việc phân bổ ngân sách hợp lý, đặt vốn đúng chỗ là rất quan trọng vì chỉ có thế mới buộc các địa phương xài tiền đúng cách. Một khi tiền chỉ có bấy nhiêu, buộc lòng phải tính đến chi xài thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh thắt lưng buộc bụng.
Rất may, Luật ngân sách mới có hiệu lực từ năm 2017 đã trao thêm quyền cho hội đồng nhân dân địa phương trong phân bổ ngân sách, kể cả được “bội chi” và được vay nợ có giới hạn theo quy định.
Đây chính là thử thách cho các địa phương, bởi từ lâu một số nơi đã quen với chuyện bày ra dự án, làm cho hoành tráng, không có tiền thì xin trung ương...
Thế mới có chuyện một số tỉnh phải nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương nhưng lắm xe công, trụ sở thì nguy nga lộng lẫy, làm công trình thì sớm hư hỏng, chậm đưa vào sử dụng...
Một chuyên gia về tài chính công nói rằng tới đây các địa phương phải có thói quen kiểm tra bóp trước khi vào quán ăn, khi ký duyệt dự án phải cân nhắc như khi móc bóp trả tiền mua một món đồ, phải biết nghĩ xài cho việc này liệu có còn tiền để chi cho việc kia...
Câu chuyện ngân sách thắt lưng buộc bụng, địa phương nào được giữ lại nhiều nguồn thu, nơi nào cắt nhiều... mới chỉ là xới ra.
Nếu không bàn thấu đáo, nhìn vào thực tế để phân bổ nguồn vốn cho hợp lý theo các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, kỷ luật ngân sách không được tôn trọng, đồng tiền không đặt đúng chỗ, hậu quả cũng chẳng kém gì khi để nợ nần vượt ngưỡng kiểm soát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận