19/03/2006 16:15 GMT+7

Bùi Thạc Chuyên: từ A đến Z

VIỆT HOÀI
VIỆT HOÀI

TTO - Có thể làm một cuộc "kiểm kê" như thế, vì Bùi Thạc Chuyên đã từng là một diễn viên nổi tiếng vì…rất cao và đẹp trai, vì còn trẻ mà lại đóng vai ông già, lại đã từng viết văn (được giải truyện ngắn báo Văn nghệ hẳn hoi).

Kg5AS08t.jpgPhóng to
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tại Lễ trao gảii Cánh diều vàng 2005 - Ảnh: Việt Dũng

TTO - Có thể làm một cuộc "kiểm kê" như thế, vì Bùi Thạc Chuyên đã từng là một diễn viên nổi tiếng vì…rất cao và đẹp trai, vì còn trẻ mà lại đóng vai ông già, lại đã từng viết văn (được giải truyện ngắn báo Văn nghệ hẳn hoi).

Lúc thiên hạ bắt đầu đổ xô làm phim truyền hình, Chuyên cũng là một trong những đạo diễn đầu tiên được đặt làm serie truyền hình nhiều tập và rất ăn khách: 12 A và 4H (dựa theo tiểu thuyết Vĩnh biệt mùa hè của nhà văn Nguyễn Đông Thức). Khi trào lưu dự thi các LHP Quốc tế vừa kịp rộ, Chuyên đã có ngay Cuốc xe đêm giành Giải Cành cọ vàng cho đạo diễn trẻ tại LHP Cannes 2001

Và bây giờ là Sống trong sợ hãi với 5 "Cánh diều" 2005.

Là con trai của nhà văn Bùi Bình Thi, tất nhiên là cậu học sinh Bùi Thạc Chuyên có mê văn chương. Truyện ngắn Vai diễn của Chuyên, với cách viết đầy kịch tính, về một chàng trai chứng kiến cô bé ăn xin tật nguyền kiếm được khá khá tiền và lòng thương cảm từ những người hảo tâm rồi bất ngờ và kín đáo lột xác thành một thiếu nữ khoẻ mạnh, xinh xắn và lọc lõi đã khiến anh chàng đổ vỡ lòng tin vào con người, chứng tỏ một năng lực quan sát và cách diễn đạt khá tinh tế.

Nhưng truyện ngắn, với khả năng lan toả chậm của nó, nhất là hiệu quả tác động trực tiếp không mạnh đã không làm Chuyên thấy "phê". Trở thành sinh viên khoa kịch nói của trường ĐHSKĐA, rồi về Nhà hát kịch VN, đơn vị sân khấu mạnh nhất thời bấy giờ (đầu những năm 90), Chuyên từng nổi đình đám với vai…ông già trong "Ngụ ngôn năm 2000" (kịch bản của đạo diễn Lê Hoàng). Vẫn chưa thấy "đã" vì mình chỉ có thể làm chủ được vai kịch của mình chứ không thể làm chủ sân khấu, Chuyên lại đâm đầu đi học, lần này là học để làm đạo diễn. Và rẽ ngoặt sang một hướng khác: điện ảnh

Buổi đầu của phim truyền hình VN, khán giả còn rất nồng nhiệt và vị tha. Buổi đầu làm phim truyền hình, đạo diễn , diễn viên, quay phim…còn rất tâm huyết. Có thể vì cả 2 điều đó mà 12A và 4H của Chuyên thậm chí đã tạo thành một "hiện tượng truyền hình" những năm 1994-1994. Câu chuyện (khá phức tạp, có pha một chút xíu hương vị tình yêu) của 4 nữ sinh vần H và thầy giáo chủ nhiệm lớp 12A tạo thành cơn sốt trong các trường trung học ở HN, trong các cuộc họp phụ huynh, trong các quán cà phê sinh viên. Cùng với "thầy chủ nhiệm lớp 12A" - diễn viên Quốc Tuấn (đóng kịch hàng chục năm trên sân khấu vẫn không ai biết đến), đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lúc ấy nổi như cồn.

Có thể, Chuyên đã gặp may, cũng có thể, Chuyên đã sai hướng, vì sau đó, anh còn làm khá nhiều phim truyền hình khác, phim nào cũng thuộc dạng ăn khách. ("Ăn khách" của truyền hình dễ đánh giá lắm, phát tập đầu có nhiều quảng cáo đổ vào là biết ngay): Những mảnh vỡ hoàn hảo, Bỏ vợ… Những thành công ấy làm tên tuổi Chuyên được khẳng định nhiều hơn, cuộc sống của anh dễ chịu hơn. Lập một công ty quảng cáo nho nhỏ cùng vơi những người bạn đồng nghiệp vững tay nghề, tên anh đủ để thành một thương hiệu cho khách hàng tin cậy và tìm đến

Nhưng như thế cũng là lý do Chuyên quay về với phim nhựa "chính thống" muộn màng hơn.

Có thể vì anh cũng là người rất cầu toàn. Vẻ ngoài lãng tử của anh dễ làm người đối diện hiểu lầm, Chuyên sống cũng như làm việc rất kỹ lưỡng, cẩn trọng. Một kịch bản anh có thể sửa không dưới 10 lần. Vì thế, khá lâu sau khi anh ra trường, bộ phim được coi là "ra mắt" chính thức của anh mới được hoàn thành. Một phim làm bạn bè trầm trồ và nhiều bậc đàn anh thậm chí hơi "choáng" - Cuốc xe đêm.

Hơn 20 phút phim, cực kỳ trau chuốt, với những góc quay rất lạ của quay phim Lý Thái Dũng, Bùi Thạc Chuyên dẫn người ta đến một thế giới hoàn toàn khác lạ của Hà Nội về đêm. Thế giới ấy vẫn tồn tại bên cạnh chúng ta hàng ngày, nhưng chúng ta khong biết, không thấy, hoặc không đủ sự nhạy cảm để thấy, hoặc không đủ sự tử tế để biết.

Người đạp xích lô nhận chở một chuyến hàng kỳ lạ nhất trong đời. Qua những ngõ tối, những ngôi nhà câm lặng của thành phố quen đấy mà xa lạ vô cùng. Rất nhiều khán giả, sau khi xem hết dòng cuối cùng của generique rồi, ngồi im một lúc lâu mà vẫn quay sang hỏi nhau: "Thế cuối cùng thì cậu xích lô ấy nằm mơ hay là thật?".

Phim không chiếu rộng rãi, có thể vì nhà sản xuất nghĩ là khó mà có người xem, nhưng rất nhiều người đã được xem thì luôn cố gắng đi xem lại mỗi khi có dịp. Có lần, người viết đã thử hỏi NSƯT Duy Hậu (người rất nổi tiếng với vai người cha độc ác trong phim Sóng ở đáy sông và ông Hàm có cái tăm to như cái dùi trong Đất và Người) xem vai diễn ưng ý nhất trong đời ông là gì, ông nói, ngoài Iago trong Othello ra, ông chỉ ưng nhất có vai lão già trong Cuốc xe đêm.

Vậy mới biết khi một phim làm tử tế mà không chiếu rộng rãi được, sự "thiệt hại" về mặt xã hội lên đến 4 lần: nhà sản xuất thiệt, khán giả thiệt, nghệ sỹ thiệt và Điện ảnh thiệt.

Khi tin Cuốc xe đêm giành giải ở Cannes về đến VN, không ai tìm được Bùi Thạc Chuyên để phỏng vấn, anh đã lặng lẽ sang Cannes mà không thông báo với ai, lại còn cẩn thận mời vợ đi cùng vì "có thể đó là cơ hội duy nhất để cám ơn cô ấy vì những gì đã hy sinh cho gia đình để mình yên tâm làm việc của mình".

Không hề "trống rong cờ mở" khi trở về từ nước Pháp, dù xét về mặt chuyên môn, đó là một giải thưởng có giá trị nhất mà một đạo diễn VN giành được trên trường quốc tế từ xưa đến nay, Chuyên lại lặng lẽ "ngồi nghĩ mưu", và trong khi chờ đợi thì …làm phim quảng cáo.

5 năm lại trôi qua, một bộ phim tài liệu có tên Tay đào đất - có thể coi là Chuyên "vỡ nước 1" từ câu chuyện có thật về người đào mìn làm kế sinh nhai, đăng trên báo Tuổi Trẻ.

Tài liệu chưa hết, chưa đã, phải làm phim truyện nhựa.

7 lần sửa kịch bản, rất nhiều lần phải thuyết phục Hội đồng duyệt kịch bản (vì là phim tài trợ), cộng với hơn 1 năm đi thực địa, quay phim, thêm vào rất nhiều công phu thuyết phục Hội đồng duyệt phim Quốc gia vì những cảnh quá "nóng", Sống trong sợ hãi đã ra đời.

Đã có rất nhiều bài báo, nhiều phóng sự truyền hình nói về Sống trong sợ hãi: phim hay nhưng không ăn khách, phim có nhiều đoạn đáng tiếc, có thể đẩy lên triệt để thì hiệu quả sẽ mạnh hơn nhiều, phim yếu về khâu quảng bá, phim chỉ nên làm nếu nhà nước bỏ tiền… Bùi Thạc Chuyên chỉ có một câu trả lời rất giản dị: "Nếu khán giả thấy phim chỉ đến thế thì không phải vì chúng tôi chịu bất cứ sức ép nào, mà vì sức của người làm phim chỉ đến thế. Tư duy đến thế, tưởng tượng đến thế, thể hiện đến thế mà thôi".

Đang ở tuổi cuối cùng của thế hệ U40, với một hành trang đáng kể sau lưng, với một khả năng can thiệp các công đoạn của công nghệ làm phim từ A đến Z, với sự tự tin đồng thời cũng "biết mình" như thế, Bùi Thạc Chuyên đang là một trong những hy vọng lớn của Điện ảnh VN trong thế hệ anh.

VIỆT HOÀI

VIỆT HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên