Dù thông tin về những vụ án hình sự liên tục xuất hiện nhưng dường như vẫn chưa đủ "làm mát những cái đầu nóng" trên đường.
Những vụ án đáng tiếc xảy ra với tần suất dày đặc trong thời gian vừa qua đặt ra dấu hỏi lớn về văn hóa cũng như ý thức tuân thủ pháp luật của người đi đường.
Xu hướng bạo lực
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh - trưởng bộ môn tội phạm học (khoa luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM) - cho rằng hành động bạo lực khi xảy ra va chạm giao thông thực chất không mới.
Việc gần đây hành vi bạo lực bị lên án gay gắt hơn là do người dân có nhiều phương tiện để phản ánh (điện thoại, camera an ninh...) cho nên những vụ việc được biết đến nhiều hơn.
Theo bà Khánh, những người "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" gây bức xúc vừa qua phần lớn ở độ tuổi từ 30 - 45.
"Tôi thấy xu hướng bạo lực hiện nay tập trung nhiều ở nhóm tuổi 30 - 45. Ở họ không được trang bị một nền tảng đạo đức vững chắc khi còn trẻ nên đã hình thành tính cách bạo lực.
Tôi không cho rằng họ xốc nổi mà xu hướng bạo lực của những người này ăn sâu vào tính cách, có thể trước giờ họ vẫn cư xử như vậy nhưng chẳng qua lần này tình cờ bị camera ghi lại" - bà Khánh phân tích.
Ngoài nguyên nhân nêu trên, theo bà Khánh, áp lực cuộc sống hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân dễ nổi nóng, dễ "phát cáu".
"Trong vụ việc đêm 31-12-2024 trên đường Lê Duẩn, quận 1 tôi thấy rất đáng buồn khi chứng kiến thái độ thờ ơ của hàng chục người xung quanh. Rõ ràng em tài xế xe công nghệ bị cô đơn, thiếu đi sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Đây cũng là một bài học, nếu như mình có tinh thần tích cực phòng, chống tội phạm thì cần kêu gọi sự hỗ trợ của những người xung quanh và đặc biệt phải có biện pháp bảo vệ an toàn bản thân", bà Khánh chia sẻ.
Từ các sự việc hành hung nơi công cộng gần đây, đặc biệt một số vụ thể hiện tính chất côn đồ, bà Khánh bày tỏ mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng có thái độ cứng rắn với những hành vi bạo lực tương tự để góp phần răn đe, giáo dục những người có ý thức tuân thủ pháp luật kém và chưa có thói quen tôn trọng tính mạng, sức khỏe người khác.
Xử lý kiên quyết và kịp thời
Luật sư Đào Thị Bích Liên (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng bạo lực giao thông là vấn đề nghiêm trọng và đang ngày càng gia tăng, với những hệ quả lớn về cả mặt pháp lý và xã hội.
Các hành vi bạo lực này không chỉ gây tổn hại về thể chất tinh thần cho người khác mà còn tạo ra môi trường giao thông mất an toàn, gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng.
Những trường hợp giải quyết mâu thuẫn khi đi đường bằng bạo lực, bằng những nắm đấm rất dễ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự công cộng hoặc hủy hoại tài sản, đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là các hành vi bạo lực, là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì trật tự xã hội.
Các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý kiên quyết và kịp thời, tránh tình trạng bỏ lọt hành vi phạm pháp", luật sư nói.
Bà Liên cũng đề xuất các cơ quan hữu quan cần tăng cường tuyên truyền pháp luật và văn hóa giao thông.
Qua đó giúp người dân hiểu rõ về các quy định pháp lý và hệ quả của hành vi vi phạm giao thông. Các chương trình giáo dục về văn hóa giao thông, cách xử lý xung đột một cách văn minh sẽ giúp giảm thiểu tình trạng bạo lực trên đường.
Bên cạnh đó cũng cần khuyến khích người dân chủ động tố giác các hành vi vi phạm giao thông hoặc cung cấp chứng cứ nếu họ chứng kiến các vụ việc.
Điều này không chỉ giúp cơ quan chức năng có đầy đủ thông tin để xử lý vi phạm mà còn giúp duy trì trật tự an toàn giao thông.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hiện nay tỉ lệ các vụ tai nạn khi đi đường là rất cao.
Do đó bên cạnh việc tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về giao thông để bảo vệ chính mình thì cần phải tỉnh táo, có thái độ văn minh, lịch sự khi xảy ra các tình huống sự cố giao thông trên đường.
"Khi gặp sự việc thì cần bình tĩnh, nhẹ nhàng trao đổi hòa giải với nhau, tuân thủ việc giải quyết từ cơ quan chức năng, nghiêm chỉnh chấp hành việc xử phạt nếu có.
Trong những trường hợp gặp sự việc có thể bị xâm phạm thân thể, sức khỏe thì người dân nên tìm kiếm sự trợ giúp hỗ trợ từ mọi người xung quanh để tránh căng thẳng" - luật sư Nhật khuyến cáo.
Theo ông, hiện nay mọi sự việc trên đường đều có người chứng kiến, camera an ninh hoặc người đi đường đều có thể quay video lại để kiểm tra, do đó người liên quan va chạm nên nhường nhịn nhau, mọi tranh cãi không phải là lựa chọn thích hợp nơi công cộng.
Liên tiếp các vụ hành hung
Ngày 2-1, Công an quận 4 (TP.HCM) hoàn tất kết luận điều tra đề nghị truy tố Bùi Thanh Khoa (41 tuổi, ngụ quận 10) về tội cố ý gây thương tích. Khoa là người đánh túi bụi vào vùng mặt, đầu cô gái 23 tuổi vào sáng 9-12-2024 trên đường Khánh Hội.
Ngày 2-1, Công an tỉnh Bình Dương bắt khẩn cấp Lê Văn Hiền (36 tuổi, quê tỉnh An Giang). Hiền là người đánh anh N.T.B. (39 tuổi) ngất xỉu sau va quẹt giao thông trên đường.
Ngày 27-12-2024, Công an TP Đồng Xoài (Bình Phước) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Bùi Văn Hoàng Anh (35 tuổi, ngụ Bình Dương) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Anh đã đánh tài xế xe tải khi đang dừng chờ đèn đỏ trên đường ĐT741 (phường Tiến Hưng, TP Đồng Xoài).
Ngày 18-12-2024, Công an quận 1 đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam hai tháng Quách Minh Nhựt (33 tuổi, ngụ quận 6) để điều tra về tội cố ý gây thương tích. Ngày 14-12, Nhựt đã hành hung ông T. (50 tuổi, quận 1) sau khi bị ông này nhắc việc đậu xe gây ách tắc giao thông trước Bệnh viện Từ Dũ.
Công an TP.HCM đã phát đi cảnh báo những hành vi vi phạm do thiếu kiềm chế trên đường phố, nơi công cộng như đã xảy ra trong thời gian qua tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả mà người vi phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời khuyến cáo người dân cần phải thượng tôn pháp luật trong giải quyết các mâu thuẫn; bạo lực chỉ làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận