10/10/2018 11:50 GMT+7

Đất của mình, người khác mở... quán nhậu

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Hai vợ chồng ở Hà Nội mua một lô đất tại Đà Nẵng được gần 3 năm. Hai tháng trước, khi họ đến lô đất để chuẩn bị làm nhà thì tá hỏa khi có người đã mở quán nhậu tại đây.

Đất của mình, người khác mở... quán nhậu - Ảnh 1.

Quán nhậu xây trên đất ông Tuấn hiện bị khóa lại và bên trong còn tài sản - Ảnh: Đ.CƯỜNG

Họ đã làm đơn cầu cứu nhiều lần nhưng địa phương cũng lúng túng vì lần đầu gặp phải trường hợp này.

Xây "lụi" trên đất người khác

Năm 2016, vợ chồng ông Nguyễn Đình Tuấn (trú Hà Nội) có mua lô đất số 15-B6.4 đường Nguyễn Tất Thành, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. 

Việc sở hữu lô đất trên là hoàn toàn hợp pháp, sổ hồng của lô đất đã đứng tên vợ chồng ông Tuấn. Mới đây, khi gia đình ông Tuấn đến kiểm tra lô đất để chuẩn bị xây nhà, tại đây đang là quán nhậu Sơn Tùng. Người mở quán nhậu này hoàn toàn không quen biết, không liên hệ, xin phép gì với chủ của lô đất.

Vì ở xa nên vợ chồng ông Tuấn đã ủy quyền cho cháu của mình là anh Trần Trung Hiếu (trú Đà Nẵng) làm đơn kiến nghị chính quyền địa phương giải quyết sự việc tréo ngoe này. 

Anh Hiếu cho biết sự việc chỉ được gia đình phát hiện khi đến thăm đất để chuẩn bị xây dựng nhà vào tháng 7-2018. Sau khi phát hiện, gia đình đã yêu cầu chủ quán nhậu Sơn Tùng tháo dỡ và trả lại đất. Tuy nhiên, chủ quán không những không chấp hành mà còn đòi... tiền đền bù xây quán. 

Anh Hiếu đã làm đơn kiến nghị gửi chính quyền địa phương và nhiều lần họp với phường nhưng bốn tháng qua vẫn chưa lấy lại được đất.

UBND phường Xuân Hà cho biết đã hai lần gửi giấy mời ông Nguyễn Quốc Việt và ông Lành - chủ quán nhậu Sơn Tùng - đến giải quyết nhưng cả hai không có mặt. Hiện nay ông Việt đã bỏ đi khỏi địa phương, quán Sơn Tùng đóng cửa, không hoạt động nhưng bên trong quán vẫn còn tài sản như bàn, ghế, ly, chén...

Ngày 9-8, UBND phường Xuân Hà tổ chức họp lần thứ 3 để giải quyết việc chiếm dụng đất trái phép mở quán nhậu, ông Việt tiếp tục vắng. 

Cuộc họp đã thống nhất có biên bản làm việc trong vòng 15 ngày UBND phường sẽ niêm yết thông báo công khai tại quán Sơn Tùng để ông Việt biết và chấp hành tháo dỡ quán, trả lại hiện trạng ban đầu.

Lúng túng!

Ông Nguyễn Văn Hải - chủ tịch UBND phường Xuân Hà - cho biết nhiều năm trước do các lô đất trống bị bỏ hoang ô nhiễm nên thành phố khuyến khích cho người dân tận dụng các lô đất trống để kinh doanh để khỏi bị đổ rác thải, nên trường hợp như quán Sơn Tùng không có giấy phép xây dựng. 

Theo ông Hải, chủ quán này cũng dạng "anh em xã hội", phường mời lên làm việc nhưng không có mặt. 

Ông Hải cho biết mới về phường nên không biết trường hợp chủ quán Sơn Tùng có viết giấy cam kết với phường hay không. Còn hiện nay đều phải ký cam kết với phường là bàn giao lại mặt bằng cho chủ đất khi có yêu cầu.

Còn ông Nguyễn Văn Tĩnh - chủ tịch UBND quận Thanh Khê - cho biết trước đây ở khu vực này là lô đất trống, ô nhiễm. 

Thành phố cũng có chủ trương giao cho phường quản lý các lô đất trống này. Những cá nhân nào cần sử dụng tạm các lô đất thì đưa vào sử dụng để tránh ô nhiễm, nhưng khi chủ đất yêu cầu thì phải trả lại mặt bằng.

"Lô đất này không biết có nằm trong diện này không hay các hộ và chủ đất tự thỏa thuận với nhau. UBND phường có đề xuất hướng dẫn khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, để đảm bảo việc xử lý chính xác, đúng pháp luật thì quận đã giao đội kiểm tra quy tắc đô thị, phòng tư pháp, UBND phường kiểm tra các hồ sơ liên quan và tham mưu UBND quận" - ông Tĩnh cho biết.

Cưỡng chế, tháo dỡ công trình trái phép

Luật sư Lê Cao - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - cho biết ông Tuấn có thể thực hiện báo cáo hành vi vi phạm pháp luật nêu trên đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng (thanh tra sở xây dựng), UBND cấp quận, huyện… để được xem xét giải quyết.

Nếu xác định được việc xây dựng là trái phép, hoàn toàn có căn cứ để cưỡng chế phá dỡ nếu bên vi phạm không chấp hành theo quy định.

Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền không giải quyết hành vi vi phạm của cá nhân nêu trên, ông Tuấn có thể khởi kiện ra tòa để buộc tháo dỡ tài sản xây dựng trái phép.

Nghị định 166/NĐ-CP quy định về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có quy định người bị cưỡng chế cố tình vắng mặt, vẫn thực hiện cưỡng chế nhưng cần có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến.

Làm gì khi trúng đấu giá nhưng không được giao đất? Làm gì khi trúng đấu giá nhưng không được giao đất?

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh vụ “trúng đấu giá, nộp tiền nhưng không được giao đất”, các luật sư khẳng định căn cứ vào các quy định pháp luật, chính quyền TP Đà Nẵng phải sớm giao đất cho đơn vị trúng đấu giá.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên