31/05/2024 16:27 GMT+7

Vụ trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe đưa đón: Cần tập trung giải pháp với người lớn

Chuyên gia cho rằng việc trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe đưa đón hoàn toàn lỗi của người lớn.

Chiếc xe có trẻ mầm non bị bỏ quên ở Thái Bình - Ảnh: KHÁNH LINH

Chiếc xe có trẻ mầm non bị bỏ quên ở Thái Bình - Ảnh: KHÁNH LINH

Ngoài việc luật hóa hoạt động của xe đưa đón học sinh, ban hành quy chuẩn về xe chở học sinh chuyên dụng, chuyên gia cho rằng việc trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe hoàn toàn lỗi của người lớn. Do đó cần tập trung giải pháp với người lớn.

Sẽ luật hóa hoạt động của xe đưa đón học sinh

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chỉ huy Phòng hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, ban soạn thảo đã bổ sung hoàn thiện quy định đối với ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non.

"Hiện nay chỉ có quy định về chung đối với xe kinh doanh vận tải nên cần thiết có thêm những quy định cụ thể trong luật để bảo vệ trẻ em, nhóm yếu thế khi tham gia giao thông", vị này cho hay.

Theo đó, ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ mầm non có niên hạn không quá 20 năm, có màu sơn theo quy định của Chính phủ. Lái xe có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe chở khách.

Khi đưa đón học sinh tiểu học, mầm non phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát và bảo đảm an toàn. Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe.

Đặc biệt, dự thảo luật nêu rõ: không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi lái xe và người quản lý đã rời xe.

Cơ sở giáo dục, đào tạo phải tập huấn cho cho lái xe và người quản lý nắm vững, thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.

Đồng thời, xe đưa đón học sinh, trẻ mầm non sẽ được ưu tiên trong tổ chức, điều tiết giao thông…

"Hoàn toàn lỗi của người lớn"

TS Khương Kim Tạo - nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - nhận định vụ trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe dẫn tới tử vong hoàn toàn lỗi của người lớn. Do đó, cần tập trung giải pháp với người lớn, nhất là người trực tiếp đưa đón học sinh.

Theo ông Tạo, phần lớn quy định của quy chuẩn là về điều kiện, tính năng kỹ thuật, cấu trúc để xe chở học sinh được an toàn hơn. Lắp camera, thiết bị cảm biến phát hiện chuyển động, thân nhiệt để biết trên xe còn người để cảnh báo đến tài xế, bảo mẫu hoặc cấp quản lý cũng chỉ là giải pháp bổ trợ. 

Nếu lắp chuông cảnh báo trên xe, hướng dẫn học sinh thực hiện vẫn có rủi ro với các cháu nhỏ ở lứa tuổi thụ động, khi bỏ quên thì hoảng loạn không nhớ để thực hiện.

"Nếu người có trách nhiệm theo dõi hệ thống trên không chấp hành tốt thì cũng xảy ra rủi ro. Quan trọng nhất là xây dựng được quy trình chuẩn, tập huấn, quy trách nhiệm, bắt buộc bảo mẫu, tài xế và những người liên quan tuân thủ thực hiện", ông Tạo nhận định.

Xe chở học sinh chuyên dụng có những tính năng gì?

Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến góp ý có yêu cầu riêng đối với xe chở học sinh chuyên dụng.

Ngoài tiêu chuẩn kỹ thuật chung, xe chở học sinh có các yêu cầu riêng như: thống nhất 1 màu sơn vàng đậm, mặt trước và hai bên xe có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học; mặt sau xe có biển báo điện hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo xe khác không được khi xe đang đỗ để đón, trả học sinh.

Xe phải có thiết bị giới hạn tốc độ không quá 80km/h, với xe buýt chạy bằng điện thì động cơ có công suất không nhỏ hơn 9 kW/t; xe phải được lắp đặt rào chắn (thanh cản) phía trước và sau để có cấu trúc an toàn khi va chạm…

Xe chở học sinh phải có lối thoát hiểm được mở từ bên trong hoặc bên ngoài, đáp ứng việc sơ tán, cứu hộ tình huống khẩn cấp. Học sinh chỉ ngồi từ hàng ghế thứ hai trở đi, ghế phải có dây đai an toàn hai điểm.

Xe phải có hệ thống camera bên trong để giám sát hành vi của lái xe, của giám hộ học sinh, của học sinh trên xe; có camera bên ngoài để giám sát phía ngoài cửa lên xuống khi đón, trả học sinh. Các thiết bị phải trang bị hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin lái xe.

Xe có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe thời gian không quá 15 phút.

Vụ trẻ chết vì bị bỏ quên trong ô tô: Những câu hỏi nhói lòngVụ trẻ chết vì bị bỏ quên trong ô tô: Những câu hỏi nhói lòng

Sau cái chết của cháu Trần Gia Huy (5 tuổi, trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), nhiều câu hỏi được đặt ra về đảm bảo an toàn trong đưa đón học sinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên