"Một số người ra đường va quẹt một tí đã hùng hổ lao vào, bất chấp đúng sai dùng nón bảo hiểm tấn công người khác. Cần phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý thật nặng để răn đe, xã hội không còn phải chứng kiến những hình ảnh đau lòng", bạn đọc Richard chia sẻ.
Rất nhiều bạn đọc bày tỏ sự bức xúc trước những hành vi tấn công người trên đường, đề nghị có hình thức xử phạt thích đáng.
Theo bạn đọc Tùng, chỉ có xử phạt thật nặng mới đủ sức răn đe. "Tôi tha thiết đề nghị cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, một trong những cách hiệu quả là công khai thông tin xét xử vài vụ án liên quan việc đánh người khi va chạm giao thông để tạo hiệu ứng, có tác dụng thay đổi hành vi ứng xử khi lỡ có va chạm", bạn đọc Ho An góp ý thêm.
"Đây không phải do áp lực cuộc sống nữa mà là do bản tính hung hăng, những trường hợp này phải phạt thật nặng", bạn đọc Nguyên đề xuất.
Bạn đọc Nhàn phân tích: không làm chủ được cảm xúc nóng nảy thì sớm muộn cũng hại người hại mình. Chuyện sẽ chẳng có gì khi hai bên xin lỗi và bỏ qua cho nhau nếu va chạm nhẹ. Nhưng nhiều người làm ngược lại, chỉ vì thắng gấp hay suýt va chạm lớn tiếng chửi mắng, đánh người, dù có thể mình sai!
"Rất nhiều bài học rồi. Hãy hết sức bình tĩnh, xử sự văn minh, văn hóa với mọi người trên đường", bạn đọc Hoa Vàng viết. Còn bạn đọc Son cũng nhắn nhủ thêm: "Mong mọi người ra đường đừng thể hiện cái tôi lớn quá, đi đến nơi về đến nhà là hạnh phúc rồi".
Công an quận 1 bắt khẩn cấp hai vợ chồng đánh người trên đường Lê Duẩn
"Ươm mầm" ứng xử tử tế từ tuổi học trò
Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh, clip hành xử côn đồ trên đường phố khi xảy ra va chạm. Va chạm nhẹ, thay vì dùng lời nói tử tế để phân biệt đúng sai lại đánh và đấm nhau, lẫn đập phá phương tiện giữa đường phố đông người. Những hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng mà còn gây rối trật tự công cộng, ùn tắc giao thông.
Trên đường đi làm hằng ngày, tôi chứng kiến nhiều vụ va chạm. Có những vụ va chạm nhẹ, thậm chí bị trầy xước chảy máu nhưng cả đôi bên đều dùng lời nói nhỏ nhẹ, tử tế và cảm thông cho nhau.
Tôi cũng thường chứng kiến một số người chạy xe máy lấn làn ô tô, ô tô chạy vào làn đường xe máy. Nhiều khi xe máy chạy phía trước đúng làn (có dải phân cách), đúng chiều nhưng ô tô chạy phía sau bóp còi inh ỏi, người đi xe máy đành phải tấp sát lề, thậm chí buộc phải leo lên vỉa hè.
Ngoài những câu chuyện người lớn là… tấm gương xấu thì có những câu chuyện đẹp khác mà trẻ con lại là tấm gương tốt. Một nam thiếu niên đi xe đạp điện, thiếu quan sát nên suýt va chạm với ô tô trên đường Nguyễn Công Hoan, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Cậu bé cho xe vào lề rồi vòng tay, cúi đầu hai lần xin lỗi. Một hành động nhỏ nhưng rất đẹp đẽ, đáng ghi nhận và lan tỏa.
Cần thêm nhiều những hình ảnh ứng xử đẹp trên đường hằng ngày. Thầy cô, phụ huynh cần mỗi ngày, mỗi tuần dành ít phút nói với trẻ về ứng xử, về văn hóa giao thông. Điều này không quá khó, trường học nào, ở đâu, hoàn cảnh nào cũng có thể thực hiện được để ươm mầm cho những ứng xử tử tế, từ lứa tuổi học trò.
Chẳng may va chạm giao thông, cần xin lỗi khi mình có lỗi và nên nhờ đến người có chức trách xử lý theo đúng pháp luật thay vì "tự xử", đôi khi mang án vào thân. Hành trình đi học đi làm hằng ngày sẽ giảm thiểu bất an khi mỗi người ứng xử văn hóa và thượng tôn pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận