Hai lao động trẻ trốn thoát khỏi bãi vàng khổ saiHàng trăm phu vàng ùn ùn chạy trốn khỏi mỏ vàng
Phóng to |
Phạm Văn Hảo (trái) bây giờ ngày ngày làm đồng, làm vườn với mẹ. Những ngày tháng ở bãi vàng là ác mộng với bạn trẻ nhà nghèo này - Ảnh: Hà Đồng |
Đã 10 ngày từ hôm về quê đến nay, Hảo bị sốt cách nhật, da dẻ xanh xao, nhợt nhạt. Nhưng sốt rét chưa kinh hoàng bằng những ngày tháng sống ở bãi vàng.
Như lao động khổ sai
Ngoài Tết Giáp Ngọ, hàng chục lao động (chủ yếu là các bạn trẻ từ 16-20 tuổi, chưa học hết THCS và đều diện hộ nghèo) ở xã Ngọc Khê, xã Mỹ Tân (Ngọc Lặc) nghe theo lời “cò” lao động, đi vào làm việc tại các bãi đào vàng ở tỉnh Quảng Nam. Cường và Hảo trong số đó.
Phạm Văn Cường cho biết vì ở nhà không có việc làm, gia đình lại túng thiếu nên khi nghe ông Phạm Văn Ảnh (ở xã Mỹ Tân) giới thiệu, đưa đến bãi đào đãi vàng ở tỉnh Quảng Nam làm thuê với mức lương 4 triệu đồng/tháng, sáu tháng trả một lần 24 triệu đồng, nhiều người nghe theo. Ngày 19-2, Cường cùng nhiều lao động được ông Ảnh đưa vào xã Phước Thành, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) làm tại bãi vàng cho một ông chủ người thị trấn Khâm Đức (Cường không nhớ họ tên - PV). Bàn giao xong ông Ảnh đi mất.
Bước vào bãi vàng này, Cường và hàng chục lao động cùng quê làm việc quần quật, có ngày phải làm việc từ 9-10 giờ liên tục. Công việc làm trong hầm đào vàng ăn sâu vào đồi núi khoảng 150m, đào đất, đẩy xe rùa chở đất ra suối, cõng dầu (đi bộ đường rừng 3-4km), đãi vàng... Các lao động bị “cai” hầm vàng quản thúc chặt chẽ, bóc lột sức lao động. Người nào làm không đúng ý của “cai” hoặc có ý định bỏ trốn liền bị đánh đập, chửi bới, sỉ nhục thậm tệ. Cường cho biết làm việc tại bãi vàng được ăn uống no đủ, không bị đói, nhưng rất cực nhọc.
Làm gần được một tháng, biết mình bị lừa đưa vào đây lao động khổ sai, Cường cùng Hảo và tám người ở huyện Ngọc Lặc xin nghỉ để về quê, nhưng “cai” hầm không cho. Đến ngày 16-3, Cường và mọi người trốn khỏi bãi vàng này, băng đường rừng tìm ra thị trấn Khâm Đức để mong tìm được việc làm thuê, kiếm tiền mua vé xe về quê. Trên đường đi, các em gặp ông Vinh (quê xã Mỹ Tân), lại đưa mọi người đi làm ở một bãi vàng khác ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam), hứa trả cho mỗi lao động 3,5 triệu đồng/tháng, làm tốt sẽ tăng lên 4 triệu đồng/tháng.
Nhưng công việc ở bãi vàng xã Tam Lãnh vất vả hơn nhiều. Nhiều hôm phải làm cả ngày đêm, đào đất ngoài trời rất mệt mỏi, lại bị hành hạ, sỉ nhục nên làm được khoảng 10 ngày, Cường và số người ở Ngọc Lặc lại rủ nhau trốn. Sau một ngày đêm băng rừng lội suối với nhiều hiểm nguy rình rập, Cường, Hảo và nhiều lao động đến một nhà dân ở xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước), nhờ họ báo công an. Ngày 28-3, số lao động này được công an địa phương giải cứu, đưa đến Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Quảng Nam.
Cường buồn rầu: “Em chỉ học hết lớp 7 rồi bỏ học đi làm thuê nhiều nghề mưu sinh, giúp đỡ bố mẹ. Năm ngoái em cưới vợ, gia đình lại nợ chồng chất. Thương bố mẹ già, vợ lại đang mang bầu nên ra tết nghe theo ông Ảnh đi vào bãi vàng Quảng Nam làm thuê, mong kiếm tiền để dành cho lúc vợ sinh em bé, nhưng lại gặp cảnh trớ trêu này”.
Ông Phạm Văn Hải - bố của Phạm Văn Hảo - cho biết hôm nghe tin Hảo được giải cứu từ bãi vàng, đưa về Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Quảng Nam, cả nhà mừng lắm. “Sau đận này, gia đình tính cho con đi học cái nghề để mưu sinh. Sợ lắm rồi!”.
Đoàn vào cuộc thông tin, hướng nghiệp
Anh Bùi Văn Tùng - bí thư Đoàn xã Ngọc Khê - cho hay để các bạn trẻ tự do đi làm việc tại các bãi vàng, không có người quản lý, trách nhiệm trước tiên thuộc về gia đình. Nhiều bạn trẻ không được gia đình quản lý chặt chẽ, khi bỏ học sớm, thiếu hiểu biết pháp luật, nghe bạn bè rủ rê là bỏ nhà, trốn đi làm thuê cho các “cò” lao động.
Ngay sau khi biết thông tin Cường, Hảo được giải cứu từ bãi vàng tỉnh Quảng Nam trở về, xã đoàn đã đến từng nhà thăm hỏi, động viên và hiện đang rà soát toàn bộ số lao động trẻ đã, đang đi đào đãi vàng ở nhiều tỉnh trong cả nước, có lao động đi làm cả bên Lào.
Anh Lê Bá Ngà - bí thư Huyện đoàn Ngọc Lặc - cho biết dù huyện đoàn đã có nhiều chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên nhưng chưa thấm vào đâu. Hiện nay huyện đoàn đang cho rà soát, thống kê toàn bộ số ĐVTN độ tuổi lao động ở các xã, thị trấn để có chương trình tư vấn, hướng nghiệp, trợ giúp pháp lý thiết thực hơn cho các bạn trẻ trên con đường lập thân lập nghiệp.
Anh cho biết ngay trong tháng 4, huyện đoàn tập trung hướng nghiệp, giới thiệu cho các bạn trẻ đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Malaysia, Ả Rập... Đồng thời tuyển chọn, giới thiệu hàng trăm lao động trẻ đi học nghề tại các trường trung cấp nghề trong, ngoài tỉnh để đón đầu các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi sắp triển khai trên địa bàn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận