22/03/2012 07:49 GMT+7

Đập thủy điện Sông Tranh 2: Khâu nào cũng có lỗi

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TT - Chiều 21-3, TS Bùi Trung Dung - phó cục trưởng Cục Kiểm định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - kết luận: “Công trình này lỗi từ khâu thiết kế, thi công, giám sát cho đến khâu khai thác vận hành...”.

hhUBmJal.jpgPhóng to
Công nhân cố gắng xử lý nước tuôn trào từ thân đập Sông Tranh 2 vào chiều 21-3 - Ảnh: Tấn Vũ

Đến chiều qua, nước vẫn tuôn ào ạt, tung bọt trắng xóa tại các khe nứt phía bờ đập đổ về hạ lưu của thủy điện Sông Tranh 2. So với ngày qua, có thêm nhiều công nhân đến trám khe nước tại bờ đập này. Hàng loạt ống nước lớn cũng được mang đến đây phục vụ thu gom nước. Trong khi đó tại các vết khoan trên bờ đập, một số ống nhựa bắt thẳng vào bêtông để thu nước bị bung ra khiến nước xịt thẳng cao quá đầu người.

Đề nghị ngừng vận hành đập

Kiểm tra, báo cáo Thủ tướng

Ngày 21-3, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực VN và Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng khẩn trương kiểm tra, có giải pháp khắc phục việc thấm nước qua đập thủy điện Sông Tranh 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

V.V.T.

Cùng với các chuyên gia của Cục Kiểm định nhà nước, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cũng thị sát hiện trường. Sau hơn ba giờ khảo sát nhiều nơi, đoàn công tác đã có cuộc họp với các bên liên quan cùng chính quyền địa phương để thông báo kết luận ban đầu.

Tại cuộc họp, báo cáo của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết đã có công văn khẩn gửi Bộ Công thương về việc kiểm tra hiện trường vào ngày 20-3 do ông Trần Văn Được, phó tổng giám đốc EVN, ký. Báo cáo nêu rõ không phát hiện vết nứt trên thân đập, có hiện tượng nước chảy bốn vị trí khe nhiệt (số k18, k21, k24, k28) ở phía hạ lưu. Cũng chiều qua, trong báo cáo gửi đoàn công tác của Cục Kiểm định nhà nước, đoàn khảo sát đánh giá của tỉnh Quảng Nam báo cáo có thêm hai vệt nước chảy ra từ thân đập (tại khe số k16 và k11).

Ông Đặng Phong, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, phản ảnh với đoàn công tác: “Việc xì nước mới xuất hiện, tần suất nước chảy ra của bờ đập ngày càng nhiều, đặc biệt là sau khi những trận động đất kích thích vừa xảy ra. Vết hở trên đập rất nhiều, giải pháp hiện nay là trám lại bề ngoài không làm cho người dân và chính quyền an tâm. Tính mạng người dân phải đặt lên hàng đầu. Việc xử lý phần hạ lưu của bờ đập hiện nay là không có căn bản. Đề nghị ngừng vận hành đập để xử lý phía thượng lưu”. Ông Phong cũng kiến nghị Viện Vật lý địa cầu đặt các trạm quan trắc dự báo chính xác các mối liên quan giữa động đất và con đập.

Theo đánh giá của đoàn kiểm định, lượng nước thu được hiện nay với 30 lít/giây là khá lớn. Đoàn kiểm định đã chỉ đạo công trường phải lập tức giảm mực nước. Khi lượng nước trong hồ giảm xuống, nhà thầu phải kiểm tra ngay phần vỏ đập. Có thể xử lý bằng cách đổ nhựa đường hoặc phun bêtông vào các khe rãnh, hoặc “tiêm” ximăng vào đó. Việc để nước thấm qua thân đập sẽ ảnh hưởng đến công trình.

Ông Nguyễn Đức Hải khẳng định: “Có sai sót trong thiết kế, thi công thì mới xì nước. Việc này không thể bình thản mà có vấn đề nhất định. Xử lý phải căn cơ mang tính khoa học. Đơn vị thi công xử lý bằng cách nhét bao cát làm dân không an tâm. Đề nghị các cơ quan liên quan sớm làm rõ nguyên nhân và xử lý triệt để”.

hcNAeNNF.jpgPhóng to
Sơ đồ vị trí đập thủy điện Sông Tranh 2 - Đồ họa: V.Cường

Thiếu trách nhiệm

TS Bùi Trung Dung cho biết: nước chảy ra từ đập chắn là từ các “khe co giãn” chứ không phải “khe nhiệt” như báo cáo trước đây. Vì các khe nhiệt này nằm ở phía thượng lưu của con đập và được chắn bởi các van omega bằng đồng nên nước không thể chảy qua. Đo bằng kính lúp có phát hiện hai vết nứt 3mm và 2,2mm tại khe biến dạng số 11 và khe số 6. Tuy nhiên, vết nứt này không đáng quan ngại.

Giải thích về nguồn nước và nguyên nhân nước chảy ra ngoài, TS Dung nhấn mạnh: “Do thiết kế công trình không có ống thu nước bên đường hầm ở rãnh bên trái phía hạ lưu. Trong khi đó rãnh bên phải lại có ống thu nước về phía thượng lưu. Chính vì nước đọng ở rãnh bên trái, các khe co giãn không có các van omega, vì thiết kế phía hạ lưu không có nước nên người ta không đặt các van này, nên nước mới thoải mái chảy ra khe co giãn”.

Cũng theo TS Dung, nước ngấm vào các khe co giãn và bêtông đầm lăn bởi loại bêtông có mác thấp nên nước ngấm chảy qua. Lỗi thứ 2 là lỗi do khai thác sử dụng, nếu khi khai thác sử dụng thấy nước chảy thì phải tháo nước ra tìm ngay nguyên nhân, nhưng đơn vị khai thác không làm điều đó. “Việc đơn giản nhưng vẫn chậm xử lý, gây bức xúc trong dư luận” - TS Dung nói.

Nguyên nhân thứ 3 là ở phía nhà thầu, theo phân tích của TS Dung, công trình đang trong giai đoạn bảo hành nhưng nhà thầu thiếu tích cực cùng với chủ đầu tư khắc phục các khiếm khuyết. Nếu nhà thầu không phát hiện, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị giám sát cũng phải phát hiện vấn đề này. “Cả một hệ thống đều thiếu trách nhiệm! Tất cả đều có khuyết điểm trong trường hợp này” - TS Dung khẳng định.

“Chúng tôi được biết EVN đang chỉ đạo nhà máy thực hiện phát điện hết công suất để nước giảm nhanh và tìm cách khắc phục sớm. Đó là biện pháp tích cực. Riêng ngày 21-3, mực nước đã giảm 1m. Nước sẽ giảm nhanh và sớm khắc phục tình trạng này” - TS Dung cho hay.

Không có phương án đối phó với trường hợp vỡ đập

Ông Nguyễn Minh Tuấn - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Nam - cho biết công trình đập Sông Tranh 2 là công trình thiết kế thân đập theo trọng lực. Đập thiết kế vĩnh cửu nên không có phương án về việc vỡ đập, cũng như kịch bản di dân, phòng chống và diễn tập cho dân vùng hạ lưu. Nếu đập vỡ thật sự do sự cố nào đó thì toàn bộ vùng hạ lưu sông Tranh, sông Thu Bồn từ Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An... sẽ thiệt hại khôn lường.

Thủy điện Sông Tranh 2 có thiết bị quan trắc dịch chuyển đập

Theo một cán bộ của Ban quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư dự án đã lắp đặt một hệ thống quan trắc đập vào bên trong thân đập với tổng trị giá gần 400.000 USD. Nhiệm vụ của thiết bị này là quan trắc 24/24 giờ để thu tín hiệu về sự chuyển đổi nhiệt độ bên trong thân đập cũng như ghi lại những dư chấn nếu có xảy ra trong lòng đất. Trên cơ sở các số liệu quan trắc, các kỹ sư chuyên gia vận hành nhà máy thủy điện có thể biết được sự chuyển dịch vị trí của thân đập.

Đ.NAM

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Nhiều vết nứt trên đập thủy điện Sông Tranh 2Đập Sông Tranh "có vấn đề"EVN làm việc vụ thủy điện Sông Tranh 2Yêu cầu khắc phục lỗi đập thủy điện Sông Tranh

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên