14/03/2020 13:30 GMT+7

Đào tạo và sát hạch lái xe: Dạy và học đều cần nghiêm túc

NGUYỄN QUỐC VỸ  - LAM GIANG
NGUYỄN QUỐC VỸ - LAM GIANG

TTO - LTS: Rất nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi thông tin giáo viên dạy lái xe sử dụng chứng chỉ giả trên Tuổi Trẻ (từ ngày 7-3). Trang bạn đọc trân trọng giới thiệu 2 ý kiến trong số này.

Hình ảnh người thầy đã "tan biến"

Tôi - một giảng viên dạy nghiệp vụ sư phạm cho những người có nguyện vọng làm giáo viên dạy lái xe. Đến nay, nơi tôi giảng dạy đã tổ chức được gần 50 khóa nghiệp vụ sư phạm với hàng ngàn học viên có chứng chỉ. Việc dạy, học, thi các môđun trong chương trình đào tạo được tổ chức nghiêm túc. Nhiều học viên phải học lại, thi lại vì không đủ điều kiện đầu ra của chương trình.

Để trở thành một người thầy chuẩn mực, mô phạm chưa bao giờ là dễ, và giáo viên dạy lái xe cũng vậy. Tác phong không thể xuề xòa, lời nói không thể "sao cũng được".

Cách đây hơn 10 năm, khi học lái xe chưa phải là "phong trào", tôi từng tham gia học. Ngày đầu tiên, đến nơi tập trung, thầy giáo yêu cầu lên cầm vôlăng, trong khi tôi chưa biết về ga, côn, số, thắng... Điều khiển xe ngoài đường vắng được vài mét thì tôi giậm thắng, không chỉ thầy giáo ngồi bên cạnh "hết hồn", các học viên ngồi sau xe cũng "chúi mũi". Thầy phê bình là "lái yếu".

Lần sau, thầy lại tiếp tục "thử thách" tôi bằng việc yêu cầu lái từ đường quốc lộ về trung tâm thành phố trong buổi chiều tối. Đường tối, xe khách đi ngược chiều "ra sức" chiếu đèn, bấm còi... Và tôi đành "đầu hàng" cho dù thầy ngồi bên có thể chụp tay lái hoặc giậm thắng nếu thấy tình huống nguy hiểm. 

Không có một phương pháp sư phạm nào lại yêu cầu học viên "lao" ra nơi nguy hiểm, trong khi họ chưa được trang bị gì. Nhưng tôi đã bắt đầu học lái xe như thế. Sau hai tuần (mà thực ra là gần hai buổi, vì chỉ học cuối tuần) học lái xe, tôi đã dừng học.

Việc góp tiền để "uống cà phê" kể ra cũng có nhiều điều đáng buồn. Sau mỗi buổi tập dường như có đủ lý do để ăn uống và phong bì gửi kèm. Khoản "tiền cà phê" đó có khi nhiều hơn học phí. Tất nhiên, có những giáo viên không muốn nhận gì từ học viên nhưng không nhiều. 

Có nhiều lý do của việc đưa và nhận. Nhưng tôi chắc chắn rằng sẽ không mấy học viên vui vẻ khi phải góp tiền như vậy. Có chăng, vì họ cần có bằng lái... và sau đó hình ảnh người thầy cũng "tan biến" sau khóa học.

Bạn đọc Nguyễn Quốc Vỹ (Quy Nhơn, Bình Định)

Không thể du di cho qua

Vẫn có những người mang tư tưởng chỉ cần đậu sát hạch lái xe là được, lý thuyết (luật) chỉ cốt qua kỳ thi, sau đó thì vừa chạy vừa học! Chính vì vậy mà bạn tôi lái xe vài ba năm rồi vẫn cho xe đỗ ngay sau biển cấm vì bạn không bận tâm lắm với các kiểu biển cấm, biển báo! Có người học xong, có giấy phép lái xe, về ôm xe chạy rồi mỗi tháng đưa xe đi gara sửa mấy lần vì luôn bị va quệt. Rồi chuyện lái ôtô rẽ không xinhan, chạy cắt ngang đầu xe khác, đỗ xe ngay góc cua của ngã ba ngã tư, đỗ xe trên phần đường vào ra các cơ quan... cũng không ít.

Ở phần thực hành, nhiều người vắng mặt vì công việc, cũng có người bỏ học chỉ vì trời nắng nóng hay mưa rét. Khi sát hạch, thầy dạy lái tận tình chỉ dẫn tập trung những thao tác để đi thi. Cần phải ngăn chặn tai nạn giao thông ngay trong trường dạy lái ôtô. Phải giữ nghiêm các quy định để đảm bảo học viên học đủ kiến thức và kỹ năng, cấm tiệt chuyện du di cho qua. Phải quyết gạn lọc những người chưa đạt (cả lý thuyết và thực hành), họ phải thi lại đợt sau... Như vậy mới ngăn được chuyện người có bằng vẫn "mù" luật giao thông và những người lọng cọng tay lái vẫn ôm xe ra đường.

Bạn đọc Lam Giang (Quảng Bình)

Bằng lái xe thật mà không thật Bằng lái xe thật mà không thật

TTO - Tôi có bằng lái ôtô hạng B2 đã hơn 2 năm nay. Tôi có học, có thi, nhận giấy phép lái xe rồi nhưng tôi không dám lái xe ra đường.


NGUYỄN QUỐC VỸ - LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên