17/01/2024 10:41 GMT+7

Đạo Thầy Trò - Kỳ 5: Thầy cô ơi, chúng em đã về đây!

20 năm trước, năm 2003, khóa học trò Trường THPT Nông Sơn (Quảng Nam) chúng tôi rời trường. Thời đó khó khăn vô cùng, để đi học đại học là chuyện khó (vì không dễ đỗ đại học như bây giờ).

Mười suất học bổng đầu tiên từ tấm lòng cựu học trò được trao tặng đến lãnh đạo Trường THPT Nông Sơn - Ảnh: L.Đ.L.

Mười suất học bổng đầu tiên từ tấm lòng cựu học trò được trao tặng đến lãnh đạo Trường THPT Nông Sơn - Ảnh: L.Đ.L.

Và khó còn bởi vì đa số chúng tôi là học trò nghèo vùng miền núi hút heo đèo dốc.

Dẫu có đi đâu, tình thầy cô vẫn mãi

Thầy cô cũng nghèo nhưng vì yêu học trò nên bám lớp bám trường. Học trò cảm được cái tình của thầy cô nên kính nể và biết ơn vô vàn. Sau 20 năm ra trường, Tết Quý Mão (2023), Lưu Quỳnh Anh, trưởng ban liên lạc cựu học sinh khóa 2000 - 2003, chia sẻ: "Chúng mình nên quay về, trước là thăm thầy cô, sau là làm một gì đó có ích".

Tháng 4-2023, nhóm hơn 10 thành viên ban liên lạc, có tôi, đã phát động cuộc trở về thăm trường xưa, với chủ đề "20 năm ngày trở về". Mọi người hồi hộp: "Mới đó mà đã 20 năm ra trường!".

Tôi và các bạn nhớ thật nhiều kỷ niệm với thầy cô cũ nơi trường nghèo. Minh Hằng, bạn cùng lớp, cùng khóa, đồng môn bồi dưỡng văn của tôi, chia sẻ hình ảnh thầy Nguyễn Hữu Có (nguyên hiệu trưởng) hay thầy Lê Duy Thông (giáo viên dạy toán) luôn đầy yêu kính trong bạn.

"Thầy Có là người lãnh đạo trường từ thời khó khăn, từng bước đưa ngôi trường từ chỗ đơn sơ thành khang trang hơn. Thầy Thông là người giảng bài cuốn hút và giúp học trò dễ hiểu nhất", Minh Hằng chia sẻ.

Một đàn anh từng học với thầy Thông kể về tấm áo mới thầy trao đầy xúc động khiến tôi cũng nhớ đến thầy Trần Minh Hưng - giáo viên dạy hóa của tôi năm lớp 10, 11.

Gần Tết năm tôi học lớp 11, sau tiết dạy, thầy nói nhỏ với tôi: "Cuối buổi em xuống phòng thầy nhờ tí việc nha". Tôi dạ, cuối buổi xuống phòng thầy - ở khu nội trú dành cho giáo viên của trường. Thầy gửi tôi một xấp vải trắng và dặn dò: "Em về may áo mặc. Tết nhất rồi. Thầy có nhiều quá mặc không hết".

Tôi nghe xong vừa bất ngờ, vừa xúc động. Có lẽ thầy quan sát thấy tôi - một học trò nghèo nhất lớp lúc ấy - chỉ có mỗi một chiếc áo trắng thâm kim mặc đi lại hoài nên dành món quà đặc biệt này. Tết năm đó tôi có áo mới.

Sau này, ngay cả khi không còn dạy tôi (năm lớp 12) nhưng thầy và cô Bích Lời (vợ thầy) vẫn thường xuyên động viên tôi cố gắng học tập.

Khi hay tin tôi đỗ đại học ở Sài Gòn, thầy cô vào tận nhà rồi gửi tôi bao thư 100.000 đồng (rất lớn ở quê thời đó, những năm đầu 2000) để phụ tôi tiền xe. "Có khó khăn gì em nhớ nói thầy cô nghe". Cái ơn ấy tôi nhớ mãi dù sau này ít có dịp được gặp thầy.

Thầy Nguyễn Ngọc Sáng chấm thi một hội trại của học sinh Trường THPT Nông Sơn - Ảnh: tư liệu

Thầy Nguyễn Ngọc Sáng chấm thi một hội trại của học sinh Trường THPT Nông Sơn - Ảnh: tư liệu

Ngày trở về

"20 năm ngày trở về, gặp lại bạn bè xưa, thầy cô cũ, thăm lớp học mà mình đã từng mài đũng quần ba năm THPT, ai cũng háo hức", Lưu Quỳnh Anh nói.

Miệt mài chuẩn bị gần ba tháng, cuối cùng cũng chu toàn mọi thứ. Có đến 90% cựu học sinh đăng ký trở về thanh xuân, tri ân thầy cô. Tháng 7-2023, chúng tôi - ban tổ chức ngày hội khóa cùng hơn 200 bạn cựu học sinh về dự ngày tri ân thật ấm áp.

Bạn Lưu Quỳnh Anh, trưởng ban tổ chức, phát biểu tại buổi tri ân đã xúc động bày tỏ: "Chúng em về đây trong ngày hội khóa, đầu tiên là để trở về thanh xuân.

Điều thứ hai, khi về trường, tụi em muốn báo cáo với thầy cô rằng, chúng em đã trưởng thành trở thành người tử tế, hứa với thầy cô từ nay về sau sẽ tiếp tục tử tế".

Nhìn lại 20 năm thanh xuân đi qua, từ những cô cậu học trò hồn nhiên chúng tôi trở thành ông bố, bà mẹ trung niên.

"Dạ thưa thầy cô, chúng em đã về đây!", Nguyễn Kim Oanh, lớp 12/6, khóa 2000 - 2003, vỡ òa khi phát biểu tri ân. Nước mắt rưng rưng, hơn 30 thầy cô cũ quay lại nhìn những "đứa con" của mình nay có đứa đã... lấm tấm tóc bạc.

Tất cả học sinh cũ đặt tay lên ngực trái cúi đầu tri ân, nhất tâm nói lời cảm ơn sâu mà mình chưa kịp bày tỏ lúc ra trường.

Tiếp nối thầy cô

Theo Quỳnh Anh, tri ân và báo ân giúp mình sống tốt hơn. Từ đó, có hướng đi sáng đẹp, trở thành người tử tế hơn. Thầy Nguyễn Hữu Có trong buổi gặp mặt đã xúc động nói: "Có nhiều thầy cô đã nghỉ hưu, chuyển công tác, nay gặp lại trong ngày hội khóa này, đó là món quà các em dành tặng cho tôi".

Còn thầy Trần Minh Hưng thì lần nào có dịp gặp cũng vỗ vai: "Em được vậy thầy cô rất mừng". Lần này thầy cũng vỗ vai trìu mến như vậy dành cho tôi và các bạn.

Sau những phút giây xúc động, ban liên lạc cựu học sinh khóa 2000 - 2003 của chúng tôi cũng được chính thức ra mắt với 13 thành viên ban đầu. Đây cũng là thành viên ban điều hành Quỹ học bổng cựu học sinh của khóa, với nguyện vọng sẽ đồng hành cùng nhà trường trong công tác khuyến học, khuyến tài.

Hoạt động đầu tiên của quỹ đã tạo được sự lan tỏa và chạm đến trái tim thầy và trò - là cựu học sinh. Chúng tôi tổ chức đấu giá chiếc áo có chữ ký của thầy cô, một số bạn trong ban tổ chức, kêu gọi đóng góp vào quỹ.

Phiên đấu giá và ủng hộ trực tiếp vào Quỹ học bổng cựu học sinh khóa 2000 - 2003 được 80 triệu đồng.

Tất cả thành viên ban liên lạc hứa với thầy cô rằng sẽ chung tay chăm cho quỹ học bổng này thêm lớn, với những hoạt động ý nghĩa dành cho học sinh của Trường THPT Nông Sơn. Thầy Nguyễn Hữu Thu, giáo viên dạy văn của chúng tôi ngày đó, tâm sự: "Các em trưởng thành, sống tử tế mỗi ngày, đó chính là món quà lớn nhất thầy cô mong chờ".

Thầy Nguyễn Ngọc Sáng, giáo viên chủ nhiệm của tôi ba năm thì cứ nắm tay từng đứa học trò cũ: "Các em trở về và làm một việc quá tốt. Thầy hạnh phúc, tự hào vì những việc tích cực các em đã làm cho thế hệ sau". Theo thầy, đó cũng chính là bài học đạo đức, ơn thầy nghĩa bạn đáng quý chúng tôi đã cùng viết nên bằng hành động thiết thực.

"Cùng nhau chắp cánh ước mơ cho thế hệ sau, đó như tâm nguyện của quý thầy cô bám trụ với trường nghèo và vùng núi này đã gửi gắm suốt bao năm, các em đã làm được điều tuyệt vời" - thầy Trịnh Thanh Thu, giáo viên môn giáo dục công dân, trải lòng.

Em cần sách gì nói thầy nha

Là một học trò "hướng nội", tôi hơi nhút nhát, ngại nói khó khăn của mình. Hiểu tánh tôi, thầy Nguyễn Ngọc Sáng - giáo viên chủ nhiệm kiêm dạy bộ môn văn - người giúp tôi thêm yêu viết lách, văn chương qua những giờ giảng nói: "Em cần sách gì nói thầy nha".

Từ chia sẻ của thầy trong một buổi dạy bồi dưỡng học sinh giỏi mà tôi đã "dám" mở lời cho em mượn Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh - Hoài Chân), Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng), Truyện Kiều (Nguyễn Du) cùng nhiều tuyển tập thơ văn khác...

Đó là sách mà thầy chắt chiu mua dần từ thời học đại học ở Đà Lạt. Tôi mở những trang sách và đọc với niềm vui có chữ để đọc (trong bối cảnh sách vở thiếu thốn của một học sinh miền núi) và cả hạnh phúc vì có người thầy đã nhìn thấy khao khát được học và được đọc của học trò - là tôi.

Với tôi, thầy Nguyễn Ngọc Sáng là người đã tưới tắm tình yêu văn chương sâu đậm trong đời học sinh mình.

Thầy đã chuyển trường nhưng mỗi khi nhắc tới chúng tôi, thầy đều bảo: "Khóa tụi em là khóa đáng nhớ nhất trong nghiệp giáo của mình, không chỉ là khóa đầu tiên khi ra trường đảm nhận chủ nhiệm mà còn bởi độ hiền lành, chăm chỉ, dễ thương"...

*********

Mặc thế sự cứ diễn ra những chuyện xót xa về tình thầy trò sa sút đến đau lòng, sư môn võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do ở Huế vẫn bình yên qua bao năm tháng, bằng đạo nghĩa mà thầy trò họ tôn kính và thực hành mỗi ngày.

>> Kỳ tới: Thầy gọi là chúng con có mặt!

Sáng kiến của thầy, ích lợi cho tròSáng kiến của thầy, ích lợi cho trò

Thầy Võ Châu Thanh, giáo viên tin học Trường tiểu học Trưng Vương (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), có nhiều sáng kiến trong giảng dạy xuyên suốt nhiều năm học.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên