04/11/2014 08:51 GMT+7

​Đào tạo nhân lực cho nghệ thuật dân tộc: khó vẫn làm

BAN VHVN
BAN VHVN

TT - Nhạc viện TP.HCM khẳng định không có chuyện nhạc viện giải tán khoa âm nhạc dân tộc. Khoa này vẫn đang phát triển với khoảng 100 học viên theo học.

Ðào tạo học viên cho âm nhạc dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính của Nhạc viện TP. Ảnh tư liệu.

SV tốt nghiệp ra trường đều có việc làm 

Xung quanh thông tin “Nhạc viện TP giải tán khoa âm nhạc dân tộc vì không có người theo”, ThS Phạm Vũ Thành - phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM - khẳng định: Không có chuyện nhạc viện giải tán khoa âm nhạc dân tộc mà khoa này vẫn đang phát triển với khoảng 100 học viên theo học, năm nay khoa cũng bắt đầu đào tạo tiến sĩ. 

Ðào tạo học viên cho âm nhạc dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính của Nhạc viện TP. Sáng nay 4-11, nhạc viện tổ chức lễ phát bằng tốt nghiệp cho các học sinh sinh viên vừa tốt nghiệp năm 2014, trong đó có 11 học viên khoa âm nhạc dân tộc.

Thông tin từ Nhạc viện TP cũng cho biết khoa âm nhạc dân tộc của trường đang đào tạo các bộ môn đàn tranh, bầu, nhị, nguyệt, sáo, tam thập lục, guitare phím lõm, tì bà...

Riêng khóa học 2014-2015, theo ThS Huỳnh Khải - quyền trưởng khoa âm nhạc dân tộc, trường đã tuyển sinh được tổng cộng 27 học viên, gồm hai học viên trung cấp dài hạn sáu năm, 12 học viên trung cấp cơ bản bốn năm và 13 sinh viên đại học ở tất cả chuyên ngành.

“Số lượng đó là rất khiêm tốn nếu so với các trường đại học thông thường, nhưng đối với hệ thống các trường chuyên nghiệp có đặc thù yêu cầu cao và riêng biệt thì đó vẫn là tín hiệu đáng mừng.

Chương trình học không đơn giản và thời gian đào tạo lâu là một trong những khó khăn của các học viên. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là gần 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có việc làm và đóng góp công sức không nhỏ trong việc phổ biến và tuyên truyền âm nhạc dân tộc tại TP.HCM và khu vực phía Nam...” - ThS Huỳnh Khải nói.

Tiếp tục đào tạo

Trước đó ngày 30-10, tại buổi làm việc giữa Ðoàn đại biểu Quốc hội, HÐND TP.HCM với Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM cùng các sở ngành liên quan về tình hình đào tạo nhân lực lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật của TP thời gian qua, ông Võ Trọng Nam - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM - đã nêu những khó khăn của loại hình nghệ thuật dân tộc khi không có người theo học cũng như chuyện một số khoa bị giải tán.

Giải thích về những khác biệt này, chiều 3-11 ông Nam cho biết do có rất nhiều nội dung tại cuộc họp về vấn đề đào tạo nước ngoài, đào tạo trong nước và đào tạo cho bộ môn truyền thống bằng phương pháp truyền nghề, phương pháp liên kết đào tạo nên thông tin có sự lẫn lộn lúc diễn giải. Còn hiện nay, tại Nhạc viện TP.HCM vẫn có khoa âm nhạc truyền thống dù có những khó khăn riêng.

Cũng liên quan đến phát biểu của ông Võ Trọng Nam, chiều 3-11 PGS.TS.NGƯT Phan Bích Hà - hiệu trưởng Trường ÐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM - đã có phản hồi đến báo Tuổi Trẻ, cho biết hiện Trường ÐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM có khoa kịch hát dân tộc đào tạo diễn viên cải lương và nhạc dân tộc (nhạc công sân khấu cải lương).

Khoa này hiện có chín lớp đang theo học (sáu lớp diễn viên, ba lớp nhạc dân tộc) với tổng số 72 sinh viên.

“Riêng về môn hát bội, theo lời kể của nguyên hiệu trưởng Ca Lê Hồng, đạo diễn Thanh Hạp và NSƯT Xuân Quan, Trường Nghệ thuật sân khấu 2 những năm 1976-1980 có khoa hát bội. Sau đó, trường này đã không còn tuyển sinh nữa.

Tuy nhiên, hiện Trường ÐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM đã đào tạo được chín đạo diễn sân khấu cho Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM.

Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục đào tạo khoa kịch hát dân tộc để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao phó, cũng như đáp ứng nhu cầu của xã hội” - PGS.TS Bích Hà nói. 

BAN VHVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên