07/10/2021 10:15 GMT+7

Đánh giá dịch bệnh: Cần đếm ca bệnh tầng 3?

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Các ca nhiễm COVID-19 đang giảm dần, con số thống kê không còn nhiều giá trị vì không còn xét nghiệm cấp tập theo diện rộng, nên chăng TP.HCM đánh giá hiệu quả của việc chống dịch COVID-19 dựa vào mức độ tăng giảm của số người tử vong?

Đánh giá dịch bệnh: Cần đếm ca bệnh tầng 3? - Ảnh 1.

Xét nghiệm tầm soát cho người có nguy cơ mắc COVID-19 tại TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: X.M.

TP.HCM kết thúc chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng từ ngày 30-9, chuyển sang xét nghiệm có trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao. Mặc dù số ca nhiễm mới và tử vong những ngày qua giảm mạnh nhưng số ca bệnh nặng ở tầng 3 vẫn còn cao. 

Hiện TP.HCM có khoảng 2.500 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại tầng 3 (phân khúc điều trị cho bệnh nhân nặng và nguy kịch). Theo Sở Y tế TP.HCM, số ca bệnh nặng ở tầng 3 vẫn còn cao nên tỉ lệ tử vong ở tầng này sẽ còn dao động ở mức cao.

Xét nghiệm trọng điểm, chú trọng vùng nguy cơ cao

Nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM cho biết bắt đầu từ ngày TP nới lỏng giãn cách xã hội, địa phương chỉ triển khai xét nghiệm tầm soát tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao... theo chỉ thị 18 của UBND TP. Vì tập trung xét nghiệm ở vùng có nguy cơ cao, có trọng điểm nên số lượng mẫu được lấy ít hơn và tỉ lệ dương tính cao hơn.

Ông Nguyễn Kiên Trung - phó chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp - cho biết qua xét nghiệm khoảng 500 mẫu cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, khu vực có nguy cơ cao đã phát hiện 10 ca dương tính, tỉ lệ dương tính chiếm 2%. Phường đã vận động những người F0 này cách ly tại điểm thu dung người mắc COVID-19 trên địa bàn phường nhằm kịp thời chăm sóc và ngăn chặn lây lan.

Song song đó tiếp tục xét nghiệm nhanh những trường hợp đã dương tính tại vùng đỏ sau 7 - 10 ngày. Tỉ lệ dương tính trên tổng số mẫu được lấy tại đây chiếm 10%.

Quận 4 từng là một trong những điểm nóng dịch COVID-19 và tỉ lệ F0 cao hơn so với tỉ lệ chung của TP. Ngày 6-10, ông Lê Văn Chiến - chủ tịch UBND quận 4 - cho hay số ca nhiễm mới trên địa bàn quận những ngày qua đã giảm sâu, trung bình mỗi ngày có khoảng 5 - 6 ca. Tất cả ca nhiễm này thuộc vùng nguy cơ cao tại cộng đồng.

Trong 1.491 ca nhiễm COVID-19 từ 17h ngày 4-10 đến 17h ngày 5-10, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM có 384 người sàng lọc tại bệnh viện, 658 người phát hiện tại cộng đồng do các trung tâm y tế lấy mẫu, 449 ca F0 được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến.

Trong chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn của UBND TP.HCM ngày 1-10 nêu một trong các hoạt động y tế cần thực hiện nghiêm trong thời gian tới là công tác xét nghiệm và xác định cấp độ dịch.

Theo đó, TP thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động phát hiện, tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3, 4 và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp bằng cách xét nghiệm tầm soát tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người...

Đánh giá dịch bệnh: Cần đếm ca bệnh tầng 3? - Ảnh 2.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng - Ảnh: X.M.

Số ca bệnh nặng ở tầng 3 vẫn cao

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM chiều 6-10, tử vong vì COVID-19 tại TP trong những tuần qua có xu hướng giảm đáng kể. Cụ thể, ngày 31-8 TP ghi nhận 355 ca thì đến ngày 3-10 giảm xuống còn mức hai con số (79 ca) - đây là ngày có số ca tử vong giảm sâu nhất trong vòng gần 40 ngày qua.

Mặc dù tổng số ca bệnh nặng (người bệnh cần thở oxy và thở máy) ở các tầng điều trị từ ngày nới lỏng giãn cách xã hội vẫn đang giảm, tuy nhiên Sở Y tế TP.HCM đánh giá số ca bệnh nặng ở tầng 3 (điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch) vẫn còn cao nên tỉ lệ tử vong ở tầng này vẫn sẽ còn dao động ở mức cao.

Cụ thể trong 24.900 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại tầng 2 và 3 thì có hơn 2.500 bệnh nhân ở tầng 3, chiếm tỉ lệ 10%. Riêng số nặng có hỗ trợ hô hấp tại tầng 2 và 3 là hơn 4.500 bệnh nhân, chiếm tỉ lệ 18,3% so với tổng ca đang nằm viện và chiếm tỉ lệ 7,4% so với tổng số ca nhiễm trên toàn TP. Bên cạnh đó còn có hơn 600 bệnh nhân đang thở máy xâm lấn, chiếm tỉ lệ 7,2% tổng số ca đang nằm viện và chiếm 1,1% so với tổng số ca nhiễm toàn TP.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM, để kéo giảm tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 tại tầng 3 cần "gia cố" hệ thống y tế thật vững chắc và đầy đủ. Nếu không đáp ứng đầy đủ thì dù tỉ lệ bệnh nhân nhiễm COVID-19 thấp nhưng vẫn có thể xảy ra tình trạng không được điều trị kịp thời, dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Bên cạnh đó làm sao kéo dài thời gian điều trị bệnh nhân nặng "bền vững" nhưng như vậy có thể tốn kém nhiều chi phí.

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Đi làm giấy tờ trở lại ra sao lúc này? HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Đi làm giấy tờ trở lại ra sao lúc này?

TTO - Từ ngày 4-10, nhiều thủ tục hành chính đã được các cơ quan chức năng ở TP.HCM tiếp nhận trở lại từng bước và bảo đảm an toàn dịch bệnh.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên