17/08/2017 07:30 GMT+7

​Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Không có bọn trẻ chắc… điên

NGỌC DIỆP (thực hiện)
NGỌC DIỆP (thực hiện)

TTO - Bùi Thạc Chuyên đã từng là một đạo diễn rất nổi của điện ảnh miền Bắc vào đầu những năm 2000. Nhưng sự nghiệp điện ảnh của anh đã không thể cất cánh khi điện ảnh miền Bắc bước vào thời kì khủng hoảng.

Bùi Thạc Chuyên trong vai trò giảng viên tại TPD
Bùi Thạc Chuyên trong vai trò giảng viên tại TPD

Bùi Thạc Chuyên là đạo diễn của các bộ phim Cuốc xe đêm (2000), Sống trong sợ hãi (2005), Chơi vơi (2009), Lời nguyền huyết ngải (2012). Nhưng lâu nay, Bùi Thạc Chuyên ở một ngã rẽ mới: đào tạo những “mầm non” cho điện ảnh Việt.

Trong suốt 15 năm giữ vai trò “thuyền trưởng” của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Tài năng Điện ảnh trẻ (TPD), cùng với các cộng sự của mình, Bùi Thạc Chuyên đã tạo ra một cộng đồng làm phim độc lập lớn nhất Việt Nam, với 2000 thành viên.

TPD vừa kỉ niệm sinh nhật lần thứ 15 tại quán café O tree của vợ chồng Bùi Thạc Chuyên ở 71A Nguyễn Du. Như một ông bố, Bùi Thạc Chuyên tất bật cùng “những đứa con” của mình chuẩn bị cho bữa tiệc cây nhà lá vườn ấm cúng.

Hầu hết những vị khách tham dự đều cho biết họ cảm thấy hơi “choáng váng” vì 15 năm đã trôi qua, vì không ai ngờ TPD có thể tồn tại lâu đến vậy. Đánh dấu cột mốc này, TPD đã công bố sự ra đời của Quỹ Điện ảnh.

Tuổi Trẻ online đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ngay sau bữa tiệc sinh nhật.

* Trong khi Bộ VH-TT&DL và Cục Điện ảnh đã nghiền ngẫm rất nhiều năm mà vẫn chưa phát triển được Quỹ Điện ảnh, tại sao TPD lại lao vào việc khó khăn này?

- Kể từ năm 2013, sau khi quỹ Ford rút, TPD hoàn toàn phải tự lực.

Chúng tôi đã thành lập Công ty cổ phần phát triển điện ảnh (CDJ) dưới sự bảo trợ của Hội Điện ảnh Việt Nam, tập trung vào nhiệm vụ sống còn là mở các lớp học để từ đó có nguồn thu, đảm bảo chi phí cơ bản để tồn tại.

Chúng tôi vẫn dạy miễn phí cho học viên từ 15 đến 20 tuổi học phim tài liệu. Trong điều kiện như vậy các bạn ở TPD được dạy phải nỗ lực, học cách làm phim thật rẻ, làm thật giỏi thì sau đó mới kiếm tiền được. Ở đây mọi người làm phim rẻ lắm, vì học viên tự bỏ sức ra giúp nhau.

Tôi rất mừng là TPD luôn giữ được tinh thần như thế, đó là sự cố gắng rất lớn. Tuy nhiên số tiền thu về không đủ cho các hoạt động hỗ trợ. Việc thành lập Quỹ Điện ảnh là rất cần thiết, sẽ giúp chúng tôi tổ chức gây quỹ trên Internet, thu hút sự tài trợ của những mạnh thường quân.

Quỹ Điện ảnh do tôi, đạo diễn Thanh Vân, anh Hoàng Phương (cán bộ TPD) lập ra. Mục đích lập Quỹ là hỗ trợ, tài trợ các hoạt động sáng tạo nghệ thuật Điện ảnh trong cộng đồng các nhà làm phim trẻ.

Trước kia chúng tôi từng được tài trợ dự án “10 tháng 10 phim ngắn”, nhờ dự án này, những nhà làm phim như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Bùi Kim Quy đã có kinh nghiệm để đi đường dài.

TPD thành lập năm 2002, trực thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam, được Quỹ Văn hóa Ford bảo trợ. Năm 2013, Quỹ Ford rút, TPD đã phải tự lực cánh sinh.

TPD là một cộng đồng với hơn 2000 nhà làm phim  không chuyên và chuyên nghiệp.

Trong 15 năm, TPD đã triển khai hơn 200 lớp điện ảnh, tổ chức hơn 10 mùa làm phim truyện, hơn 6 mùa làm phim tài liệu.

Nhiều phim của học viên TPD đã đoạt giải tại một số liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Nhiều nhà làm phim trẻ bước ra từ TPD đã bắt đầu thành danh.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên 

* Vì sao các anh không thu phí các khóa học cao hơn?

- Thực ra mục tiêu, tôn chỉ của TPD là hoạt động phi lợi nhuận, hoạt động xã hội, chứ không phải kiếm tiền. Bản thân chúng tôi cũng chỉ muốn thu ở một mức độ vừa phải để tránh gây áp lực cho chính mình.

Nếu chuyển sang kinh doanh, mọi thứ sẽ khác. Làm sao giữ được tính cống hiến trong hoạt động của TPD là rất quan trọng. Khi chuyển sang chăm lo kinh doanh, mọi việc có thể sẽ đi theo hướng khó kiểm soát.

Chúng tôi cũng đang phấn đấu tổ chức các lớp dạy biên kịch, đạo diễn, diễn viên nhiều hơn, cố gắng “bán hàng tốt”.

Nhưng không biết những cán bộ của TPD có thể “bán hàng” tốt không vì toàn người thật thà như đếm. Họ là người hoạt động xã hội chứ không phải người kinh doanh. Cái khổ của là thế.

* 15 năm dành thời gian, sức lực cho TPD, đến giờ anh đã thấy mệt mỏi chưa?

- Tuổi trung niên mình phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, sức sáng tạo của mình cũng không còn được như xưa nữa. Ngày xưa có thể ngồi viết không cần uống trà, hút thuốc, nhưng giờ sức tập trung kém hơn.

Đời sống thì nhiều cái tiêu cực cứ bày ra trước mắt hàng ngày, tác động đến mình nhiều hơn. TPD là nơi tôi nhìn thấy tuổi trẻ của mình.

Dù các em rất hồn nhiên, vẫn còn nhiều vụng dại nhưng năng lượng tuổi trẻ, sự trong sáng, đơn sơ của các em đem lại cho tôi sức mạnh. TPD cho tôi cảm giác tôi vẫn đang được cống hiến, tôi đang làm một việc gì đó có ích.

Thực ra cách đây vài năm tôi đã giao việc quản lý cho các bạn trẻ ở TPD, các bạn ấy đã làm rất tốt. Nếu không có đội ngũ kế cận này, TPD không thể tồn tại.

Bùi Thạc Chuyên lên trao giải Búp sen vàng cho các thành viên TPD
Bùi Thạc Chuyên lên trao giải Búp sen vàng cho các thành viên TPD

* Được biết hai con trai của anh cũng học ở TPD. Làm điện ảnh bây giờ không khả quan cho lắm. Là cha, anh có chút nào lo lắng nếu con trai muốn nối nghiệp bố không?

- Chúng nó chơi ở đây như những đứa trẻ khác thôi. Tôi cũng khuyến khích bọn trẻ chơi được bao lâu thì chơi. Tuổi của chúng nó thay đổi hàng ngày.

Chúng nó sẽ tự quyết định mình chọn nghề gì. Nếu theo điện ảnh mà làm không được thì phải chuyển sang lĩnh vực khác thôi. Điều đó sòng phẳng và rõ ràng lắm. Ai cũng phải tự lực.

* Được biết, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ rời khỏi khu đất 51 Trần Hưng Đạo để di chuyển sang địa điểm mới, điều đó đồng nghĩa TPD cũng phải tìm địa điểm mới…?

- Đấy cũng là một vấn đề khiến chúng tôi đau đầu đấy. Dù Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết nếu Hội chuyển đi vẫn cho TPD tiền thuê địa điểm.

Nhưng để địa điểm đi vào hoạt động thì sẽ cần rất nhiều tiền, chứ không thể chuyển đến một cái nhà kho để ở tạm được.

Nhiều bi kịch ra phết đấy. Bọn tôi đang rất đau đầu về vụ này. Còn bọn trẻ con thì chúng chưa biết gì, vẫn chứ vui chơi thôi.

Khi Quỹ Ford rút không tiếp tục tài trợ cho TPD, Hội Điện ảnh Việt Nam cũng rất lo không biết TPD có tồn tại được hay không.

Bùi Thạc Chuyên đã tìm mọi cách xoay sở để TPD tồn tại. TPD tồn tại được 15 năm là quá bất ngờ.

Tôi cho rằng TPD đã làm được nhiều việc quan trọng đó là phổ cập điện ảnh cho giới trẻ ở Việt Nam, tạo ra một sân chơi bổ ích để giới trẻ vui chơi và sáng tạo.

Cũng từ trung tâm này đã có nhiều nhà làm phim trẻ thành danh!

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên 

* Nghe nói anh đang có một dự án phim đang tìm kiếm sự đầu tư của nhà nước?

- Tôi chưa thể công bố, vì dự án này rất tốn kém, tôi cũng đang vật vã tìm nguồn vốn đầu tư. Đó là một đề tài rất khó, rất hay.

* Lần này anh có tự viết kịch bản không? Dự án nghiêng về phim thương mại hay phim nghệ thuật?

- Đó là dự án phim chiến tranh, dựa theo những câu chuyện có thật về địa đạo Củ Chi. Câu chuyện sẽ chỉ diễn ra dưới lòng địa đạo thôi.

Mọi người vẫn nghe nhiều về Củ Chi, nhưng chưa có phim điện ảnh nào làm về địa đạo này. Toàn bộ kịch bản do tôi viết.

* Với Bùi Thạc Chuyên bây giờ nếu không làm phim thì có sao không?

- Chẳng biết nữa (cười). Nếu không làm thì lại đi dạy bọn trẻ con thôi. Nhưng bây giờ vẫn sẽ phải làm phim.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

NGỌC DIỆP (thực hiện)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên