Phố cổ Hội An, Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG
Ngày 28-12, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển". Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021).
Ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho hay cách đây tròn 550 năm, năm 1471, vua Lê Thánh Tông thành lập Đạo Thừa tuyên Quảng Nam - đơn vị hành chính thứ 13 của nước Đại Việt, danh xưng Quảng Nam ra đời từ đây.
Với sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình, Quảng Nam luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
"Đây là vùng đất "địa linh, nhân kiệt", hàm chứa nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng và cũng là quê hương của nhiều bậc chí sĩ yêu nước, những lãnh tụ cách mạng và nhân sĩ trí thức nổi tiếng", ông Thanh nhấn mạnh.
Tại hội thảo này, các tư liệu, luận cứ khoa học được thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của vùng đất và con người Quảng Nam trong tiến trình lịch sử 550 năm hình thành và phát triển.
"Đồng thời khuyến nghị những định hướng và giải pháp góp phần đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững" - ông Thanh tin tưởng.
Ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG
Theo PGS.TS Bùi Nhật Quang - chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - sách Đại Việt Sử ký toàn thư, bộ quốc sử cổ nhất của Việt Nam còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, chép rõ "Tháng 6 năm 1471, Vua Lê Thánh Tông lấy đất Chiêm Thành đặt làm thừa tuyên Quảng Nam".
"Tên gọi Quảng Nam khi đó đã hàm chứa tầm nhìn sâu rộng của vị hoàng đế Đại Việt khát khao được mở rộng đất đai về phương Nam" - PGS.TS Bùi Nhật Quang nói.
Nhà sử học Lê Văn Lan nói rằng chữ Quảng và chữ Nam ra đời cho đến bây giờ 550 năm, nhưng nó không chỉ là một kết tinh của thời gian 550 năm mà còn ngàn năm, vạn năm nữa của nước Việt.
Chúng ta gặp được cả một miền đất được khai phá từ vua Lê Thánh Tông, nhưng còn rất nhiều yếu tố đóng góp vào cái sự khai phá này nữa để cuối cùng có một xứ trên bình diện cả nước, gắn bó với tên tỉnh, ông đếm được chỉ có 4-5 tỉnh/miền đất có thuật ngữ chữ xứ là xứ Lạng, xứ Huế, xứ Quảng...
Di tích chùa Cầu, Hội An - Ảnh: LÊ TRUNG
Tất cả những gì đã gói lại trong chữ xứ gắn liền với chữ Quảng của Quảng Nam có trữ lượng dồn nén của lịch sử, kết tinh của những phẩm chất đẹp đẽ, tinh hoa vượt qua vô cùng khó khăn để có được như thế.
"Và như vậy còn thêm cả vào đây sự kiên cường, kiên trì, dũng cảm, sáng tạo trong đấu tranh, gìn giữ cõi bờ và phát triển. Bấy nhiêu những điều cao quý, tốt đẹp đó hội tụ vào hai chữ Quảng và Nam" - nhà sử học Lê Văn Lan nói.
Theo GS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, có thể thấy quá trình xác lập vùng đất Quảng Nam trở thành một bộ phận lãnh thổ Đại Việt được các triều đại quân chủ Việt Nam tiến hành trải qua một quá trình lâu dài, và có thời kỳ "tiến - lui" trải qua gần 1 thế kỷ. Vùng đất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình Nam tiến của các triều đại quân chủ Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận