27/02/2016 10:07 GMT+7

Đạo diễn Lê Dân: còn mãi trong ký ức

PHẠM THÙY NHÂN (nhà biên kịch điện ảnh)
PHẠM THÙY NHÂN (nhà biên kịch điện ảnh)

TT - Tôi gặp đạo diễn Lê Dân (Lê Hữu Phước) vào năm 1980, bấy giờ tôi đang làm công tác sân khấu tại Nhà nghệ thuật quần chúng TP.HCM.

NSƯT - đạo diễn Lê Dân (trái) trong dịp khởi quay bộ phim Những bức thư từ Sơn Mỹ tại Quảng Ngãi năm 2010 - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
NSƯT - đạo diễn Lê Dân (trái) trong dịp khởi quay bộ phim Những bức thư từ Sơn Mỹ tại Quảng Ngãi năm 2010 - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Anh Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt) bất ngờ nói với tôi: “Tao đã giới thiệu mày cho anh Lê Dân, ảnh chịu rồi, mày tới gặp ảnh ngay!”.

Tôi rất mừng vì có cơ hội được làm việc với nhà đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh Sài Gòn với những bộ phim như Nhà tôi, Trường tôi, Loan mắt nhung...

Lúc đó anh đang chuẩn bị thực hiện bộ phim Đứa con bị từ chối, họa sĩ Ớt vốn có khuôn mặt và đôi mắt đẹp được anh mời đóng vai chiến sĩ du kích Trực trong phim này.

Biết họa sĩ Ớt quen biết nhiều anh em văn nghệ sĩ, anh Lê Dân nhờ anh Ớt tìm giùm một người có khả năng biên kịch và đạo diễn để giúp anh biên tập kịch bản và dàn dựng tại hiện trường.

Tôi gặp anh Lê Dân cơ duyên là vậy. Không ngờ cuộc gặp gỡ đó là sự mở đầu cho một cuộc hợp tác lâu dài với anh trên nhiều cương vị khác nhau.

Bấy giờ tại Xí nghiệp phim Tổng hợp (sau là Hãng phim Giải Phóng), đạo diễn Lê Dân đã thực hiện các phim: Cánh đồng mơ ước (biên kịch: Lê Văn Thảo, 1978), Trang giấy mới (biên kịch: Xuân Mai, 1979) và Đứa con bị từ chối (biên kịch: Nguyễn Kế Nghiệp, 1980) là bộ phim thứ ba của anh sau ngày đất nước thống nhất.

Cũng từ bộ phim này, với sự giới thiệu của đạo diễn Lê Dân, tôi chuyển từ Nhà nghệ thuật quần chúng TP.HCM về Xí nghiệp phim Tổng hợp với vai trò phó đạo diễn.

Tôi chính thức từ giã sân khấu vào thời điểm đó để gắn bó với điện ảnh nhờ sự dẫn dắt, chỉ bảo từ trên sách vở đến hiện trường quay rồi cả trong giai đoạn hậu kỳ của thầy Lê Dân.

Mối quan hệ này gắn bó chúng tôi trong suốt nhiều năm sau đó. Tại Xí nghiệp phim Tổng hợp, anh tiếp tục là đạo diễn hai kịch bản đầu tay của tôi: Con mèo nhung (1981), Tiếng sóng (1983).

Còn tôi tiếp tục theo học nghề đạo diễn với thầy Lê Dân trong vai trò phó đạo diễn với ước mơ trở thành đạo diễn như thầy. Nhưng tôi đã không làm đạo diễn mà theo con đường biên kịch.

Nhiều năm sau khi có dịp hàn huyên, thầy nói: “Em đã có một sự chọn lựa đúng đắn. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh!”. Tôi nghĩ những gì mà tôi đã đạt được trong sự nghiệp có dấu ấn của thầy.

10 năm sau đó, tôi và nhà văn Ngụy Ngữ viết kịch bản phim Xương rồng đen (1991). Giám đốc Trần Thanh Hùng và phó giám đốc Nguyễn Ngọc Quang hỏi tôi muốn ai làm đạo diễn. Tôi nói: “Anh Lê Dân!”.

Bộ phim sau đó đạt được nhiều thành công trong nước cũng như tại các liên hoan phim quốc tế. Trong lần cùng phim Xương rồng đen sang Nhật Bản trở về, gặp tôi tại sân Xí nghiệp phim Tổng hợp, anh đi nhanh đến ôm chầm lấy tôi, đôi mắt anh đỏ hoe ngấn lệ nghẹn ngào nói: “Anh cảm ơn em!”.

Tôi cũng xúc động như anh vậy. Hai thầy trò, hai đồng nghiệp cùng sẻ chia niềm hạnh phúc của tình nghệ sĩ!

Tết năm ngoái (2015), tôi gặp anh trong buổi họp mặt các hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam và TP.HCM, trông anh đã yếu nhiều. Nhưng anh vẫn muốn đến để được gặp anh em đồng nghiệp.

Giờ anh vĩnh viễn chia tay rồi! Nhưng tôi tin rằng anh vẫn sẽ còn ở lại trong ký ức của bạn bè đồng nghiệp, của những người yêu điện ảnh!

Đạo diễn, NSƯT Lê Dân qua đời ở nhà riêng tại TP.HCM lúc 11g30 ngày 26-2, hưởng thọ 88 tuổi.

Lễ viếng bắt đầu từ 6g sáng 27-2 tại nhà riêng của đạo diễn Lê Dân ở Q.12, TP.HCM. Lễ di quan diễn ra lúc 6g ngày 29-2, an táng tại nghĩa trang Bình Dương.

PHẠM THÙY NHÂN (nhà biên kịch điện ảnh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên