Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp thứ 4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: TTXVN |
Ủy ban Tài chính - ngân sách (TC-NS) của Quốc hội khẳng định VN đang ở tình trạng “ngân sách tiêu dùng”, không phải “ngân sách phát triển”.
Trong ngày 17-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hàng loạt báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về nhiều vấn đề: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Nợ công ở sát mức “báo động đỏ”
Báo cáo của Ủy ban TC-NS phân tích: Chính phủ báo cáo số ước bội chi ngân sách nhà nước năm 2016 là 254.000 tỉ đồng, bằng số Quốc hội quyết định.
Với mức bội chi này, dư nợ công là 64,98% GDP, đã sát ngưỡng 65% GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP (vượt 3,1% mức cho phép).
Chính phủ đề nghị được nới mức dư nợ chính phủ lên 55% GDP nhưng Ủy ban TC-NS không đồng tình.
“Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ phương án và kế hoạch trả nợ trong giai đoạn 2016-2020” - Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng dù Chính phủ không đề nghị nới trần nợ công, nhưng lại dự báo rằng nếu GDP không đạt kế hoạch thì nợ công có thể tiến đến mức 70% GDP.
“Như vậy có đảm bảo an ninh tài chính quốc gia không? Chúng ta dự kiến mức chi trả nợ vào khoảng 27% tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm, trong khi trên thế giới nếu 30% là báo động đỏ rồi” - ông Hiển nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận GDP chỉ là định hướng, giai đoạn 2011-2015 không đạt kế hoạch, năm 2016 tiếp tục không đạt kế hoạch, nên thu ngân sách giai đoạn tới cũng chỉ là dự báo, không chắc chắn.
“Việc chi đầu tư xây dựng cơ bản phải rất chặt chẽ, nếu không 5 năm tới nợ đọng còn lớn hơn bây giờ” - ông Dũng thừa nhận.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban TC-NS, nếu xét về bản chất kinh tế, “ngân sách của VN hiện là ngân sách tiêu dùng, chưa phải là ngân sách phát triển vì tỉ lệ tích lũy từ ngân sách cho đầu tư phát triển còn rất thấp. Đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước chủ yếu dựa vào vay để bù đắp bội chi, vay phát hành trái phiếu chính phủ và số thu từ xổ số kiến thiết, thu từ đất”.
Hoài nghi về số liệu tăng trưởng
Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đều khẳng định tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 không đạt kế hoạch.
Theo Ủy ban Kinh tế, sự sụt giảm tăng trưởng trong nông nghiệp cho thấy những bất cập của nền nông nghiệp VN, đó là vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hiệu quả thấp và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng 6-7%, thấp hơn chỉ tiêu theo kế hoạch (tăng khoảng 10%).
Xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chững lại về tốc độ, đặc biệt xuất khẩu vào khu vực Asean (giảm 10%) và thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng (8 tháng là 18,8 tỉ USD).
Đặc biệt, theo một số thành viên Ủy ban Kinh tế, kết quả ước thực hiện GDP năm 2016 tăng 6,3 - 6,5% cũng chỉ là kỳ vọng, khó đạt được.
Dự báo những yếu tố giúp GDP quý 4 tăng cao như nông nghiệp tăng trưởng cao hơn, số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao, thu hút FDI tăng... cũng chưa chắc chắn và chưa được định lượng cụ thể.
Trong khi đó, hai chỉ tiêu rất quan trọng là tăng trưởng và tốc độ xuất khẩu không đạt. GDP tuyệt đối giảm đến 500.000 tỉ đồng nhưng không ảnh hưởng đến thu ngân sách, 11 chỉ tiêu khác vẫn đạt và vượt kế hoạch là không hợp lý.
“Muốn tăng trưởng 6,3 - 6,5% trong năm 2016 thì quý 4 này phải tăng 7,7%, có đạt được không?” - ông Hiển đặt câu hỏi.
Phải trình Quốc hội dự án đường cao tốc Bắc - Nam Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, từ nay đến năm 2020 và sau năm 2020 yêu cầu phát triển giao thông rất lớn. Riêng về đường bộ, hệ thống đường cao tốc tối thiểu phải xây dựng trên 2.000km nhưng đến nay mới có khoảng trên 700km, thiếu hơn 1.300km nữa, đặc biệt phải đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam. “Như các nước trong khu vực, đường cao tốc phải đi trước nền kinh tế từ 5-10 năm. Nếu không đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam từ bây giờ sẽ khó khăn cho 5 năm sau, bởi với tốc độ khai thác như hiện nay quốc lộ 1 sẽ sớm hư hỏng bởi lưu lượng quá cao” - ông Trường nói. Cũng theo ông Trường, để đạt được tốc độ vận chuyển bình quân, từ nay đến năm 2020 cần đến 950.000 tỉ đồng cho đầu tư giao thông, nhưng qua tính toán cho thấy chỉ cân đối được trên 200.000 tỉ đồng. Với riêng tuyến cao tốc Bắc - Nam cần khoảng 70.000 tỉ đồng. “Đề nghị Quốc hội nghiên cứu đối với đường cao tốc phải có gói riêng để có thể đầu tư trước một số đoạn, từ nay đến năm 2022 hoàn thành gần 1.400km đường cao tốc Bắc - Nam. Nếu lấy vốn trung hạn (nguồn ngân sách nhà nước) ra làm, sẽ không có tiền cho các dự án khác” - ông Trường đề nghị. Ông Phùng Quốc Hiển khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam, vì rất quan trọng với phát triển kinh tế. Nhưng đây là dự án sử dụng vốn rất lớn, tác động lớn đến môi trường, dân cư, xã hội nên thuộc danh mục phải trình Quốc hội xem xét, quyết định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận