Cần làm gì để ngăn chặn thảm kịch trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô?
Chìa khóa để ngăn chặn thảm kịch Bỏ quên trẻ nhỏ trên xe là kích hoạt các tín hiệu đánh thức bộ nhớ. Bất kỳ ai cũng không nên cho rằng mình có trí nhớ tốt, hoặc không bao giờ quên.
Consumer Reports, tổ chức phi chính phủ về người tiêu dùng của Mỹ, đã tổng hợp lời khuyên từ các chuyên gia và đưa ra một số cách để "đánh thức bộ nhớ":
- Tạo các hàng rào bảo vệ. Chẳng hạn, gia đình và các thầy cô luôn giữ liên lạc. Gia đình cho con nghỉ học thì phải thông báo với cô và nhà trường.
Đổi lại, cô và nhà trường cần thông báo cho phụ huynh nếu học sinh không đến lớp đúng giờ như thường lệ. Phải thiết lập các thông báo nhắc nhở trên điện thoại khi có một lịch trình khác thường ngày.
- Luôn khóa xe và chìa khóa xa tầm tay trẻ nhỏ, đề phòng trẻ tự ý trở lại xe mà mình không biết.
- Tạo lời nhắc trực quan, chẳng hạn để đồ chơi của con trẻ ở trước mặt để nhắc nhở bản thân.
- Để đồ của bản thân ở ghế sau. Chẳng hạn, để ba lô, hộp ăn trưa ở hàng ghế cuối cùng. Mỗi khi cần lấy, bạn sẽ phải đi qua đủ các hàng ghế trên xe để tiếp cận (không mở từ cốp sau).
- Không bao giờ để trẻ trên xe một mình trong bất kỳ thời điểm nào. Nhiều người dặn con chờ mình trên xe, nhưng công việc kéo dài hơn thường lệ khiến họ quên mất con mình còn ở bên ngoài.
- Trang bị công nghệ cảnh báo cho ô tô.
Vì sao phải "đánh thức bộ nhớ" để không bỏ quên trẻ nhỏ trên xe?
Theo No Heat Stroke, một tổ chức chuyên về các vấn đề trẻ nhỏ bị bỏ quên trên xe ô tô của Mỹ, kể từ năm 1998, đã có 969 trường hợp trẻ bị tử vong trên xe ô tô khi nắng nóng ở quốc gia này. Hơn một nửa trong số đó là bị cha mẹ/người giám hộ/người chăm sóc bỏ quên. Hai nguyên nhân còn lại là do trẻ tự trèo vào ô tô mà người lớn không biết, hoặc thậm chí người lớn cố tình để trẻ một mình trong xe.
David Diamond, nhà thần kinh học, giáo sư giảng dạy ở Đại học South Florida (Mỹ), đã có nghiên cứu sâu về nguyên nhân người lớn để quên trẻ nhỏ trong xe ô tô.
Diamond cho biết con người có hai phần trí nhớ, gồm bộ nhớ thói quen và bộ nhớ tiềm năng. Bộ nhớ tiềm năng giúp chúng ta nhớ làm điều gì đó trong tương lai, chẳng hạn như xe sắp hết xăng, tan làm cần ghé vào trạm.
Còn bộ nhớ thói quen khiến chúng ta thực hiện những hành động nhất định hằng ngày, biến hành động đó thành bản chất có sẵn, chẳng hạn vào nhà là cởi giày, ra khỏi nhà là khóa cửa.
Hai bộ nhớ này kết hợp để chúng ta duy trì hoạt động hằng ngày cũng như thay đổi thói quen. Chẳng hạn như hằng ngày phải đưa con đi học, bộ nhớ thói quen sẽ giúp chúng ta duy trì hoạt động này. Khi nhà trường thông báo cho học sinh nghỉ một ngày, bộ nhớ tiềm năng sẽ khiến chúng ta không đưa con đi học nữa.
Tuy nhiên, đôi khi bộ nhớ thói quen lấn át bộ nhớ tiềm năng, khiến chúng ta quên đi việc cần làm. Chẳng hạn, trong ví dụ trên, sẽ có những người quên con được nghỉ học mà vẫn đưa con tới trường.
Đó chỉ là sự cố nhỏ. Nhưng cũng có thể gây ra những hậu quả thảm khốc. Diamond đưa ra ví dụ về việc bỏ qua các bước an toàn quan trọng, dẫn tới bác sĩ phẫu thuật quên dao mổ trong bụng bệnh nhân, phi công không cài cánh tà để hạ cánh, hay người lớn quên có trẻ nhỏ trên xe.
"Bộ nhớ thói quen là một tiện ích tuyệt vời giúp chúng ta chuyển sang chế độ tự động. Cái hay của bộ nhớ này là giúp con người không bị quá tải, không cần phải luôn nhắc nhở mình cần làm gì đó.
Nhưng vấn đề là, bộ nhớ này có thể điều hướng hành vi trong vô thức. Khi đó, các phần não khác có nhiệm vụ nhắc nhở chúng ta về những thông tin bổ sung bị chặn lại", Diamond nói.
Diamond đã nghiên cứu nhiều trường hợp và chỉ ra các yếu tố phổ biến dẫn đến xung đột trí nhớ: căng thẳng, thiếu ngủ và thay đổi thói quen.
Chẳng hạn, một phụ huynh thường không phải đưa đón con đi học nay bỗng được giao nhiệm vụ đó. Do bộ nhớ thói quen, phụ huynh này vẫn sẽ lái xe đi làm như bình thường, mà quên mất có con đi cùng.
Trừ khi có một tín hiệu, chẳng hạn túi đựng tã hay tiếng động của trẻ, nếu không, bộ não vẫn sẽ điều khiển người này lái xe đến cơ quan và khóa xe lại. Bộ nhớ thói quen thậm chí có thể tạo ra ký ức sai lầm là con đang được an toàn ở nhà trẻ để "đưa ra giải thích hợp lý" cho các hành động.
Một ví dụ khác, giáo viên nhận trách nhiệm đón trẻ từ trên xe xuống. Hằng ngày, họ sẽ điểm danh để đảm bảo không thiếu em nào. Nhưng lâu ngày, khi các em thường xuyên đi đủ, họ sẽ dần hình thành "trí nhớ ảo" là "toàn bộ các ngày đi học trong năm đều như vậy". Từ đó, họ đánh mất thói quen điểm danh và luôn cho rằng toàn bộ học sinh đã xuống xe và vào lớp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận