* 11 nước thành lập nhóm hỗ trợ tư pháp cho các nạn nhân
Có thể không bao giờ tìm thấy thi thể một số hành khách MH17
Phóng to |
Người biểu tình Malaysia với các biểu ngữ đòi công lý trước đại sứ quán Nga ở Kuala Lumpur - Ảnh: demotix.com |
Phóng to |
Tổng thống Ukraine Poroshenko (trái) tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Úc Bishop (giữa) và Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Frans Timmermans - Ảnh: smh.com.au |
Chiếc máy bay bị bắn rơi đã 10 ngày trước, nhưng các chuyên gia Úc và Hà Lan, những nước có nhiều công dân nhất trên chiếc máy bay xấu số mà 298 người trên đó đều đã thiệt mạng, tới giờ vẫn chưa thể tiếp cận hiện trường một cách ổn định để bắt tay vào việc điều tra.
Một số thi thể nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy và hiện trường vụ tai nạn có thể đã biến đổi rất nhiều so với ban đầu. Pieter Jaap Aalbersberg, chuyên gia người Hà Lan đứng đầu sứ mệnh “MH17 Recovery” nói việc tìm kiếm các nạn nhân vẫn sẽ tiếp diễn.
“Ngày mai (30-7), ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tìm kiếm cá nạn nhân”, ông nói với mạng tin Euronews. “Nếu các chuyên gia tìm thấy các phần thi thể, họ sẽ thu lại ngay lập tức. Chúng tôi sẽ dùng một xe lửa chở hàng có toa đông lạnh ở gần Torez. Nếu xe lửa không thể tiếp cận được hoặc không an toàn, chúng tôi sẽ dùng các phương tiện khác”.
Xung đột cũng đã buộc đội điều tra của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) phải rời hiện trường sau khi chỉ thu thập được số chứng cứ ít ỏi. Hiện trường vụ tai nạn nằm cách thành phố do quân nổi dậy kiểm soát Donetsk khoảng 30 km về phía bắc và là vùng giành giật ảnh hưởng giữa lực lượng ly khai và quân chính phủ Ukraine nhiều ngày qua.
Hãng tin Úc ABC News dẫn lời đặc phái viên của nước này về vụ MH17 Angus Houston nói chiến sự vẫn rất phức tạp ở gần vùng chiến sự. “Bạn phải chấp nhận thực tế là không thể tiến hành mọi chuyện trơn tru ở một vùng chiến tranh liên miên như thế”, ông Houston nói. Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop nói không thể để nguy hiểm xảy ra cho các điều tra viên. “Chúng tôi đánh giá tình hình từng ngày từng giờ một, và sẽ không chấp nhận bất cứ rủi ro nào”, bà Bishop nói.
Các lực lượng ly khai đã ít nhất ba lần tìm cách hộ tống các điều tra viên không vũ trang trên các xe quân sự tới hiện trường, nhưng đều không thành công do giao tranh nổ ra. Thủ tướng Úc nói trong một cuộc họp của hội đồng an ninh quốc gia ở Canberra rằng tình hình tại hiện trường “rất hỗn loạn”. “Chiến sự không chỉ từ phía ly khai, mà từ cả chính phủ Ukraine”, ông Abbott nói.
Vùng ngoại ô Donetsk dày đặc các tay súng ly khai kiểm soát các điểm chiến lược dẫn vào thành phố. Các tay súng nổi dậy nói quân đội Ukraine ở cách đó chỉ vài km, nã pháo vào vùng ngoại ô và tiến hành các đợt không kích. Quân ly khai bắn trả từ các tòa nhà ở gần đó. Hiện trường vụ tai nạn cũng chỉ cách biên giới Nga khoảng 60-70 km. Tuy nhiên, người phát ngôn của Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine Andriy Lysenko nói quân đội Ukraine đã được lệnh nghiêm cấm không nổ súng ở bán kính 20 km tính từ hiện trường vụ tai nạn.
“Tôi rất muốn nói chắc rằng tất cả các nạn nhân sẽ được đưa trở về, cùng tất cả những gì thuộc về họ… nhưng tôi tin rằng khả năng đó là rất thấp”, Cảnh sát trưởng Hà Lan Gerard Bouman nói.
Trong một diễn biến khác ngày 28-7, 11 quốc gia có công dân thiệt mạng trong thảm kịch MH17 đã bắt đầu tiến trình pháp lý với những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Tổng chưởng lý Malaysia Tan Sri Abdul Gani Patail nói trên truyền hình địa phương rằng cảnh sát Malaysia đã chính thức mở điều tra vụ máy bay MH17 bị bắn rơi và sẽ đưa những kẻ thủ ác ra công lý.
Các hoạt động tư pháp sẽ nhận được sự hỗ trợ từ nhóm Eurojust, với việc thu thập chứng cứ và hỗ trợ thủ tục pháp lý. Eurojust là tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) chuyên về hợp tác tư pháp và các vấn đề tội phạm hình sự. Họ sẽ đóng vai trò điều phối cho 11 nước có nạn nhân trên chuyến bay.
Gani nói Malaysia sẽ làm tất cả để đưa những kẻ thủ ác ra công lý và mở một phiên tòa theo hệ thống pháp luật hình sự của nước này. Đòi hỏi của họ dựa trên thực tế là chiếc máy bay thuộc về Malaysia. “Chúng tôi muốn là nước đầu tiên xét xử những kẻ thủ ác”, ông Gani nói. “Chúng tôi có quyền đó vì các nạn nhân ở trên một chiếc máy bay của chúng tôi”. Ông cũng cho rằng Eurojust sẽ khiến các thủ tục pháp lý diễn ra trôi chảy hơn, “vì tất cả chứng cứ cụ thể và các nhân chứng không ở Malaysia”.
Ông Gani chỉ ra một số tiền lệ của các hoạt động hợp tác tư pháp mà nước này từng tham gia, như vụ năm 2011 khi các công tố viên Malaysia truy tố bảy người Somalia vì tìm cách bắt cóc một tàu chở hóa chất của một công ty Malaysia ở vịnh Aden.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận